Đua xe MotoGP: Thêm sao rơi rụng, “tam mã” chỉ còn “song mã”

Sự kiện: Muôn màu thể thao

(Tin đua xe MotoGP - Tin thể thao) Sau cuộc “thư hùng” hấp dẫn trong màn mưa tại “xứ sở hoa anh đào”, MotoGP lại nhanh chóng, hối hả đến với “xứ sở chuột túi” Australia với chặng đua thứ 16 của mùa giải.

Đua xe MotoGP: Thêm sao rơi rụng, “tam mã” chỉ còn “song mã” - 1
Phillip Island là một hòn đảo thuộc chủ quyền của Australia, nằm 140km về phía Nam-Đông Nam của thành phố Melbourne, Victoria. Nó được đặt tên theo thống đốc đầu tiên của bang New South Wales, ngài Arthur Phillip. Nó có chiều dài 26km và chiều rộng 9km với tổng diện tích là 100km vuông cùng với đó là 97km đường bờ biển. Để kết nối từ đảo đến đất liền, một cây cầu bê tông (trước đây là cầu gỗ) dài 640m đã được xây nên, bắt đầu từ thị trấn San Remo tới thị trấn Newhaven trên đảo.

Khung cảnh trường đua tuyệt đẹp khi nhìn từ biển vào

Phillip Island được coi như quê nhà của môn thể thao tốc độ tại Australia khi những cuộc đua đầu tiên đã được diễn ra trên những cung đường nơi đây từ những năm 1920. Cuộc đua chính thức đầu tiên diễn ra vào năm 1931 và một trường đua đã được xây dựng năm 1956. Tuy nhiên do không có tiền để tu sửa, nâng cấp nên vào những năm cuối thập niên 70, đầu những năm 1980, nó đã xuống cấp trầm trọng.

Mãi tới 1985, chính quyền mới cung cấp số tiền 5 triệu đô Australia để các nhà chức trách sữa chữa lại đường đua này. Và chỉ 4 năm sau, MotoGP đã đến đây trog 2 năm liên tiếp trước khi Phillip Island trở thành điểm đến thường niên của giải đua xe lớn này kể từ sau năm 1997.

Australian GP đã được tổ chức liên tục kể từ năm 1989 đến nay. Sau 2 năm đầu tiên, trường đua Eastern Creek là địa điểm diễn ra những cuộc đua trong 6 năm tiếp theo từ 1991 đến 1996. Trường đua này nằm tại Sydney, là nơi tổ chức một chặng đua của MotoGP và A1 Grand Prix trong quá khứ. Hiện tại nơi đây là điểm đến của giải đua xe lớn nhất Australia, V8 Supercar.

Đua xe MotoGP: Thêm sao rơi rụng, “tam mã” chỉ còn “song mã” - 2

Chi tiết trường đua Phillip Island (Nguồn: MotoGP.com)

Sau đó, trong 20 năm gần đây, Phillip Island là nơi các tay đua MotoGP đến tranh tài và đem đến cho khán giả những cuộc đua hấp dẫn. Không chỉ có vậy, đất nước Australia cũng là nơi đã sản sinh ra nhiều tay lái nổi tiếng như Gardner, Mick Doohan, Troy Bayliss, Troy Corser và Casey Stoner (nhà vô địch MotoGP gần đây nhất của đất nước này), cùng với đó là Daniel Ricciardo của F1. Đó chính là một minh chứng không thể tuyệt vời hơn cho một di sản giàu có về đua xe của “xứ sở chuột túi” này.

Trường đua Phillip Island được ban tặng cho một phong cảnh đẹp ngoạn mục và cả tầm nhìn hướng ra bờ biển tuyệt vời. Nó có chiều dài 4,4km với hướng chạy ngược chiều kim đồng hồ. Có tổng cộng 12 khúc cua với 7 về bên trái và 5 về bên phải, trong đó có một số cua nổi bật có tên riêng chẳng hạn như Sothern Loop (cua 2), Siberia (cua 6), Lukey Height (cua 9) hay đoạn đường thẳng dài 900m qua vạch xuất phát/đích mang tên cựu tay đua Gardner.

Ngoài ra còn có Doohan, Honda Corner và thêm khúc cua thứ 3 mang tên Casey Stoner (Nhà VĐTG năm 2007).

Đua xe MotoGP: Thêm sao rơi rụng, “tam mã” chỉ còn “song mã” - 3

Casey Stoner – nhà VĐTG MotoGP năm 2007 cùng Ducati

Đây là một trường đua không có nhiều đoạn đường thẳng mà có nhiều cua với độ khó khác nhau, vì thế một chiếc xe mạnh về khí động học và có tốc độ tốt sẽ làm chủ được đường đua này. Về quãng đường mà 3 thể thức phải chinh phục, Moto3 sẽ trải qua 23 vòng đua với 102,3km đường; Moto2 sẽ phải hoàn thành 25 vòng đua với quãng đường 111,2km còn MotoGP sẽ cần phải giải quyết 120km đường qua 27 vòng đua cam go.

Kỷ lục 1 vòng đua trong Race tại Phillip Island là 1 phút 28,108s lập ra bởi Marc Marquez đã cách đây 4 năm. Tương tự, kỷ lục vòng giành pole cũng diễn ra vào năm 2013 và thuộc về Jorge Lorenzo với thành tích 1 phút 27,899s. Còn về tốc độ cao nhất đạt được trên Gardner Straight, con số lên đến 348km/h do Andrea Dovizioso tạo ra trong chặng đua năm 2015.

Phillip Island cũng có thể coi là một nơi đặc biệt khi tại MotoGP, rất ít lần người chiến thắng mang quốc tịch Tây Ban Nha, điều hiếm thấy ở giải đấu này. Bằng chứng là kể từ lần đầu tổ chức năm 1989, trong 28 cuộc đua thì chỉ có 3 lần chiến thắng thuộc về họ, nhưng hai lần gần nhất lại diễn ra trong năm 2013 và 2015 khi Marquez và Lorenzo là người về nhất.

Lí do cho việc này có lẽ là bởi hai huyền thoại Valentino Rossi và Casey Stoner, mỗi người đã có tới 6 lần chiến thắng tại đây, và thậm chí trong giai đoạn từ 2001 đến 2012 (trừ 2006) người về nhất không nằm ngoài hai cái tên đó.

Đua xe MotoGP: Thêm sao rơi rụng, “tam mã” chỉ còn “song mã” - 4

Podium Australian GP 2016

Ngoài ra, Rossi còn có thêm 2 chiến thắng nữa thuộc thể thức 250cc, nâng tổng số lần về nhất lên thành 8. Tuy nhiên năm nay ‘The Doctor’ sẽ khó có lần thứ 9 đăng quang bởi cuộc cạnh tranh cho chức vô địch đang nóng hơn bao giờ hết giữa Marquez và Dovizioso.

Sau thành công tại Motegi, tay lái người Ý chắc chắn sẽ càng quyết tâm hơn ở trên đất Australia nhằm tiếp tục gây áp lực cho người dẫn đầu Marquez. Nhưng sàn diễn tại MotoGP không giành riêng cho bất kì ai nên chúng ta có thể hy vọng vào những bất ngờ sẽ tiếp tục tới vào cuối tuần này.

Chặng đua thứ 16 sẽ diễn ra từ 20 đến 22/10 tới với vòng chạy phân hạng bắt đầu từ 10h sáng ngày thứ 7 và cuộc đua chính thức từ 9h sáng ngày Chủ nhật.

Đua xe MotoGP: Thủy chiến ”tàn khốc”, huyền thoại ngã đau đớn

Các tay đua đã trình diễn tuyệt vời và người hâm mộ không phải thất vọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN