Đua xe F1: Khi những nhà chiến thuật bậc thầy lên tiếng, tất cả “ngả mũ”
(Tin đua xe F1 - Tin đua xe công thức 1) Hungarian GP có thể không có nhiều tình huống tranh cãi khó lường như German GP nhưng đây lại là chặng đua tôn vinh chiến thuật xuất sắc giống như những gì Max Verstappen và Red Bull đã thể hiện tại Áo cách đây gần 1 tháng. Dù vậy lần này anh là người phải nhận trái đắng do đối thủ quá ‘cao tay’.
Verstappen đã một mình đánh bại cả Ferrari lẫn Mercedes để giành pole đầu tiên trong sự nghiệp sau hơn 4 năm chờ đợi. Nhưng tay lái #33 vẫn phải vượt qua một cuộc đua được dự báo là vất vả bởi anh không có sự hỗ trợ từ đồng đội Pierre Gasly. Do tay đua này chưa đạt được tốc độ tương đương với top dẫn đầu nên không thể tự mình gây áp lực lên Mercedes và Ferrari, trong khi “Mũi tên bạc” có tới 2 người.
Mặt khác, “Ngựa chiến” không tỏ ra nguy hiểm ở Hungaroring với nhiều khúc cua tốc độ thấp nên mục tiêu của họ có lẽ chỉ là podium và chờ đợi sai lầm từ đối thủ.
Verstappen chịu áp lực lớn từ Hamilton xuyên suốt cuộc đua
Mọi chuyện có phần dễ dàng hơn ngay ở những khúc cua đầu tiên, khi Valtteri Bottas từ vị trí thứ 2 đã gặp phải áp lực rất lớn từ phía người đồng đội Lewis Hamilton và thất thế trong cuộc chiến đó. Sau đó, Bottas bị tụt lại và không may va chạm với Charles Leclerc ở phía sau khiến cánh gió của anh bị hư hại, buộc phải vào pit thay thế. Cơ hội cạnh tranh cho podium và chiến thắng coi như đã biến mất chỉ sau 1 vòng đua.
Lúc này cuộc chiến chỉ còn diễn ra giữa Verstappen và Hamilton với khoảng cách chỉ dao động trong khoảng 2 giây mà không có dấu hiệu rằng Max có thể bứt lên. Mercedes không dưới 1 lần sử dụng chiến thuật “nghi binh”, đưa đội ngũ kỹ thuật ra pit box chuẩn bị thay lốp giả để đánh lừa đối thủ nhưng Red Bull tỉnh táo không rơi vào bẫy. Tuy nhiên họ vẫn có rủi ro tiềm tàng nếu để Hamilton vào pit trước thì mọi chuyện đều có thể đổ bể.
May mắn thay khi Max cảm thấy bộ lốp Medium xuất phát không còn độ bám, anh đã là người vào pit trước ở vòng 25 khi khoảng cách đã rơi vào vùng có thể sử dụng DRS. Hamilton và Mercedes lại quyết định chạy thêm vài vòng nữa để có lợi thế về cuối cuộc đua.
Tay lái #44 vào pit vòng 31 và trở lại đường đua 6 giây ở phía sau Max. Thời điểm đó, tất cả đều nghĩ rằng cả hai sẽ bắt đầu giai đoạn giữ lốp để quyết chiến trong những vòng cuối cùng, nhưng nhóm chiến thuật của đội đua nước Đức lại có suy nghĩ khác hẳn.
Và đã phải chịu thua ở vòng 67 với chiến thuật xuất sắc từ đối thủ
Khoảng cách 6 giây nhanh chóng biến mất chỉ sau 3-4 vòng đua khiến tất cả người trong cuộc lẫn khán giả đều cảm thấy ngỡ ngàng. Red Bull cũng không chuẩn bị cho điều này và khi họ nhận ra thì chiếc Mercedes đã ở ngay sau chiếc “Bò húc”.
Cuộc đua khi đó vẫn còn tới hơn 30 vòng nữa mới kết thúc nhưng Max bắt buộc phải tăng mức độ dùng động cơ và dốc toàn lực để bảo vệ vị trí của mình. Anh cũng nhận được sự “hỗ trợ” của những tay lái bị bắt vòng và sử dụng được DRS khi chạy qua đoạn thẳng. Nhưng suýt chút nữa anh đã đánh mất ngôi đầu khi bị Hamilton tấn công ở vòng 39, may mắn tay lái người Anh đã lao ra khỏi đường đua ở cua 4 và Verstappen có thể bảo toàn được vị trí.
Việc Hamilton liên tục push trong khi quãng đường chạy còn rất dài khiến tất cả đều thắc mắc không biết ý đồ của anh là gì, và mọi thứ chỉ được làm sáng tỏ ở vòng 49. Hamilton bất ngờ vào pit lần 2 và chuyển sang lốp Medium khiến mọi người cảm thấy ngỡ ngàng. Lý do anh có thể làm vậy bởi khoảng cách lúc này với người xếp thứ 3 lên tới hơn 30 giây, nên anh có một pit-stop “miễn phí” – Free Pit-stop (vì thời gian pit chỉ là hơn 20 giây và anh vẫn sẽ giữ nguyên vị trí khi trở lại).
Red Bull hoàn toàn có thể đưa Verstappen vào pit ở vòng tiếp theo nhưng như vậy sẽ rủi ro mất vị trí dẫn đầu khi khoảng cách chỉ là 1 giây. Sau khi rời pit, khoảng cách với Max là 20 giây và cuộc tấn công đợt 2 của Hamilton bắt đầu. Với bộ lốp mềm và mới hơn, Red Bull chỉ hy vọng đối thủ sẽ mắc sai lầm mới có thể giành chiến thắng.
Cả hai dành cho nhau sự tôn trọng sau cuộc “tỷ thí” căng thẳng
Những vòng đầu tiên khoảng cách xuống khá chậm, dường như Mercedes muốn Red Bull cảm thấy sốt ruột và chờ bộ lốp của Max bào mòn nhiều hơn. Và khi thời điểm thích hợp tới, Hamilton bắt đầu push mạnh mẽ và rút khoảng cách 2 giây mỗi vòng.
Cùng lúc đó, Max đang chuẩn bị cho cuộc đấu trong những vòng cuối nhưng bộ lốp Hard sau 35 vòng chạy đã được anh miêu tả là “đã chết”, vì thế không còn độ bám và khả năng phòng thủ trên đoạn thẳng gần như bằng không. Từ đó Hamilton dễ dàng rút khoảng cách rồi sử dụng DRS vượt qua chiếm lấy vị trí số 1 mà không phải thể hiện quá nhiều. Max và Red Bull cũng hiểu điều đó và đành phải hài lòng với vị trí số 2 dù vẫn có những nuối tiếc.
Red Bull luôn được biết đến với sự cao tay trong chiến thuật cùng những ‘nước cờ’ sắc sảo, đã làm nên thành công của họ. Tuy nhiên hôm nay “Bò húc” rơi vào tình thế bị động, bởi họ là người có nhiều thứ để mất nhất ở chặng này. Vì thế mọi quyết định phải được cân nhắc kỹ lưỡng chứ không được thoải mái như Hamilton ở phía sau với khoảng cách lớn với chiếc xe tiếp theo.
Dù vậy không thể nói Red Bull có chiến thuật sai lầm, họ thực hiện đúng kế hoạch đề ra khi dẫn đầu cuộc đua nhưng trong “bài toán” này đã có tới ba ‘sai số’, đó là “canh bạc” của Mercedes, sự yếu kém bất thường của Ferrari tại Hungary và quan trọng nhất chính là Gasly không đủ sức để hỗ trợ người đồng đội trong tình thế khó khăn nhất.
Chúng kết hợp với nhau khiến Verstappen nhận trái đắng như những gì anh đã khiến Leclerc phải chịu đựng tại Red Bull Ring đúng 4 tuần trước.
Vettel cũng thành công với chiến thuật tương tự Hamilton
Ở phía sau, không nhận được sự chú ý nhiều như hai tay lái dẫn đầu bởi bị họ bỏ xa tới 1 phút trên đường đua, nhưng Ferrari và Sebastian Vettel cũng có một chiến thuật “khủng khiếp” tương tự như Hamilton và đã giúp anh giành podium thứ 2 liên tiếp trước người đồng đội Leclerc.
Tay lái người Đức xếp thứ 4 kể từ khi vượt qua Bottas, để cuộc đua trôi qua không bị nhàm chán và có chút mạo hiểm, sau khi đồng đội vào pit, đội đua đưa cho Vettel ‘kế hoạch C’. Kế hoạch này theo như những gì diễn ra trong cuộc đua, có nghĩa là anh sẽ vào pit muộn hơn hẳn 10 vòng và chạy bộ lốp Soft trong 31 vòng cuối để tấn công Leclerc cho vị trí top 3.
Chạy hơn 30 vòng trên bộ lốp Soft để về đích thôi đã là một nhiệm vụ không hề đơn giản, mà Vettel còn phải tấn công một chiếc xe với sức mạnh tương đương khác trên đường lại là một thử thách khó nhằn hơn gấp bội (Có 3 tay đua chạy được trên 30 vòng trên bộ Soft C4: Nico Hulkenberg 33 vòng, Kevin Magnussen và Vettel 31 vòng còn 3 tay đua khác cũng ở ngưỡng 28-29 vòng).
Tuy nhiên bằng một cách nào đó, Vettel xóa đi khoảng cách gần 21 giây và giành hạng 3 mà còn hơn Leclerc tới 4 giây khi về đích.
Chiến thuật lốp của các tay đua tại Hungarian GP 2019
Quả thực chiến thuật ấn tượng đã mang lại một cuộc đua hấp dẫn với chất lượng chuyên môn cao, thỏa mãn cả những người xem khó tính nhất. Dù mùa giải này đang tỏ ra khá nhàm chán khi Hamilton đang thống trị trên BXH với 8 chiến thắng sau 12 chặng nhưng những cuộc đua gần đây lại rất kịch tính và hấp dẫn với nhiều bất ngờ. Đây là một cái kết hoàn hảo cho giai đoạn 1 mùa giải khiến tất cả kỳ vọng hơn vào giai đoạn 2 sắp tới.
Cuộc đua Hungary đã kết thúc giai đoạn 1 theo cách không thể tuyệt vời hơn.