Đua xe MotoGP: Kịch chiến những "chàng cao bồi" miền viễn Tây nước Mỹ
(Tin đua xe MotoGP) Tạm gác lại những diễn biến gây nhiều tranh cãi tại Argentina, cuối tuần này, chặng đua thứ 3 của năm 2018 sẽ diễn ra trên đất Mỹ với trường đua tại Austin, Texas.
Texas là bang lớn thứ 2 của nước Mỹ cả về diện tích (thua Alaska) và dân số (thua California). Nằm ở phía Trung Nam của đất nước, Texas rộng 696.241 km2 và là nơi sinh sống của khoảng 29 triệu dân Mỹ, nơi đây cùng với 3 bang phía Nam khác có đường biên giới với Mexico. Ngoài ra, bang Texas còn có một phần tiếp giáp với biển, cụ thể là vịnh Mexico ở phía Đông Nam.
Một điểm đáng nói nữa là tại Mỹ, mỗi một bang đều như 1 đất nước thu nhỏ, họ đều có luật pháp riêng biệt. Riêng với cờ của Texas, điều thú vị ở chỗ nó khá tương đồng với quốc kỳ của Chile. Cả hai đều có 3 màu chủ đạo là xanh nước biển đậm, trắng và đỏ nhưng với ngôi sao trắng trên nền xanh của Chile chỉ là một góc trên bên trái, còn của Texas trải dài hết 1/3 lá cờ.
Thành phố Austin là đô thị phát triển của Mỹ
Trong bang được coi là nơi trú ngụ của các cao bồi miền viễn Tây, có tổng cộng 68 thành phố, nhiều hơn số tỉnh, thành phố của cả nước Việt Nam. Trong đó, Houston, San Antonio, Dallas là những thành phố lớn và đông dân nhất của Texas. Đứng thứ 4 là Austin và đây cũng chính là thủ phủ của bang này. Austin có diện tích gần 800 km2 với dân số khoảng gần 940 nghìn người, nhiều thứ 2 trong số các thủ đô thuộc các bang (sau Phoenix, bang Arizona).
Đây là thành phố phát triển mạnh nhất của nước Mỹ trong những năm gần đây với GDP hàng năm lên tới gần 90 tỷ USD. Chính vì vậy, Austin được coi là trung tâm về công nghệ cao với hàng loạt tập đoàn lớn đều có trụ sở hoạt động tại đây như Apple, Amazon, Facebook, Google, Hewlett-Packard hay Intel. Nhờ đó mang lại việc làm cho hơn 200 người ở mỗi văn phòng đặt tại đây.
MotoGP đã đến với nước Mỹ từ rất lâu trong quá khứ, cụ thể là từ những năm đầu của thập niên 1960. Dù không được tổ chức liên tục, xuất hiện thường niên trên lịch đua của MotoGP nhưng Mỹ đã tổ chức tổng cộng 29 chặng đua chính thức trong giai đoạn từ 1964 đến nay. Hơn nữa chặng đua này cũng khá đặc biệt khi chỉ mấy năm trước đây, năm 2013, có tới 3 trong số 18 chặng đua diễn ra trên đất Mỹ, đó là tại Indianapolis, Laguna Seca và COTA.
Chi tiết trường đua (Nguồn: MotoGP)
Bên cạnh ba trường đua kể trên, một trường đua khác đã tổ chức 2 chặng đua năm 1964 và 1965 là Daytona, là trường đua hình oval nổi tiếng mà đang tổ chức các cuộc đua NASCAR hiện tại. Tiếp theo đó là trường đua Laguna Seca, nơi diễn ra nhiều chặng đua trên đất Mỹ nhất với 15 lần.
Trong 4 năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 1988) , nó chỉ diễn ra hai thể thức cao hơn là 250cc và 500cc (hồi đó 500cc là thể thức số 1), rồi hai năm tiếp theo nó tổ chức thêm cả thể thức 125cc. Sau đó, chặng đua này biến mất trong 11 năm trước khi trở lại một lần nữa vào năm 2005, và lần này nó là cuộc đua chỉ giành riêng cho thể thức mạnh nhất MotoGP. Năm 2013 là năm cuối cùng US GP được tổ chức tại Laguna Seca.
Song song với cuộc đua ở Laguna Seca là một cuộc đua khác diễn ra ở trường đua Indianapolis trong giai đoạn từ 2008 đến 2015. Tất nhiên họ không đua ở trường đua hình oval như NASCAR mà họ đua ở một cấu trúc được thiết kế phù hợp hơn với MotoGP. Trước đó, đường đua này cũng đã được sử dụng ở chặng đua F1 trong 8 năm từ 2000 đến 2007 dù vậy, có một điều không thể thay đổi là chiều dài đường đua khá ngắn, chỉ hơn 4,1 km cho một vòng đua.
Cua 1 đặc trưng của trường đua COTA
Và cuối cùng là trường đua hiện tại COTA, nằm cách 19km về phía Nam thành phố Austin, bang Texas của Mỹ. Nó được thiết kế bởi kỹ sư Hermann Tilke, xây dựng trên một mảnh đất rộng 1000 arces (tương đương với 400 hecta) từ đầu năm 2011 và khánh thành vào cuối tháng 10 năm 2012, chỉ gần 1 tháng trước khi chặng đua F1 đầu tiên diễn ra tại đây, và MotoGP cũng đã tới 1 năm sau đó.
Đặc điểm nổi bật nhất chắc chắn là sự chênh lệch giữa điểm cao và thấp nhất của đường đua lên tới 41m và đoạn đường thẳng dài 1200m đi qua vạch xuất phát/ đích là một đoạn khá dốc rồi lên tới khúc cua thứ 1 là thách thức lớn nhất bởi góc cua khá là nhọn. Đây là một trường đua với những đoạn thẳng tốc độ cao kết hợp với nhiều đoạn đường ngắn nhiều khúc cua đầy thử thách cho các tay đua.
Chiều dài của đường đua là 5,513km với tổng cộng 20 khúc cua, 11 về bên trái và 9 về bên phải, cùng với đó là hướng đua theo ngược chiều kim đồng hồ. Thời gian đua một vòng nhanh nhất tại đây là 2 phút 02,135 giây của đương kim vô địch Marc Marquez lập được năm 2015, còn thành tích nhanh nhất của 1 vòng chạy trong race lại là 2 phút 03,575 giây cũng do chính Marquez tạo ra trước đó 12 tháng.
Podium GP of the Americas năm 2017
Kể từ khi đến với COTA năm 2013, Marc Marquez vẫn là tay đua duy nhất đã từng giành chiến thắng ở thể thức cao nhất khi anh là người về nhất trong 5 năm liên tiếp. Ngoài ra trong các tay lái còn lại của thể thức này, chỉ có Alex Rins, Jack Miller và Maverick Vinales đã từng về nhất ở các thể thức dưới. Năm nay nhiều khả năng lịch sử sẽ lặp lại nhưng với những gì đã xảy ra ở 2 chặng đầu tiên, không có viễn cảnh nào là không thể tới vào Chủ nhật tuần này.
2 chặng đua đã qua với 2 người về nhất khác nhau, khán giả tại Austin chắc chắn sẽ chờ đợi người thứ 3 được xướng tên trong mùa giải 2018 khó lường này. Vào một cuối tuần mà thời tiết sẽ tiếp tục là một yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đua, US GP chắc chắn sẽ không thể có một diễn biến “yên bình” được.
Hãy đón xe chặng đua thứ 3 tại Mỹ diễn ra từ 20 đến 23.04 tới (giờ VN) với lượt chạy phân hạng bắt đầu từ 1h sáng ngày Chủ nhật và cuộc đua chính thức từ 23h cùng ngày trên hệ thống Fox Sports.
Marquez mắc quá nhiều sai lầm khiến Argentina GP trở thành vết nhơ không dễ xóa bỏ.