Đua xe F1 những kẻ đánh bại cả "tử thần": Sự trở lại phi thường

(Tin đua xe F1 - Tin đua xe công thức 1) 2019 sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử khi tay lái người Ba Lan Robert Kubica có sự trở lại thần kỳ tại F1 sau gần 8 năm kể từ vu tai nạn nghiêm trọng đã làm thay đổi sự nghiệp của anh. Tuy nhiên Kubica không phải là người đầu tiên trong gần 70 năm lịch sử làm được điều đó. Hãy cùng điểm qua những tấm gương đã từng “vượt tử thần” trong quá khứ và tìm được thành công tại giải đua xe này.

Niki Lauda (Áo)

Tay đua nổi tiếng của Ferrari với vết bỏng lớn trên mặt, trở nên quen mặt với người hâm mộ F1 hiện tại khi nắm giữ vai trò cố vấn đội đua Mercedes bên cạnh Toto Wolff. Sự việc xảy ra vào chặng đua Đức GP tại Nurburgring năm 1976, khi ông đang chạy qua góc cua tốc độ cao Bergwerk thì chiếc Ferrari mất kiểm soát và đâm vào tường.

Đua xe F1 những kẻ đánh bại cả "tử thần": Sự trở lại phi thường - 1

Tác động mạnh đã khiến bình xăng của xe bị vỡ và bắt lửa, dẫn đến một đám cháy dữ dội. Điều đó đã làm Lauda bị bỏng nặng và ông đã hít một lượng lớn khí độc vào trong cơ thể. Chính vì thế ông đã giành những ngày tiếp theo trong bệnh viện chữa trị và trải qua quá trình hút chân không phổi vô cùng đau đớn.

Tuy nhiên, sau khi được nghe về những tiến triển trong quá trình hồi phục, Lauda quyết định trở lại F1 chỉ… 6 tuần sau vụ tai nạn nguy hiểm đó, bỏ ngoài tai ý kiến của ngài Enzo Ferrari. Và ông đã quay lại đường đua tại Monza dù máu vẫn còn rỉ ra từ vết thương đó.

Tuy nhiên Lauda không thể chiến thắng được nỗi đau và rút lui khỏi ngày đầu tiên chỉ sau 1 vòng chạy. Nhưng ông đã có một màn trình diễn ấn tượng khi đánh bại người đồng đội trong ngày phân hạng và về đích thứ 4 trong cuộc đua chính thức. Sau đó ông đã đi tới chức vô địch năm 1977 và 1 lần nữa vào năm 1984.

Đây thực sự là một trong những sự trở lại huyền thoại nhất trong lịch sử thể thao thế giới, vì thế bộ phim Rush kể về Niki Lauda đã được dựng nên vào năm 2013.

Michael Schumacher (Đức)

Schumi trên chiếc Ferrari đang dẫn đầu với khoảng cách 40s tại chặng đua ở Silverstone năm 1999 trước khi cơ hội vô địch cùng… đôi chân của anh đã gặp phải một chấn động lớn. Chiếc Ferrari của anh đã bị mất phanh khi chạy qua một khúc cua tốc độ cao, khiến anh lao vào tường với vận tốc 160 km/h. Vụ va chạm đã làm gãy chân phải của anh, một chấn thương đã khiến anh phải nghỉ thi đấu 6 chặng tiếp theo. Vị trí của Schumi tạm thời được thay thế bởi Mika Salo.

Đua xe F1 những kẻ đánh bại cả "tử thần": Sự trở lại phi thường - 2

Trở lại buồng lái tại chặng đua Malaysian GP đầu tiên trong lịch sử, mọi ánh mắt đều hướng về Schumacher để xem, chấn thương ảnh hưởng như thế nào đến phong độ của tay lái người Đức. Câu trả lời là không. Anh chạy nhanh nhất FP2 và đưa chiếc F399 giành pole với khoảng cách tới 0,947s so với đồng đội Eddie Irvine và hơn 1s so với phần còn lại.

Ở cuộc đua chính, anh đã nhường Irvine và chấp nhận về hạng 2 bởi tay lái người Bắc Ailen vẫn còn cơ hội giành chức vô địch. Mùa giải kế tiếp, Irvine được thế chỗ bởi Rubens Barrichello và Schumacher bắt đầu quãng thời gian huy hoàng với 5 chức vô địch liên tiếp cùng Ferrari.

Mika Hakkinen (Phần Lan)

Khi anh tiến tới khúc cua thứ 8 tại trường đua Adelaide trong lượt chạy phân hạng chặng Australian GP năm 1995, lốp phía sau bên trái của chiếc McLaren MP4/10 đã bất ngờ nổ và lao mạnh vào bức tường bê tông chỉ được bảo vệ bởi 1 hàng lốp duy nhất. Vụ va chạm mạnh đã khiến đầu anh đập vào vô lăng và bất tỉnh tại chỗ, tình hình nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nhờ vào sự cấp cứu kịp thời của các nhân viên y tế đường đua, Hakkinen đã thoát chết trong gang tấc.

Tay lái Phần Lan bị đa chấn thương, bao gồm rạn hộp sọ, tổn thương phần bên trong tai và hệ thống thần kinh, điều đã khiến mắt của anh phải dán chặt lại nhằm có được một giấc ngủ trọn vẹn nhất (anh cũng chỉ cười được bằng nửa miệng).

Trải qua kỳ nghỉ đông không mấy vui vẻ, tới tháng 2 năm 1996, Hakkinen cảm thấy đủ khỏe mạnh trở lại để tiếp tục đua và McLaren đã tổ chức một đợt test bí mật trên chiếc xe mới MP4/11 tại Paul Ricard, Pháp. Và chỉ 87 ngày sau vụ tai nạn đó, Hakkinen đã hoàn thành được 63 vòng quan trường đua với thành tích tốt nhất nhanh hơn tới 0,5s so với Schumacher làm được trên chiếc Ferrari F310.

Từ đó, tay lái Phần Lan chính thức trở lại trọn vẹn mùa giải 1996, kết thúc năm ở vị trí thứ 5, trước khi lên ngôi vô địch F1 hai năm sau đó.

Juan Manuel Fangio (Argentina)

Fangio trong những năm đầu sự nghiệp đua xe đã tham dự những giải đua đường trường (tương tự như Dakar Rally hiện tại) tại khu vực Nam Mỹ và đã tích lũy được không ít kinh nghiệm về cách xử lý xe. Nhưng thử thách thực sự đã tới với ông khi phải lái từ Lyon đến Milan để tham dự chặng đua tại Monza năm 1952 ngay sau khi vừa hòan thành một cuộc đua tại Bắc Ailen. Fangio đã không được ngủ trong vòng 48h và chỉ tới Monza 30 phút trước khi cuộc đua bắt đầu.

Đua xe F1 những kẻ đánh bại cả "tử thần": Sự trở lại phi thường - 3

Ông vẫn thể hiện được một màn trình diễn ấn tượng khi chạy 2 vòng và có 15 cú vượt mặt trước khi không thể đánh bại cơn buồn ngủ được nữa. Ông mất kiểm soát khi đi qua khúc cua Lesmo thứ 2, chiếc Maserati lao qua kerb rồi lộn 1 vòng và lao vào tường.

Vụ tai nạn khiến cho phần cổ và lưng của Fangio bị gãy và mùa giải coi như kết thúc với tay lái Argentina. Nhưng sau khi phục hồi lại ở quê nhà với những bài tập thể lực và sự chăm sóc của mẹ, ông trở lại vào năm 1953, có được vị trí phân hạng thứ 2 trong chặng đua đầu tiên tại Buenos Aires, chỉ chịu thua Alberto Ascari của Ferrari.

Ông kết thúc mùa giải với chiến thắng duy nhất trong lần trở lại tại Monza và cũng xếp thứ 2 trên BXH sau Ascari. Kể từ đó không có gì có thể ngăn cản được huyền thoại Fangio, khi ông có được 4 chức vô địch liên tiếp trong giai đoạn 1954-1957 trước khi giải nghệ vào năm 1958.

(Fangio đã không bao giờ có thể cử động bình thường trở lại phần thân trên. Hơn nữa, dù tai nạn xảy ra khi ông đã bước sang tuổi 41 nhưng những ngày tháng huy hoàng nhất sự nghiệp của Fangio vẫn còn chưa tới.)

Felipe Massa (Brazil)

Vụ tai nạn của tay lái người Brazil có lẽ quen thuộc với không ít người hâm mộ F1 hiện tại khi nó mới chỉ xảy ra cách đây gần 10 năm và bởi tính kỳ di của nó. Tại chặng đua ở Hungary, trong cuộc đua phân hạng chiếc Ferrari của Massa đã chạy phía sau Barrichello và rồi một cái lò xo nhỏ đã bay ra từ xe Brawn GP, một thứ mà không ai nghĩ có thể gây hại nghiêm trọng cho con người.

Đua xe F1 những kẻ đánh bại cả "tử thần": Sự trở lại phi thường - 4

Thế nhưng, khi Massa đang chạy với vận tốc gần 250 km/h, cái lò xo lao đến theo hướng ngược lại và tác động rất mạnh vào mũ bảo hộ khiến anh bất tỉnh ngay tức khắc. Sau đó chiếc F2009 lao thẳng vào tường tại cua 4 và đội ngũ y tế ngay lập tức phải hành động.

Một ‘chiếc lò xo nhỏ’ đó đã làm rạn hộp sọ và thiếu chút nữa đã lấy đi cả con mắt trái của anh. Anh đã phải trải qua cuộc phẫu thuật khẩn cấp và sau đó bay trở về Brazil rồi gắn một đĩa kim loại nhỏ cố định hộp sọ. Massa phải ngồi ngoài trong phần còn lại của mùa giải 2009 trước khi Ferrari test và quyết định quay lại năm 2010. Dù nhiều người vẫn nghi ngờ về phong độ của anh sau chấn thương nặng nhưng Massa tự tin khẳng định rằng mình rất khỏe mạnh và mọi người không phải lo lắng. Từ đó ở chặng đua đầu tiên tại Bahrain, Massa đã vượt qua người đồng đội Fernando Alonso trong ngày thứ 7 và về đích thứ 2 chung cuộc.

Massa còn tiếp tục sự nghiệp khá thành công trong 8 mùa giải tiếp theo trước khi giải nghệ vào cuối năm 2017 vừa qua. Một sự thể hiện ấn tượng như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Đua xe F1: ”Phù thủy” hé lộ thử thách khó nhằn ở đường đua Hà Nội

(Tin đua xe F1 - Tin công thức 1) Chỉ còn gần 15 tháng nữa trước khi chặng đua F1 đầu tiên tại Hà Nội sẽ chính thức diễn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN