Đua xe F1, Malaysian GP: Chia tay buồn bã, đoạn cuối của một cuộc tình

(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Đường đua quốc tế Sepang (Sepang International Circuit) tại Kuala Lumpur – Malaysia sẽ diễn ra chặng đua thứ 15 của mùa giải.

Malaysia và Singapore có rất nhiều điểm chung, bởi mãi đến năm 1965 Singapore mới tách ra từ Malaysia và tuyên bố độc lập. Vậy nên cả hai giải đấu F1 ở hai quốc gia này đều có chung nguồn gốc. Giai đoạn 1962-65, Malaysian GP được tổ chức ở đường đua Thomson – Singapore. Sau khi Singapore độc lập, giải đấu đã gián đoạn trong 2 năm 1966-67.

Đua xe F1, Malaysian GP: Chia tay buồn bã, đoạn cuối của một cuộc tình - 1

Toàn cảnh đường đua hiện đại Sepang

Trong thời gian đó, Malaysia đã tiến hành xây dựng đường đua mới nằm gần sân vận động Shah Alam ở Selangor để tổ chức giải đấu dưới tên gọi Malaysian GP từ năm 1968. Giai đoạn này, Malaysia chỉ được biết đến là nơi tổ chức các thể thức đua xe thể thao cấp thấp như Tasman, Formula Pacific, Formula Atlantic, Formula 2 và Formula Holden.

Từ năm 1968 đến 1995, trong 28 năm, Shah Alam Circuit đã tổ chức thành công 15 lần các cuộc đua (các năm 1976 và 1983-94 không tổ chức). Mùa giải 1995 là lần cuối cùng, Shah Alam đã hoàn thành sứ mệnh Malaysian GP của mình để rồi sau đó giải đấu bước sang một trang sử mới – F1.

Thập kỷ 90 là thời điểm chính quyền Malaysia đầu tư rất lớn cho phát triển hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế. Với sự hậu thuẫn của tập đoàn dầu khí toàn cầu Petronas hùng mạnh, chỉ trong vòng 2 năm (1997 đến 1999) họ đã tiến hành đầu tư xây dựng và hoàn thành Sepang International Circuit. Đường đua vẫn nằm ở Selangor, nhưng nó được đặt ở gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur, cách thủ đô mới Kuala Lumpur khoảng 45km về phía nam.

Được thiết kế bởi nhà thiết kế, kiến trúc sư lừng danh người Đức – Hermann Tilke (là vị KTS sau này đã thiết kế một loạt các đường đua đang hiện diện trên lịch được coi là ‘siêu phẩm’ khác như Shanghai, Marina Bay và Yas Marina), Sepang International Circuit khi khánh thành được coi là đường đua hiện đại bậc nhất thế giới thời đó.

Chặng đua đầu tiên tại Sepang diễn ra vào ngày 17/10/1999. Đó là chặng đua áp chót mùa giải đó. Trong số 19 lần tổ chức Malaysian GP, có 4 lần giải được tổ chức vào thời điểm cuối mùa giải. Hai lần trước là 2 mùa đầu tiên (1999-2000), 2 lần sau chính là mùa 2016-17. Còn suốt giai đoạn 2001-15, giải đấu luôn được tổ chức như là một trong những chặng đua mở màn mùa giải mới.

Đua xe F1, Malaysian GP: Chia tay buồn bã, đoạn cuối của một cuộc tình - 2

Thông tin kỹ thuật đường đua (nguồn FIA)

19 năm đồng hành cùng F1 - đó là con số không phải quá lớn nhưng thật đáng tiếc khi nó phải dừng lại ở đây. Malaysia nổi tiếng với tòa tháp đôi Petronas, với Sepang International Circuit, đang hoàn thiện các bước để tổ chức F1 PETRONAS MALAYSIAN GRAND PRIX 2017 cuối cùng của mình (ít nhất chưa trở lại trong nhiều năm tiếp theo).

Sau nhiều nỗ lực của chính quyền Malaysia, nhưng doanh thu từ bán vé giảm, chi phí tổ chức tăng cao, cộng thêm việc khó cạnh tranh như là một điểm đến đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á với chặng đua đường phố đầy quyến rũ ở Marina Bay Circuit - tất cả những điều đó đã làm cho ban tổ chức đường đua không thể tiếp tục gia hạn hợp đồng với FIA cho các năm tiếp theo.

Trong bối cảnh F1 thuộc về chủ sở hữu mới, rất nhiều đường đua danh tiếng và có bề dày lịch sử trên khắp thế giới muốn hiện diện trong lịch thi đấu thường niên, cơ hội để một đường đua trở lại lịch sau khi bị loại bỏ là rất thấp.

Dù cho Sepang International Circuit vẫn luôn là một đường đua hiện đại, một đường đua đậm chất kỹ thuật và đầy thách thức, 2017 vẫn sẽ là sẽ là lần cuối Malaysian GP tỏa sáng. Dù cho sau đó Sepang vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình trong thể thao tốc độ ở thể thức MotoGP, nhưng với F1 là sự kết thúc: “TẠM BIỆT SEPANG”!

Trở lại với chặng đua, có thể nói về mặt kỹ thuật, Sepang International Circuit là một thách thức lớn với chiếc xe đua. Nó là sự kết hợp của các đoạn thẳng tốc độ cao xen kẽ giữa các góc cua/cua kép tốc độ cao/thấp khác nhau. Điểm nhấn của đường đua là 2 đoạn thẳng dài được liên kết với nhau bằng cua vòng cung số 15 tạo nên hình chữ V.

Đua xe F1, Malaysian GP: Chia tay buồn bã, đoạn cuối của một cuộc tình - 3

Bảng lựa chọn lốp (nguồn Pirelli)

Đây là một trong những đoạn thẳng dài nhất trong số các đường đua trên lịch, đoạn giữa cua 14-15 dài 927mét, còn đoạn thẳng start/finish dài đến 1.092mét. Đây cũng chính là 2 đoạn thẳng cho phép kích hoạt DRS, điểm khác biệt ở mùa này là sẽ chỉ có 1 điểm xác định DRS (DRS Detection) duy nhất nằm giữa cua 12-13.

Theo tính toán, ở DRS1 tốc độ tối đa có thể đạt trên 320km/giờ, ở DRS2 là trên 330km/giờ. Tốc độ tối đa không cao, bởi đặc tính đường đua yêu cầu chiếc xe có lực nén (downforce) rất lớn, dù vậy vận tốc trung bình cũng sẽ ở mức trên 200km/giờ.

Sepang bao gồm 15 góc cua, với 10 phải và 5 trái. Chiều dài mỗi vòng chạy là 5,543km, tổng hành trình mà các tay đua phải hoàn thành sau 56 vòng chạy là 310,408km. Các tay đua phải có kỹ năng xử lý điêu luyện khi vận hành chiếc xe từ vận tốc 330km/giờ xuống còn 90km/giờ để vượt qua cua kép 1-2, hay ở vận tốc gần 300 xuống 100km/giờ ở các cua ‘gắt’ 4 hoặc 9.

Ngoài ra ở các cua tốc độ cao 5-6-7-8 hay 12-13 xử lý thế nào để chiếc xe luôn đạt gia tốc tối ưu là những thách thức không nhỏ với các tay đua. Kỷ lục vòng chạy tại Sepang vẫn do Juan Pablo Montoya lập từ năm 2004 với mốc thời gian 1phút 34,223giây. Dữ liệu 2016 ghi nhận pole là 1phút 32,850giây và fastest-lap là 1phút 36,424giây đều do Mercedes thiết lập.

Năm nay, Pirelli đem đến đây 03 loại lốp mềm hơn mùa trước là Medium(viền bạc), Soft(viền vàng) và SuperSoft(viền đỏ). Đặc tính đường đua có độ mài mòn lốp khá cao, nhưng chất lượng lốp năm nay tốt hơn trước, nên dự báo chiến thuật 1lần pit-stop sẽ được tất cả các đội đua chú trọng hơn. Malaysia có đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm, nên dự báo cuối tuần nhiệt độ khá cao - trong khoảng 29-32ºC, nhưng cũng cần đề phòng những cơn mưa bất chợt có thể xảy đến.

Căn cứ vào số lượng lốp 2 loại chủ đạo là Soft-SuperSoft các đội đua lựa chọn, có thể thấy sự khác biệt từ các đội đua, từ đó cho thấy có thể họ sẽ chọn thời điểm pit-stop khác nhau để đoạt lợi thế trên đường chạy. Thời điểm pit-stop và trở lại đường đua hợp lý sẽ là yếu tố rất quan trọng hướng đến chiến thắng cuối cùng. Sepang có đường pit-lane tương đối dài, nên một lần dừng kỹ thuật sẽ tiêu tốn khoảng thời gian 23-25 giây.

Đua xe F1, Malaysian GP: Chia tay buồn bã, đoạn cuối của một cuộc tình - 4

Sepang luôn trong tim người hâm mộ F1

Mùa 2016, Red Bull đã có chiến thắng 1-2 tại đây, trước đó là Ferrari (2015). Mercedes dù trong kỷ nguyên Turbo đang độc bá F1, nhưng Sepang không phải là mảnh đất lành của họ khi đội đua nước Đức mới chỉ 1 lần đăng quang năm 2014.

Về đội đua: Dẫn đầu là Ferrari (7 lần) và Red Bull (4 lần). Cá nhân - Sebastian Vettel dẫn đầu với 4 lần vô địch, Michael Schumacher và Fednaldo Alonso cùng sở hữu 3 chức vô địch. Nhưng một khi đã vượt qua bài test khó ở Singapore GP vừa qua – có lẽ không gì có thể ngăn cản Mercedes có được lần thắng chặng thứ 2 của mình tại đây để tiến thẳng tới chức vô địch kép 4 mùa liên tiếp.

Ngoài Mercedes, ai cũng muốn ghi dấu ấn trong lần cuối Sepang hiện diện trên lịch. Red Bull khao khát chiến thắng chặng thứ 2 trong mùa này, Ferrari hoặc chiến thắng/hoặc chết sau cú ‘xảy chân’ ở Marina Bay Circuit. Và tất cả các đội đua khác cũng không là ngoại lệ.

Hãy cứ tin rằng, khúc nhạc cuối của ‘ca khúc’ “Goodbye Sepang” sẽ diễn ra với rất nhiều cung bậc cảm xúc để Malaysian GP mãi ghi dấu trong lòng người hâm mộ F1 toàn cầu trong ngày chia tay.

Sepang - 19 năm cho 1 lần và mãi mãi – hãy đón xem Malaysian GP 2017 sẽ khởi tranh bằng phiên chạy thử thứ nhất lúc 10giờ00 thứ 6 ngày 29/9 và cuộc đua chính lúc 14giờ00 chủ nhật 01/10/2017 (theo giờ VN). Toàn bộ sự kiện sẽ được phát sóng trực tiếp trên hệ thống truyền hình cáp tại kênh thể thao FOX Sports.

Mùa giải F1 - 2017
Theo bạn tay đua nào sẽ vô địch F1 năm 2017?

Video F1, Singapore GP: Thủy chiến 2 xe “bỏ mạng”, 8 tay đua bỏ cuộc

Cơn mưa ở Singapore đã khiến cuộc đua trở nên tan hoang do nhiều tay lái bỏ cuộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Danica Patrick ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN