Đua xe F1, Singapore GP: Cuộc chiến đường phố, sắc đỏ lên ngôi?
(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Rời khỏi châu Âu, vòng quay F1 hướng đến Đông Á cho chặng đua thứ 14 của mùa. Khu vực Đông Nam Á với đảo quốc Singapore là đích đến tiếp theo.
Singapore GP được biết đến là một cuộc đua đường phố đầu tiên ở châu Á, đồng thời cũng là cuộc đua đêm dưới ánh đèn cao áp đầu tiên trên lịch thi đấu Thể thức 1 thường niên kể từ năm 2008. Nhưng giải đấu có lịch sử ngắn này lại bắt đầu trước đó hơn 4 thập kỷ.
Marina Bay Circuit huyền ảo dưới ánh đèn đêm
Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chính quyền thành phố Singapore (khi đó còn thuộc Malaysia) tổ chức chiến dịch “Đến thăm Singapore/Năm Phương Đông”. Năm 1961 giải đua xe thể thao lần đầu tiên được tổ chức và mang tên Phương Đông GP (Orient Grand Prix). Thành phố Singapore có diện tích không lớn, vì vậy họ đã lựa chọn dạng đua đường phố.
Đường đua được thiết kế lấy đường Thomson làm trung tâm, nó có chiều dài một vòng chạy là 4,865km. Sau lần đầu tiên, giải đấu được đổi tên thành Malaysian GP trong giai đoạn 1962-65. Cùng thời gian này, Singapore giành độc lập, nên từ năm 1966 giải đấu chính thức mang tên Singapore GP. Trong quãng thời gian này, đường đua chỉ tổ chức các thể thức cấp thấp là Formula Libre và Formula 2.
Nhưng sự tồn tại của Singapore GP ở Thomson Road Circuit cũng chỉ kéo dài đến năm 1973. Bởi với xu thế phát triển của F1 hiện đại, đường đua không còn phù hợp và an toàn để tổ chức chặng đua.
Trong quãng thời gian ngắn đường đua Thomson Road hoạt động, đã có đến 7 tay đua thiệt mạng, đỉnh điểm dẫn đến việc tạm ngưng giải đấu chính là sự ra đi của hai tay đua liên tiếp trong các mùa 1972-73 (tay lái người Singapore - Lionel Chan năm 1972 và tay đua Thụy Sĩ - Joe Huber năm 1973). Cho dù đến năm 74 giải đấu vẫn có lịch dự kiến, nhưng nó chính thức bị hủy bỏ.
Thông tin kỹ thuật đường đua (nguồn F1.com)
Người Singapore quyết tâm đưa F1 hiện đại trở lại đất nước bằng những hành động cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Sau nhiều năm đàm phán với FOM và người đại diện là ông Bernie Ecclestone, họ đã đạt được thỏa thuận đưa Singapore GP trở lại bản đồ F1 từ năm 2008 vào tháng 5/2007. Giải đấu được đồng tài trợ bởi chính quyền Singapore và tập đoàn viễn thông Singtel.
Theo đó, Singapore sẽ được quyền tổ chức trong 5 mùa giải (2008-2012), rồi hợp đồng được gia hạn tiếp 5năm nữa đến hết mùa 2017. Ở thời điểm hiện tại, BTC Singapore GP đang tiếp tục đàm phán để duy trì giải đấu. Thông tin sớm nhất sẽ có trước thời điểm diễn ra chặng đua cuối tuần này, nhưng có một tín hiệu để tin rằng giải đấu sẽ tiếp tục hiện diện trên lịch thi đấu thường niên trong nhiều năm nữa. Bởi hồi tháng 6/2017, FIA đã công bố lịch dự kiến mùa 2018, Singapore GP sẽ diễn ra trong các ngày 14-16/9/2018.
Singgapore GP ngay từ đầu được thiết kế là một cuộc đua đường phố. Đường chạy được thiết kế dựa trên những con phố chạy xung quanh vịnh Marina và mang tên Marina Bay Street Circuit. Địa danh này nổi tiếng ở Singapore, nên về tầm cỡ, nó sánh vai cùng một chặng đua đường phố nổi tiếng khác là Monaco.
Là chặng đua đêm đầu tiên xuất hiện trên lịch thi đấu, nên đường đua được trang bị một hệ thống chiếu sáng hoàn hảo, mô phỏng hoàn toàn điều kiện ánh sáng như ban ngày(với hơn 1.500 bóng cao áp). Trong điều kiện đua đêm, với tác động của hiệu ứng ánh sáng, cảm nhận của fan hâm mộ thật đặc biệt, rất khó để phân định hơn kém với một chặng đua đêm cũng nổi tiếng khác là Abu Dhabi ở UAE.
Sau mùa giải đầu tiên, đường đua được điều chỉnh lại các góc cua 1, 2, 3 và 10. Phần gờ Kerb được hạ thấp để giảm tai nạn nhằm đảm bảo an toàn. Đến năm 2013, cua số 10 thêm một lần nữa được thiết kế lại và giữ nguyên trạng cho đến ngày nay. Nó sở hữu rất nhiều góc cua dạng 90º rất đặc biệt mà không nhiều đường đua có được.
Bảng lựa chọn lốp (nguồn Pirelli)
Marina Bay Street Circuit có hướng chạy ngược chiều kim đồng hồ, với điểm start/finish và khán đài chính Grandstand năm ngay bên bờ vịnh Marina. Đối diện khán đài chính là khu kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới bên cạnh tổ hợp nổi tiếng Singapore Flyer. Đường đua bao gồm 23 góc cua (10 phải và 13 trái) có chiều dài 5,065km mỗi vòng, các tay đua sẽ thực hiện 61 vòng chạy trên tổng hành trình 308,828km để hoàn thành cuộc đua.
Là đường đua dạng đường phố, nên chiếc xe phải được cài đặt thông số kỹ thuật với yêu cầu lực nén (downforce) cao, cùng sự ổn định khi vào cua và thoát cua với gia tốc lớn nhất. Đặc tính đường đua không đòi hỏi sức mạnh động cơ lớn mà cần nó hoạt động bền bỉ, ngoài ra hệ thống phanh và làm mát cũng sẽ làm việc tối đa ở chặng đua này. Theo dữ liệu ghi nhận mùa 2016, tốc độ trung bình đạt gần 160km/giờ, tốc độ tối đa cũng chỉ đạt 327km/giờ.
Như các mùa trước, đường đua sẽ có hai phân vùng cho phép kích hoạt DRS. Phân vùng thứ nhất bắt đầu sau góc cua số 5 và kết thúc trước cua số 7 – đây chính là điểm chiếc xe đạt tốc độ tối đa cao nhất, phân vùng DRS2 nằm trên đoạn thẳng start/finish – bắt đầu sau cua 23 và kết thúc trước cua số 1. Kỷ lục một vòng chạy tại Marina Bay Street Circuit mới được tay đua Daniel Ricciardo/Red Bull xác lập mùa trước là 1phút 47,187giây, còn thành tích đoạt pole mùa 2016 của Nico Rosberg là 1 phút 42,584giây.
Pirelli tiếp tục cung cấp 03 loại lốp cho chặng đua này tương tự mùa trước: Soft(viền vàng), SuperSoft(viền đỏ) và UltraSoft(viền tím). Với đặc tính đường đua, việc sử dụng tốc độ vượt mặt đối thủ trên đường chạy là bất khả thi. Nên để qua mặt đối thủ, ngoài việc sở hữu một chiếc xe cân bằng, ổn định, tay đua cần có kỹ năng xử lý ra vào cua hợp lý để tạo ưu thế trên đường chạy.
Một yếu tố có thể làm thay đổi cục diện trên đường đua là việc duy trì hiệu suất lốp tốt cùng một chiến thuật pit-stop hợp lý để hướng đến chiến thắng cuối cùng.
Marina Bay Street Circuit có đường pitlane không dài, nhưng các tay đua sẽ phải mất khoảng 24-25giây cho các thao tác kỹ thuật, vào ra pit-stop. Mùa trước, vẫn 3 loại lốp này, các tay đua đã thực hiện 3-4lần pit-stop, nhưng có thể mùa này chiến thuật ít lần dừng kỹ thuật hơn sẽ được các đội đua chú trọng.
Podium mùa giải 2016
Một chi tiết có tác động mang tính rủi ro cao khi tính toán chiến thuật, đó là việc xe an toàn(Safety Car) đã xuất hiện trong tất cả các cuộc đua kể từ 2008 đến nay, tổng cộng 14lần. Nên ngoài việc có một chiến thuật khôn ngoan, yếu tố may mắn cũng đóng góp không nhỏ cho một tay đua hướng đến chiến thắng cuối cùng!
2016 ghi dấu chiến thắng của Nico Rosberg. Hiện tại Lewis Hamilton đang bay cao trên bảng xếp hạng, nhưng Sebastian Vettel mới là tay đua sở hữu nhiều chiến thắng nhất tại Marina Bay Street Circuit (4lần: 2011-13 và 2015).
Spa-Francorchamps và Monza là đường đua tốc độ, ở đó Mercedes sở hữu sức mạnh tuyệt đối và sự độc tôn của mình. Nhưng Marina Bay là là câu chuyện hoàn toàn khác. Đội đua Đức sẽ gặp phải đối thủ đáng gờm Ferrari và ‘kẻ gây rối khó chịu’ Red Bull.
Đội đua nước Ý dường như đang có ưu thế với dạng đường đua phố, còn Red Bull mỗi khi hiệu suất động cơ là vấn đề thứ yếu so với khí động học thì luôn là thách thức với bất kỳ đối thủ nào. Nó làm cho sự cạnh tranh cuối tuần này càng trở nên khó đoán định và hứa hẹn sẽ là một chặng đua đầy kịch tính với fan hâm mộ!
Đêm ở Marina Bay Street Circuit cuối tuần này sẽ rực rỡ ánh sáng đường đua, hãy đón xem Singapore GP 2017 được bắt đầu bằng phiên chạy thử thứ nhất lúc 15giờ30 thứ 6 ngày 15/9 và cuộc đua chính lúc 19giờ00 chủ nhật ngày 17/9. Tất cả sự kiện được phát sóng trực tiếp trên kênh thể thao FOX Sports.
Một trong những vấn đề các đội đua luôn quan tâm, đó là bài toán hiệu suất lốp.