Đua xe F1 những kẻ "liều mạng": Không khuất phục trước tử thần
(Tin đua xe F1 - Tin đua xe công thức 1) Với 5 cái tên còn lại trong bài viết này, dù danh tiếng của họ có đôi chút thua kém nhưng câu chuyện mà họ đã trải qua thì vẫn thật đáng kinh ngạc và truyền cảm hứng tới nhiều tay đua khác.
Martin Brundle (Anh)
Chặng đua tại Dallas, Mỹ năm 1984 thiếu chút nữa đã cướp đi sự nghiệp của tay lái đầu quân cho đội đua Tyrrell khi đó. Sau khi về đích thứ 2 tại Detroit, ông tràn đầy tự tin bước vào chặng đua thứ 2 trên đất Mỹ nhưng một sự cố trong ngày phân hạng đã cướp đi tất cả.
Vụ nổ lốp bất ngờ đã khiến chiếc xe của ông đâm vào tường bê tông cứng, phần trước của xe bị nát tươm và cả phần mắt cá và chân của Brundle cũng không thể “sống sót” qua tác động quá mạnh. Với tình trạng đó, các bác sĩ phẫu thuật người Mỹ đều cho rằng cách duy nhất còn lại chính là cắt cụt hai chân, đồng nghĩa với việc sự nghiệp của Brundle cũng sẽ kết thúc cùng với đó.
Thế nhưng vị giáo sư bác sĩ nổi tiếng của làng đua xe F1, Sid Watkins đã ngăn chặn điều đó và nỗ lực đưa tay lái người Anh trở lại London để điều trị. May mắn thay, ông sẽ vẫn có thể trở lại đua xe khi bình phục chấn thương trở lại. Và đến năm 1985, ông quyết định tiếp tục gắn bó với Tyrrell dù sức mạnh của đội xuống dần đều qua từng năm.
Dù vậy ông đã cán đích thứ 8 trong chặng đua đầu tiên tại Brazil và thêm 3 lần về thứ 7 trong năm (nhưng vẫn kết thúc năm mà không ghi được điểm nào). Chấn thương tại Dallas vẫn khiến Brundle cảm thấy đau đớn cho tới hiện tại nhưng ông đã có một sự nghiệp F1 kéo dài 12 năm cùng thành tích nổi bật nhất là vô địch World Sportscar năm 1988 cùng Jaguar.
Johnny Herbert (Anh)
Tay lái sinh năm 1964 là phiên bản cuối thập niên 80 của Max Verstappen khi được các đội đua hàng đầu như Ferrari, Williams hay Benetton mong muốn có được chữ ký. Nhưng một tai nạn thảm khốc tại trường đua Brands Hatch đã khiến giấc mơ lớn của ông tuột khỏi tầm tay.
Trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Gregor Foitek, phần trước chiếc xe của Herbert đã va chạm với tường chắn rồi bay qua đường đua và có cú va chạm mạnh thứ 2. Vụ tai nạn tương tự như của Brundle nhưng Herbert chỉ bị một vài vết rạn phần chân dưới, mắt cá và bàn chân.
Dù phải trải qua vài tháng phục hồi để có thể tới điểm mà ông có khả năng đua trở lại, Benetton vẫn tin tưởng vào tài năng của Herbert trong khi những người khác thì không. Đội đua mạo hiểm ký hợp đồng phần đầu năm 1989 với tay lái người Anh, chỉ 7 tháng sau vụ tai nạn trong khi ông vẫn phải chống nạng khi di chuyển. Và Johnny không để tất cả phải thất vọng khi cán đích thứ 4 tại Rio, và thêm một lần lọt vào top 5 tại Phoenix, chặng đua thứ 5. Kết quả mà ông đã giành được quả thực là một kỳ tích đáng ghi nhận trong lịch sử F1.
Graham Hill (Anh)
Nhà vô địch người Anh thử nghiệm loại lốp mới tại chặng đua US GP năm 1969 và đó chính là nguyên do thiếu chút nữa đã gây ra một hậu quả khôn lường đối với ông. Tới cuối vòng 89, khi ông chạy qua khu vực pit của đội đua của mình, Lotus, và đưa ra ám hiệu rằng vòng sau sẽ vào thay bộ lốp mới.
Nhưng chỉ vài giây sau đó, lốp sau bên phải bỗng phát nổ, chiếc xe lao ra ngoài đường và Hill văng ra bãi cỏ bởi trước đó ông đã nới lỏng dây an toàn để khởi động lại xe khi nó gặp vấn đề trên đường. Hậu quả là chân phải bị gãy, trật khớp chân trái và đứt dây chằng.
Nhưng dường như Hill không quá lo lắng về chấn thương mình gặp phải bởi cách đó 21 năm về trước, ông cũng đã gặp phải một vụ tai nạn xe máy khiến chân trái vẫn còn “lưu giữ” những vết thương. Hill cố gắng thúc đẩy quá trình phục hồi và cảm thấy đủ khỏe mạnh để trở lại vào năm 1970 ở chặng đua đầu tiên tại Nam Phi.
Ở đó, tay lái 41 tuổi đã từ vị trí xuất phát thứ 19 trên chiếc Rob Walker Lotus 49C và kết thúc cuộc đua trong top 6 có điểm. Sau chặng đua, ông đã phải nhờ tới sự trợ giúp của các kỹ sư mới có thể ra khỏi chiếc xe của mình, điều thể hiện sự phi thường của người đã 2 lần vô địch F1.
Hill cũng đánh giá đây chính là chặng đua hay nhất trong sự nghiệp của ông.
John Surtees (Anh)
John Surtees là một trong số ít những tay đua trong lịch sử có thể thành công ở cả 2 thể thức đua xe 2 bánh lẫn 4 bánh. Ông đã từng giành 8 chức vô địch moto trong giai đoạn 1956-1960, rồi chuyển sang đua tại F1 trong thập niên 1960 và đó cũng là thời điểm tay lái người Anh phải trải qua vụ tai nạn thảm khốc nhất trong sự nghiệp.
Tại Canada năm 1965, trong một buổi chạy luyện tập cùng người đồng đội Jackie Stewart trên chiếc Lola V8 7lit khi tay lái này không hài lòng với việc xử lý của chiếc xe. Trong 1 vòng Surtees đang chạy qua đoạn đường thẳng, phần trước xe đột nhiên vỡ vụn và xe lộn vòng 180 độ khiến cho Surtees bị đa chấn thương: xương đùi nát vụn, xương chậu bị tách đôi và thận cũng bị tổn thương không nhẹ. Đáng sợ hơn, vụ tai nạn khiến chiều dài hai chân của ông bị… lệch 10cm.
Ngay sau đó, ông đã được đưa về London để bác sĩ nổi tiếng Urquhart chữa trị, và sau nhiều nỗ lực, ông đã rút ngắn độ lệch từ 10 chỉ còn gần 2cm. Ferrari thời đó đã chi trả hết chi phí chữa trị và phục hồi của Surtees và cũng tổ chức riêng cho ông một đợt test nhỏ trên chiếc xe (động cơ V6) để có thể thúc đẩy nhanh thời gian trở lại.
Nhờ đó, Surtees đã trở lại nhiệm vụ quen thuộc vào đầu năm 1966, và đã dẫn đầu trong cuộc đua đầu tiên tại Monaco trước khi phải bỏ cuộc đáng tiếc. Nhưng không lâu sau, nhà vô địch F1 năm 1964 đã có một trong những chiến thắng ngoạn mục nhất trong sự nghiệp, dưới trời mưa tầm tã tại Spa. Anh cán đích đầu tiên và hơn người xếp sau, Jochen Rindt tới 42s.
Từ việc trải qua vụ tai nạn tệ nhất sự nghiệp tới màn trình diễn xuất sắc nhất dưới màn mưa trắng xóa chỉ trong 9 tháng là một điều rất đáng để ghi nhận cho John Surtees.
Gerhard Berger (Áo)
Trường hợp của Gerhard Berger có lẽ là vụ tai nạn kỳ lạ và “độc nhất” trong những vụ tai nạn đã kể trên. Trong kỳ nghỉ đông năm 1984, sau mùa giải đầu tiên với đội đua ATS của Đức, khi đang lái xe trở về nhà qua một con đường hẻo lánh vùng núi, ông đã bất ngờ phải tránh một chiếc xe khác đang đi ra từ trạm xăng bên đường. Điều đó đã khiến chiếc xe trượt ra khỏi đường, anh bị văng ra khỏi cửa sổ xe và bay xuống hồ.
Kỳ diệu thay, chạy phía sau anh là hai vị bác sĩ đã chứng kiến sự việc đó và đã chẩn đoán được rằng Berger đã bị gãy cổ và tiến hành các bước sơ cứu khẩn cấp rồi đưa tới bệnh viện để phẫu thuật (với rủi ro cao nhưng công nghệ tân tiến). Sau đó, Berger đã có sự hồi phục mạnh mẽ và tự tin đi thuyết phục chủ tịch đội đua Arrows Jack Oliver trong một nhà hàng tại London (dù ông vẫn phải đeo thiết bị hỗ trợ cổ).
Nhờ đó, ông đã có một vị trí cho mùa giải 1985 ở một đội đua không phải ở hàng top. Tuy nhiên tay lái người Áo đã có lúc vươn lên hạng 7 trước khi chiếc xe bị gãy treo tại chặng mở màn ở Rio. Ông kết thúc năm với 2 chặng ghi điểm liên tiếp tại Nam Phi và Australia còn chiến thắng đầu tiên (trong số 10 lần về nhất trong sự nghiệp) đến từ mùa giải 1986, khi ông đầu quân cho Benetton.
Vụ tai nạn trên chỉ là một trong nhiều vụ đã đe dọa tới sự nghiệp F1 của Berger, nhưng chưa bao giờ ‘thành công’. Dường như đã có một “thế lực” đứng phía sau hỗ trợ ông.
Hãy cùng điểm qua những tấm gương đã từng “vượt tử thần” trong quá khứ làng F1.