Đua xe F1: "Ngựa ô" thâu tóm đình đám, sẵn sàng đối đầu những “ông lớn”
(Tin đua xe công thức 1 - Tin đua xe F1) Racing Point kể từ tháng 8/2018 là đội đua có nhiều biến động nhất trong 10 đội đua F1 hiện tại sau khi đổi chủ sang tỷ phú người Canada Lawrence Stroll. Trong thời gian tới, bên cạnh việc ra mắt mẫu xe mới phục vụ cho mùa giải 2020, đội đua “báo hồng” này sẽ còn chuẩn bị triển khai một kế hoạch vĩ mô hơn trong năm 2021 tới.
Các thành viên chủ chốt của Racing Point sẽ ghé thăm thị trấn Mondsee, nước Áo vào ngày 17/02 tới để chính thức ra mắt chiếc xe mới và bắt đầu chiến dịch 2020.
Hai tay lái chính Sergio Perez và Lance Stroll sẽ là những người trực tiếp vén màn che phủ chiếc xe mới và khởi động một năm mới tại quê nhà của nhà tài trợ chính BWT, công ty xử lý nước hàng đầu châu Âu. Sau đó 2 ngày, họ sẽ tới Barcelona để tham dự đợt test đầu tiên trước thềm mùa giải tại trường đua Catalunya.
Racing Point sẽ công bố mẫu xe mới vào ngày 17/02 tại Áo
Đây sẽ là mùa giải khá quan trọng với đội đua đặt trụ sở tại Silverstone, Anh, khi họ bước vào mùa chính thức thứ 2 kể từ khi thay đổi bộ máy quản lý giữa năm 2018. “Báo hồng” có một năm thi đấu 2019 không thành công như một vài năm trở lại đây khi chỉ cán đích thứ 7 trên BXH đội đua, kém 12 điểm so với Toro Rosso ở hạng 6.
Họ ghi điểm trong 2/3 số chặng đua, trong đó có 3 lần ghi điểm với cả 2 chiếc xe cùng thứ hạng cao nhất là thứ 4 của Stroll tại Hockenheim, Đức.
Với sự cạnh tranh ngày càng cao của top giữa, chắc chắn Racing Point mong muốn có thể tái hiện thành tích đứng đầu nhóm giữa như đã làm được vào năm 2016 và 2017 với hạng 4. Đặc biệt trong năm 2020, mùa giải cuối cùng của quy chuẩn kỹ thuật hiện tại, họ sẽ muốn khẳng định lại vị thế của mình trước khi có bước chuyển mình sau đây gần 12 tháng.
Sau nhiều tháng với những lời đồn đoán, cuối cùng tỷ phú Lawrence Stroll đã xác nhận mua 16,7% cổ phần của Aston Martin với số tiền 182 triệu Bảng (239 triệu USD). Khoản đầu tư này là 1 phần nằm trong vòng gọi vốn khẩn cấp 500 triệu Bảng (656 triệu USD) của công ty Anh quốc nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính.
Lawrence Stroll (trái) ngày càng đầu tư mạnh tay vào F1
Yew Tree Overseas Limited, một liên hiệp của các nhà đầu tư quốc tế mà Stroll là người đứng đầu, mua 45,6 triệu cổ phiếu mới của Aston Martin trên sàn chứng khoán London. 318 triệu Bảng kêu gọi còn lại công ty tạo điều kiện cho các cổ đông hiện tại có thể mua thêm.
Từ đó, Stroll đã thay thế Penny Hughes thành chủ tịch mới của Aston Martin, còn CEO Andy Palmer vẫn tại vị sau đợt thay đổi này.
Với vị thế lớn trong tay, kết hợp với việc nắm trong tay đội đua Racing Point ở thời điểm này, nhiều khả năng “báo hồng” sẽ trở thành đội đua gốc của Aston Martin kể từ năm 2021.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sự hợp tác hiện tại giữa Aston Martin và Red Bull sẽ chấm dứt vào cuối năm nay (đội đua nước Áo đã xác nhận dù dự án thiết kế xe Aston Martin Valkyrie của Adrian Newey vẫn được triển khai).
Sự thay đổi lớn này vào năm sau sẽ đưa cái tên Aston Martin trở lại F1 với tư cách đội đua vận hành 100% lần đầu tiên sau 60 năm.
Họ đã từng tham dự 5 chặng đua chính thức năm 1959 và 1960, với thành tích cao nhất là hai lần cán đích thứ 6 tại trường đua Aintree (Anh) và Monsanto (Bồ Đào Nha) nhưng đáng tiếc là thứ hạng ngoài top ghi điểm (hồi đó chỉ có top 5 tay lái dẫn đầu ghi được điểm).
Lịch sử đã chỉ ra rằng khi Lawrence Stroll đầu tư vào một công ty cụ thể, ông thường xoay chuyển tình hình của công ty đó, đặc biệt là trong ngành thời trang. Vì vậy thương vụ đầu tư gần 250 triệu USD vào Aston Martin được dự đoán sẽ có những ảnh hưởng đáng kể lên F1 hiện tại.
Stroll đã xuất hiện trong làng đua xe F1 trong khoảng thời gian dài, bắt nguồn từ những thương hiệu như Tommy Hilfiger và Michael Kors, có mối quan hệ hợp tác với các đội đua. Sau đó với tư cách người cha, người hỗ trợ tài chính, ông đã mang lại một vị trí đua chính thức tại Williams năm 2017 cho cậu con trai Lance.
Dự án siêu xe Valkyrie có lẽ là sự kết hợp cuối cùng giữa Red Bull Racing và Aston Martin
Gần 2 năm sau, ông tiếp tục tiến thêm 1 bước nữa qua việc “giải cứu” Force India đang rơi vào cảnh phá sản, rồi trở thành chủ mới của đội đua, đổi tên thành Racing Point (một cái tên tạm thời). Và chưa dừng lại ở đó, khi một thương hiệu khác mang tên Aston Martin rơi vào khủng hoảng, Stroll nhanh chóng “nhảy vào cuộc”, rồi trở thành chủ tịch mới với 16,7% cổ phần.
Theo một phần của thỏa thuận trên, Racing Point sẽ trở thành đội đua gốc của Aston Martin trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Đây là một thỏa thuận chưa có tiền lệ trong lịch sử F1, thể hiện cam kết đầu tư lâu dài với F1 và đặt mục tiêu thành công của Stroll.
Một trong những rào cản lớn nhất trong sự chuyển giao này là thay đổi tên gọi, khi nó phải trải qua nhiều “tầng” phê duyệt. Nhưng khi lựa chọn tên tạm thời Racing Point, họ đã có một quyết định rất thông minh giúp họ có thể dễ dàng thay đổi trong tương lai.
Hiện tại, đội đua có tên là Sport Pesa (nhà tài trợ chính) Racing Point, với chữ ‘Point’ được thể hiện bằng dấu chấm hết câu (đúng nghĩa tiếng Anh). Vì thế khi viết, tên đội đua giống như là Sport Pesa Racing và sẽ là Aston Martin Racing vào năm sau. Nó chỉ như một sự thay đổi về tên nhà tài trợ đơn giản.
Nhiều khả năng 2020 là năm cuối cùng đội đua có thiết kế màu hồng chủ đạo trên xe
Nhà sản xuất xe của Anh đã nuôi tham vọng trở lại F1 từ lâu. Từ tháng 10/2015, suýt chút nữa Force India đã trở thành Aston Martin từ năm 2016. Những thiết kế thử nghiệm với màu chủ đạo xành và vàng (do thỏa thuận với Johnnie Walker) cũng đã được tạo ra nhưng thương vụ đã bất thành. Họ mong muốn có cơ hội cạnh tranh với hai đối thủ lớn McLaren và Ferrari cả trong và ngoài đường đua.
Dù sao, họ cũng đã có những năm hợp tác quý giá cùng Red Bull cả về kỹ thuật (thể hiện trong dự án siêu xe Valkyrie), để từ đó trở lại một cách chính thống với tư cách đội đua gốc vào năm sau.
Lawrence Stroll giờ đã nắm trong tay một cái tên ‘đình đám’, giúp ông có thể thu hút những nhà tài trợ mới muốn hợp tác với Aston Martin trong tương lai. Đối với F1, sau rất nhiều thập kỷ vắng bóng, cuối cùng cả hai “lão tướng” Alfa Romeo và Aston Martin đều đã “trở về nhà”. Một thương vụ mà tất cả các bên đều có lợi.
Nguồn: [Link nguồn]
Vừa qua người hâm mộ F1đã bình chọn 10 chặng đua hay nhất giai đoạn 2010-2019.