Đua xe F1: Khó khăn tài chính và viễn cảnh còn tệ hơn sắp tới

(Tin thể thao, tin đua xe F1) Với việc công bố chính thức hoãn chặng đua diễn ra vào đầu tháng 6 tại trường đua Gilles Villeneuve, Canada, tổng số chặng bị hoãn/huỷ trong mùa giải 2020 này đã lên thành 9 chặng. Vì vậy, khả năng sẽ huỷ bỏ toàn bộ mùa năm nay đang ngày một lớn dần lên và F1 đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính trong viễn cảnh xấu nhất xảy ra.

* Khó khăn chồng chất: Không có chặng đua sẽ không có tiền

Theo dự kiến, chỉ còn gần 2 tháng nữa là Canadian GP tại thành phố Montreal được tổ chức, nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới quốc gia này (số liệu cho đến ngày 24/4 với hơn 42,000 ca nhiễm bệnh, hơn 2,100 người tử vong và chưa có dấu hiệu dừng lại), chặng đua đã chính thức bị hoãn lại.

Như vậy, tính đến hiện tại, chỉ còn 13 chặng đua vẫn diễn ra theo lịch trình chính thức và 7 chặng đua khác đang chờ thời gian được xếp lịch lại, ngoại trừ Monacos và Australia đã bị huỷ bỏ. Giám đốc quản lý của FOM (F1 Management) Ross Brawn vẫn hy vọng rằng mùa giải dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 7 tại châu Âu, nhưng không có khán giả.

Canadian GP 2020 đã chính thức bị hoãn lại

Từ đó, chúng ta không cần tới những nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp từ phố Wall để có thể hiểu được bức tranh mà F1 sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Hầu hết doanh thu từ các thoả thuận giải đấu đã ký kết đều phụ thuộc vào một yếu tố rõ ràng: ít nhất phải có các chặng đua được tổ chức.

Doanh thu đó trong năm 2019 vừa qua tổng cộng là 2,022 tỷ USD, được chia thành 3 nguồn thu chính, đó là phí tổ chức chặng đua từ các quốc gia (30% năm ngoái), phí bản quyền truyền hình (38%) và tài trợ (15%). Các nguồn thu khác đến từ khu vực cho khách VIP tại CLB Paddock (bên trong và sau toà nhà Pit), cũng như các thể thức hỗ trợ Formula 2-3 kèm theo.

Trong năm 2020, F1 dự kiến gia tăng được tổng doanh nhờ vào chặng đua thứ 22. Dù vậy trong bối cảnh hiện tại, mỗi chặng đua không được tổ chức khiến giải đấu bị thất thu 30-50 triệu USD (ngoại trừ Monaco, chặng đua không trả bất kỳ khoản phí tham dự nào).

Ngoại trừ Monaco, mỗi trường đua phải chi trả từ 20 triệu USD phí tổ chức thường niên

Khoản phí tổ chức thường niên này được trả (ứng) trước, nên lại đặt ra câu hỏi rằng chúng sẽ được hoàn lại (hiện chỉ có Australia), hay F1 có thể giữ nó như một khoản cho mùa giải 2021. Điều này có lẽ sẽ khó có thể xảy ra bởi nó liên quan đến vấn đề tài chính về tiền gửi. Sự mất mát của phí tổ chức là kết quả của việc huỷ chặng đua, từ đó dẫn đến các nguồn doanh thu cũng bị ảnh hướng lớn.

Đầu tiên phải kể tới tiền tài trợ và quảng cáo, không có chặng đua diễn ra tức là không có tiền.

Thứ 2, các đơn vị mua bản quyền truyền hình theo gói cả mùa giải, và khi số chặng đua bị cắt giảm, các thoả thuận với những nhà quảng cáo và người sử dụng dịch vụ của họ đều bị chi phối. Ví dụ tại Anh, nhiều người hâm mộ chi tiền để mua gói của hệ thống truyền hình cáp Sky, để theo dõi đầy đủ nhất những diễn biến của F1. Vì thế, họ không có lý do gì khác để mua gói truyền hình khi có có sự kiện nào diễn ra. Từ đó, các đơn vị quảng cáo cũng không muốn chi số tiền quá lớn để đổi lấy 30s xuất hiện trên TV.

Các đơn vị truyền hình cũng khốn đốn khi F1 bị hoãn/hủy

Nếu số chặng đua thực tế diễn ra không thể vượt quá 14 chặng, tức là không đạt đến con số kỳ vọng của CEO Chase Carey là từ 15-18 chặng, các đơn vị truyền hình sẽ bắt đầu được nhận khoản phí hoàn trả 1 phần, tuỳ theo số lượng chặng bị huỷ.

Nếu cả mùa giải không được tiến hành, họ có lẽ sẽ đòi lại hết khoản tiền đã trả cho năm 2020 này, vì đơn giản họ không thể quảng bá thương hiệu nếu không có sự kiện nào diễn ra.

Bên cạnh đó, không rõ về các điều khoản nếu huỷ bỏ chặng đua đối với các nhà tài trợ chính của F1 như Heineken, DHL và Emirates, bởi xét cho cùng, có ai nghĩ được rằng mùa giải sẽ bị huỷ bỏ vì lý do dịch bệnh này. Vậy còn tác động về mặt thương mại sẽ như thế nào? Thế giới tài chính sẽ nghĩ gì nếu lịch trình 2020 bị rút ngắn, hay huỷ bỏ?

Theo như Moody's Investors Services, một trong những đơn vị phân loại tín dụng và cung cấp thông tin tài chính danh tiếng nhất thế giới, cho rằng dù phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, họ tin tưởng rằng F1 vẫn có khả năng định hướng được mọi thứ. Các nhà phân tích của Moody khi đánh giá về giá trị của một công ty, họ sẽ tính toán về những điểm tích cực và tiêu cực hay quan trọng hơn là các rủi ro và đưa ra sự đánh giá về tình hình tài chính hiện tại.

Theo Moody, số phận F1 phụ thuộc vào số chặng tổ chức được trong 2020

Từ đó, Moody đã đưa ra kết quả đánh giá phân loại nợ "B2", với một số rủi ro hiện có, với triển vọng tương lai từ tiêu cực sang tích cực. Nếu nhìn qua, điều đó không quá tốt, nhưng Moody cho biết bức tranh thực sự sẽ phụ thuộc vào việc bao nhiêu chặng đua trong năm nay sẽ được tổ chức. Nhìn chung Moody kết luận họ "kỳ vọng doanh thu và dòng tiền tạo ra bị giảm đi, đòn bảy tài chính cao, và thanh khoản kém trong năm 2020.”

* Đau đầu bài toàn cách chia tiền thưởng và doanh thu từ truyền hình

Một vấn đề quan trọng nữa được đề cập đến, đó là việc gia hạn thoả thuận Concorde sẽ hết hạn vào cuối năm 2020. Để nói qua về hợp đồng này, đây là một thoả thuận được ký kết giữa Liên đoàn ô tô thế giới (FIA), các đội đua F1 và nhóm F1 (F1 Group), nói về việc các đội đua tham dự các chặng đua và cách chia tiền thưởng cũng như doanh thu từ TV mang lại. Tất nhiên là thoả thuận này được giữ kín giữ các bên liên quan.

Các đội đua F1 gặp khó khăn trong đàm phám thỏa thuận Concorde mới

Trong lịch sử, đã có tổng cộng 7 thoả thuận Concorde được ban hành, bắt đầu từ năm 1981, sau đó là 1987, 1992, 1997, 1998, 2009 và gần đây nhất là 2013. Mục tiêu của thoả thuận này là nâng cao tính chuyên nghiệp và sự thành công về thương mại cho giải đấu.

Yếu tố quan trọng hơn là các đội đua F1 phải có nghĩa vụ tham dự tất cả các chặng đua, khiến giải đấu được tin tưởng hơn và thu hút nhiều đơn vị truyền hình chi mạnh tay để nắm giữ bản quyền truyền hình. Ngược lại, các đội cũng đều được hưởng phần trăm trong doanh thu thương mại của F1 hàng năm.

Dù vậy trước tình hình dịch bệnh chưa xác định được hồi kết, các đội đua đều thừa nhận sẽ khó có thể xác định được tổn thất chính xác là bao nhiêu. Từ đó tất cả vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề cắt giảm chi phí.

Trước đó, ngân sách mới áp dụng để phát triển hiệu suất xe được thống nhất tối đa là 175 triệu USD/ năm, nhưng các đội đua nhỏ cho rằng mức này vẫn chưa đủ làm họ thỏa mãn nên đề xuất thấp hơn, từ 125-150 triệu USD. Các đội đua lớn cũng có lý của họ khi chính họ là những người nghiên cứu và sản xuất ra những chi tiết trên xe, sẽ tiêu tốn nhiều hơn so với các đội ‘khách hàng’ chỉ cần mua các chi tiết đó.

Các “ông lớn” rõ ràng phải chi nhiều tiền hơn các đội đua nhỏ

Trong thời gian tới. những cuộc thảo luận về vấn đề chi phí này sẽ tiếp tục được tổ chức. Từ đó dẫn đến việc thỏa thuận Concorde cũng chưa thể được tiến hành đàm phán, bởi nếu sự ảnh hưởng của COVID-19 là quá lớn, kết hợp với các thỏa thuận về chi phí không phù hợp, sẽ có những đội buộc phải rút lui khỏi F1 trong tương lai. Đó sẽ là một viễn cảnh còn tệ hơn những gì đang diễn ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Đua xe F1 và MotoGP: Nguy cơ hủy mùa giải dần xuất hiện

(Tin đua xe F1) Ông Chase Carey và Liberty Media vẫn đang hy vọng có thể tổ chức ít nhất 15 chặng đua trong mùa giải 2020. Dù...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN