Đua xe F1 và "những chiếc thẻ đỏ": Định đoạt ngôi vương
(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Mùa giải F1 đã đi qua được 8 chặng đua mà hầu hết trong số đó đều là những cuộc đua đem lại những kết quả khá bất ngờ, một phần nguyên nhân chính là do những án phạt mà các tay đua phải nhận từ những lỗi đua trên đường, các vụ tai nạn hay khi đua gay gắt đến mức không cần thiết.
Những án phạt còn có thể thay đổi hoàn toàn cục diện của cả chặng đua như những gì diễn ra tại Azerbaijan GP vừa qua. Hãy cùng điểm qua 2 trong số những yếu tố phạt đáng chú ý nhất của F1 hiện tại.
Điểm phạt trên bằng lái
Mỗi tay đua nếu muốn tham dự vào F1 thì điều đầu tiên cần phải có cũng giống như một người bình thường muốn chạy xe ngoài đường, đó chính là bằng lái. Bằng lái F1 có phần đặc biệt hơn nên nó được gọi là 'Siêu bằng lái" (Super Licence), và theo kèm nó là hệ thống điểm phạt mới được áp dụng bắt đầu từ mùa giải 2014.
Điểm phạt sẽ được tính và cộng vào nếu như tay đua đó xảy ra va chạm, gây ra tai nạn hay mắc lỗi trên đường đua. Số điểm cao nhất có thể tới là 12 điểm và nó được giữ nguyên trong vòng thời gian 12 tháng bắt đầu từ ngày bị phạt. Ví dụ như Sebastian Vettel từ tình huống mà giám sát đường đua FIA cho rằng anh đã gây nguy hiểm trên đường tại Baku vừa qua, anh bị phạt 3 điểm trên bằng lái và nó sẽ được lưu lại cho tới cuối tháng 6 năm sau.
Sebastian Vettel đang trong vòng nguy hiểm
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu 1 tay đua chạm mốc 12 điểm trong chưa đầy 12 tháng? Tay đua đó sẽ bị cấm đua trong 1 chặng tiếp theo, và sau hình phạt đó 12 điểm sẽ bị xóa toàn bộ. Trong 4 năm tồn tại, vẫn chưa có tay đua nào bị nhận hình phạt cao nhất này. Hiện tại, Vettel chính là tay đua đang có số điểm phạt cao nhất là 9 điểm, nhận được từ 4 chặng đua: Anh, Malaysia, Mexico (2016) và Azerbaijan.
Với con số 9 lúc này, tay đua đang dẫn đầu bảng xếp hạng phải rất cẩn thận ở chặng đua tới tại Áo bởi có thể chỉ do một hành động sai lầm thôi cũng có thể khiến con số đó thành 12, và điều đó tương đương với 1 án phát cấm thi đấu 1 chặng. Việc đang gặp áp lực rất lớn từ Hamilton lúc này khiến cho Vettel sẽ phải trả giá đắt nếu mất trắng 1 cuộc đua trong năm nay.
Podium Baku tình cờ góp mặt 3 cái tên chưa phải nhận điểm phạt nào
Tay đua xếp thứ 2 với 8 điểm phạt là Carlos Sainz của Toro Rosso, anh nhận từ các chặng đua Đức, Mexico (2016), Bahrain và Canada (2017). Tất cả các tay đua đã phạt khác hiện tại người cao nhất cũng chỉ có số điểm là 5, vì thế họ vẫn đang ở ngưỡng khá an toàn, không có quá nhiều áp lực khi đua.
Còn với Sainz và đặc biệt là Vettel, họ vẫn cần đua quyết liệt để đạt được vị trí về đích cao, đồng thời phải có một cuộc đua "sạch", ít nhất là hết tháng 7 này thì khi đó 2 điểm họ nhận được năm ngoái sẽ được xóa.
Số lượng các thành phần của Power unit được phép sử dụng
Kể từ năm 2014, thời kì bắt đầu kỷ nguyên động cơ hybrid turbo V6 1.6litre, power unit cũng chính thức được ra mắt và đưa vào sử dụng trong F1. Mỗi một power unit được cấu thành bởi 6 bộ phận chính, đó là động cơ đốt trong (ICU), bộ phận sạc turbo (TC), máy tạo năng lượng từ nhiệt và động năng (MGU-H và MGU-K), thiết bị dự trữ năng lương (ES) và phần điều khiển điện tử (CE).
Theo quy chuẩn thể thao năm 2017, trong mùa giải này các tay đua được phép sử dụng tối đa 4 cái của mỗi 6 bộ phận chính trên xe và nếu sử dụng quá, tính từ cái thứ 5 thì tay đua đó sẽ bị phạt bậc trên vạch xuất phát cuộc đua chính thức.
Số lượng các thành phần từng tay đua đã dùng sau 8 chặng
Theo quy chuẩn cái thứ 5 đầu tiên của bộ phận nào đó được thay sẽ tính giảm 10 bậc trên vạch xuất phát, và cái thứ 5 tiếp theo của từng bộ phận còn lại, mỗi cái sẽ tính giảm 5 bậc trên vạch xuất phát. Hình phạt tương tự sẽ áp dụng với cái thứ 6, thứ 7 và tất cả những cái sau đó cũng sẽ như vậy.
Và một điểm nữa là khi số bậc phạt lên tới trên 20 bậc, trong khi tổng số chiếc xe đua trên đường chỉ là 20, hình phạt lúc này đã thừa nhưng sẽ không chuyển sang chặng sau mà sẽ mất đi. Đây là một "lỗ hổng" trong luật cũ mà các đội đua đã tận dụng và những đội như Ferrari hay Mercedes đã có chặng thay liên tục 2, 3 cái của mỗi bộ phận mới hoàn toàn để sử dụng trong các chặng tiếp theo mà chỉ chịu thiệt có đúng 1 cuộc đua.
Năm nay, McLaren vẫn tiếp tục đau đầu bởi án phạt về động cơ
Năm nay, để phòng tránh việc đó, FIA đã sửa lại luật rằng chỉ có cái CUỐI CÙNG được thay vào trên xe mới không bị phạt nếu sử dụng trong các chặng tiếp theo, còn những cái mới trước đó, dù đã nhận phạt ở chặng này nhưng đến chặng sau nếu dùng lại vẫn sẽ bị phạt như thường.
Để tính tổng số lượng bậc bị phạt trong 1 chặng, ta lấy ví dụ của tay đua Fernando Alonso ở chặng Azerbaijan GP vừa qua. Trước khi bước vào chặng đua, số lượng ICE - TC - MGU-H - MGU-K của tay đua người Tây Ban Nha là 3-5-5-3, sau 2 lượt thay cả 4 bộ phận này, con số đó trở thành 5-7-7-5.
Với những con số này, Alonso bị phạt 5 bậc cho mỗi cái thứ 5 của ICE và MGU-K (cái thứ 4 đúng theo luật, không bị phạt), phạt 10 bậc cho mỗi cái thứ 6, 7 đầu tiên và 5 bậc cho mỗi cái thứ 6, 7 còn lại.
Như vậy tổng cộng anh bị phạt 40 bậc trên vạch xuất phát và cái TC và MGU-H thứ 6 nếu được sử dụng ở các chặng đua sau thì có khả năng anh sẽ tiếp tục bị phạt. Tuy nhiên với sự không ổn định của Honda từ đầu năm đến nay, Alonso có lẽ sẽ bị phạt từ cái thứ 8, thứ 9 tiếp theo chứ không dại gì sử dụng tiếp cái đã dùng rồi.
Trên đây là một số án phạt điển hình và đáng chú ý nhất trong F1 hiện tại. Những yếu tố này đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc quyết định kết cục của từng chặng đua và cả mùa giải, nhất là trong một năm mà có nhiều đội đua cùng cạnh tranh cho vị trí cao nhất như năm nay. Dù vậy hy vọng các tay đua sẽ có thể tự giải quyết nhờ vào tài năng của mình, thay vì chờ vào sự may rủi đến từ những án phạt này.
Azerbaijan GP đã diễn ra theo một cách ‘điên rồ’ nhất.