Đua xe F1 thử lửa 2019: “Ngựa chiến" hí vang, nhà nghèo nỗ lực vượt khó
(Tin đua xe F1 - Tin đua xe công thức 1) Mùa giải F1 2019 đã chính thức được khởi động vào giữa tháng 2 bắt đầu với tuần lễ công bố xe của 10 đội đua, rồi sau đó là đợt thử đầu tiên tại trường đua Barcelona-Catalunya. Kết quả đợt thử không đem lại nhiều ý nghĩa về trật tự của năm nay nhưng đã giới thiệu cho người hâm mộ về chiếc xe và quy chuẩn mới.
So với năm 2018, 8 trên 10 đội đua F1 2019 gần như giữ nguyên màu thiết kế chủ đạo của chiếc xe và chỉ có đôi chút thay đổi nhỏ của các màu phụ. Ví dụ như Ferrari năm 2018 có tông màu đỏ trắng, giờ đã chuyển sang đỏ đen với nhà tài trợ chính mới, trong khi đó Racing Point (tiền thân là Force India) cũng có một đơn vị tài trợ mới và tông màu hồng-xanh nước biển đậm mới.
Haas VF-19 khiến chúng ta liên tưởng đến Lotus trước đây
Bên cạnh đó, Haas và Williams là hai đội đua còn lại có thiết kế đột phá nhất so với năm 2018. Đội đua đến từ Mỹ sau 3 năm trung thành với ba gam màu đỏ - trắng – xám thì đã thay đổi hoàn toàn trong mùa giải tới với nhà tài trợ đến từ Anh, vốn đã từng có tin đồn mua lại Force India vào mùa hè năm trước.
Chiếc VF-19 với thiết kế màu đen và vàng mạ, khá tương đồng với Lotus cách đây vài năm được hy vọng là một khởi đầu mới cho Haas. Còn với Williams, chiếc xe vẫn còn giữ tông màu trắng của “người tiền nhiệm” nhưng giờ thay vào đó là mùa xanh biển nhạt phai dần thành trắng tạo điểm nhấn cho xe.
Dù ra mắt với một “ngoại hình” khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, nhưng đội đua của ngài Frank Williams cũng làm tất cả phải sốt ruột và phần nào đó lo lắng khi vắng mặt trong không chỉ 1 mà 2 ngày test đầu tiên với lý do chưa chuẩn bị sẵn sàng. Đến ngày thứ 3, sự xuất hiện của họ tại Barcelona đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận và tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi chiếc FW42 có những vòng chạy đầu tiên trong năm 2019.
Williams chỉ hoàn thành được 2 ngày test cuối đợt 1
Ở những diễn biến khác, tương tự như các đợt test trước thềm mùa giải gần đây, kịch bản tiếp tục lặp lại khi Ferrari tiếp tục dẫn đầu các ngày. “Thật không thể tin nổi”. Đó là những gì Sebastian Vettel nói về ngày đầu tiên khi anh thiết lập mốc thời gian nhanh nhất cùng với số vòng hoàn thành ấn tượng, 169 vòng (tương đương với gần 3 cuộc đua gộp lại). Đồng đội mới Charles Leclerc cũng có màn ra mắt ấn tượng không kém và cảm thấy hài lòng khi ngồi lên chiếc SF90H một ngày sau đó.
Nhưng chúng ta thường nói, thời gian vòng chạy trong test không mang lại nhiều ý nghĩa. Bởi chúng ta không biết lượng nhiên liệu có trên từng chiếc xe, không biết cách set-up khí động học mà họ đang thử nghiệm, không biết liệu họ push trong cả vòng chạy hay chỉ push trong một phần vòng chạy rồi chạy theo chương trình định sẵn của đội đua…
Ngoài ra, các đội còn chạy với các bộ lốp khác nhau (từ C1 – cứng nhất đến C5 – mềm nhất và lốp Prototypes của Pirelli).
Renault có thành tích 1 vòng nhanh nhất đợt 1
Nếu vẫn xét tới thành tích 1 vòng mà các tay đua đã đạt sau 4 ngày, bất ngờ khi Renault là đội đua dẫn đầu cùng cái tên Nico Hulkenberg, thời gian 1 phút 17,393 (hoàn thành 247 vòng), hai vị trí tiếp theo thuộc về bộ đôi của Toro Rosso Alexander Albon (268 vòng) và Daniil Kvyat (214 vòng) lần lượt kém thành tích nhanh nhất 0,264 giây và 0,311 giây.
Thứ tự các đội đua kế tiếp là Alfa Romeo, Mercedes, Ferrari, McLaren, Haas, Red Bull, Racing Point và Williams. Nhìn vào trật tự trên chúng ta đều hiểu rằng bảng thành tích này không phản ánh được chính xác những gì đã xảy ra trong đợt test bởi chúng được các tay đua thiết lập từ các loại lốp khác nhau.
4 đội đua nhanh nhất sử dụng loại C5 mềm nhất trong vòng chạy của mình. Ngược lại Ferrari chỉ sử dụng lốp C3 (chạy tổng cộng 317 vòng) có độ cứng trung bình là chủ yếu. Hơn nữa với khoảng cách giữa các loại lốp kế tiếp nhau lần lượt là 0,6 giây, từ đó chúng ta có thể suy ra được thành tích nếu cả 10 đội đua chạy trên lốp C5 dựa theo dữ liệu của Pirelli.
Theo đó Leclerc và Ferrari là những người nhanh nhất (1 phút 16,846), theo sau là đội đua thứ 2 sử dụng động cơ Ferrari, Alfa Romeo với 1 tay đua trẻ khác Antonio Giovinazzi (+0,115 giây). Ngoài ra “ngựa chiến” nước Ý bỏ xa các đối thủ khác tới hơn 0,5 giây (Haas cũng xếp thứ 3).
Alfa Romeo được dự đoán là đội đua mạnh nhất phần còn lại
Tất nhiên đây vẫn không phải là thước đo chính xác 100% do chúng ta không biết chương trình test và lượng nhiên liệu trong xe của mỗi đội đua, nhưng phần nào cũng có thể đưa ra kết luận có lợi cho Ferrari. Cả Leclerc và Giovinazzi có thể xuống mức 1 phút 16 ngay trong tuần đầu tiên (thường tập trung vào độ bền bỉ) cho thấy một sức mạnh ấn tượng của động cơ Ferrari.
Thậm chí kể cả khi xét dữ liệu trên bộ lốp C3, họ vẫn tỏ ra ngang ngửa ở sector 1 tốc độ cao còn chậm hơn đôi chút ở sector 2 và 3 đòi hỏi khả năng khí động học.
Tổng kết lại thông số của 10 đội đua, trong các loại lốp, loại C3 trung bình được sử dụng nhiều nhất với tổng cộng 2023 vòng, C2 xếp thứ 2 với 1519 vòng chạy, trong khi 3 loại còn lại chỉ được sử dụng trong hơn 500 vòng và 137 vòng giành cho loại lốp Prototype thử nghiệm của Pirelli. Về 4 nhà cung cấp Power unit, với sự tích cực từ cả Haas, Alfa Romeo và đội đua của riêng mình, Ferrari đã có được 1345 vòng chạy, bỏ xa 3 đối thủ khác.
Mercedes cũng cung cấp cho 3 đội đua nhưng do sự chật vật của Williams (chỉ có 88 vòng test sau 2 ngày), họ chỉ có được 941 vòng. Con số trên còn thua Honda (947), cung cấp cho Red Bull và Toro Rosso, khi NSX đến từ Nhật Bảm năm nay đã thoát khỏi vị trí “đội sổ” và nhường lại nó cho Renault (871).
Honda có những tiến triển tích cực cùng Red Bull và Toro Rosso
Lợi thế “hiệp 1” đang nghiêng về Ferrari nhưng “hiệp 2” với nhiều bất ngờ và ẩn số đang chờ tất cả ở trước mắt. Khi đợt test khép lại, chúng ta có thể biết được rằng liệu Mercedes sẽ thực sự gặp khó trong mùa giải này hay không.
Robert Kubica đã trải qua một hành trình dài kể từ chấn thương hồi năm 2011.