Đua xe F1, Japanese GP: Cuộc chiến cho kẻ ở thế cùng đường
(Tin đua xe công thức 1 - Tin đua xe F1) Mùa giải năm nay F1 đang đi tới giai đoạn cuối cùng và chúng ta cùng đến với chặng đua thứ 17, điểm đến áp chót tại châu Á tại đường đua Suzuka, Nhật Bản. Đây sẽ tiếp tục là một cuộc đua mà sức mạnh động cơ kết hợp với gói cài đặt tổng thể của chiếc xe đóng vai trò không nhỏ vào thành công của từng đội đua.
Trường đua Suzuka vốn được Honda xây dựng với mục đích làm đường đua thử nghiệm vào năm 1962, nằm cách phía tây nam Nagoya, thành phố lớn thứ ba Nhật Bản gần 50 km. Đường đua dài 5,81 km, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Hà Lan John Hugenholz, mang tên Suzuka vì nó nằm gần với nhà máy sản xuất của Honda đặt tại thành phố này.
Thành phố Nagoya xinh đẹp chỉ cách trường đua 50km về phía Bắc
Ngày nay, hãng chế tạo xe hơi nổi tiếng này còn cho xây dưng thêm các khu triển lãm ôtô, những điểm giải trí như bể bơi, sân trượt băng, và nhiều loại hình vui chơi như ở một công viên thông thường.
Thậm chí còn có cả sân golf, khách sạn cùng các nhà hàng. Đây là một trong những đường đua có cơ sở hạ tầng tốt nhất. Khung cảnh nên thơ cộng với sự cuồng nhiệt độc nhất của các CĐV xứ sở hoa anh đào, Suzuka được coi là địa điểm lý tưởng để làm bước đệm trước kết thúc một mùa đua đầy căng thẳng và khắc nghiệt.
Nổi tiếng ngang tầm với thành phố Detroit của Mỹ, Nagoya được mệnh danh là một thành phố công nghiệp lớn nhất tại xứ sở mặt trời mọc. Thành phố là nơi sản xuất nhiều ô tô hàng đầu của Nhật Bản, điều đó thôi thúc khách du lịch tới tham quan và du lịch ngày càng nhiều hơn mỗi năm.
Với hơn hai triệu dân, Nagoya là thành phố thứ tư đông dân cư nhất tại Nhật Bản và là thủ phủ của tỉnh Aichi. Thành phố này chủ yếu là đồng bằng và là 1 trong 3 đồng bằng lớn tại Honshu bao gồm các trung tâm đô thị và công nghiệp. Nagoya phát triển như thị trấn lâu đài của Owari (nơi tập trung quyền lực nhất trong thời kỳ Edo). Nơi đây có nhiều tòa nhà lịch sử, tuy nhiên đã bị phá hủy trong cuộc không kích của Mỹ vào năm 1945.
Tháp truyền hình Nagoya được xem là biểu tượng của thành phố này
Được mệnh danh là thành phố sầm uất chỉ đứng sau Osaka và Tokyo, Nagoya nổi tiếng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Trải nghiệm không khí trong mùa du lịch tại thành phố sẽ cho du khách nhiều cảm hứng nhất khi đến tham quan đất nước Nhật.
Và với các địa danh như bảo tàng nghệ thuật Tokugawa, lâu đài Nagoya,…du khách có không ít những lựa chọn điểm đến nhưng nổi tiếng nhất chắc chắn phải là tháp truyền hình Nagoya, nơi được xem như là biểu tượng của thành phố này.
Sự xuất hiện của F1 ở châu Á là nhờ công lao của Honda. Hãng đã được không ít thành công với đội đua của riêng mình quãng 5 năm từ 1964 đến 1968.
Chính từ những sự vận động của Honda mà năm 1976, lần đầu tiên một chặng đua F1 diễn ra trên xứ Phù Tang và cũng lần đầu tiên người hâm mộ châu Á được tận mắt chứng kiến cuộc tranh tài của những chiếc xe nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc đua không diễn ra ở Suzuka mà tại đường đua xây dựng trên sườn dốc của ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng.
Fuji đã từng tổ chức F1 4 lần trong quá khứ
Ra đời vào năm 1965, trường đua tại núi Phú Sĩ đã trải qua không ít những thay đổi, ban đầu nó là một cấu trúc dài 6km với tổng cộng 15 khúc cua. Đến khi cuộc đua F1 đầu tiên diễn ra tại Nhật Bản, cấu trúc được thay đổi lần đầu tiên giảm chiều dài xuống còn 4,563km và chỉ có 8 khúc cua.
Nơi đây đã chứng kiến cuộc đối đầu kinh điển cho danh hiệu vô địch giữa Niki Lauda và James Hunt năm 1976. Nhưng chỉ được 2 năm, Nhật Bản GP đã phải chia tay F1 và vắng bóng trong 1 thập kỷ tiếp theo.
Đến năm 1987, nỗ lực của Honda đã mang F1 trở lại Nhật Bản và lần này hãng không còn sở hữu một đội đua như trong thập kỷ 60 mà giữ vai trò của một nhà cung cấp động cơ. Honda đã bỏ nhiều công sức để duy trì Suzuka luôn ở trạng thái tốt nhất suốt từ năm 1963 nên nơi đây đã được chọn là địa điểm thi đấu mới của Grand Prix tại Nhật Bản, cách không xa địa điểm tại núi Phú Sĩ.
Lần trở lại này, nó cũng đem lại một trận chiến kinh điển khác giữa 2 huyền thoại Alain Prost và Ayrton Senna trong 2 năm 1988 và 1989, đỉnh điểm chính là vụ va chạm mang tính quyết định đến chức vô địch năm 1989 của cả hai.
Toàn cảnh trường đua Suzuka từ trên cao
Đường đua này có hình dạng số 8 độc đáo. Sau khi xuất phát, con đường lượn theo một vòng cung dài sang phải, uốn quanh một hồ nước, rồi chạy xuyên qua một loạt các đoạn đường uốn lượn, trước khi khuất khỏi tầm quan sát từ khán đài chính. Tiếp đó là một loạt các cua tay áo nhưng nguy hiểm nhất là góc cua sát thủ 130R (có tốc độ cao nhất là 320 km/h), nơi chuyên “hạ gục” các xe trước khi về đích.
Qua khỏi góc cua, chỉ còn vượt một đoạn đường Casino Chicane là hoàn thành một vòng đua tại Suzuka. Dù có nhiều đoạn thẳng tốc độ cao nhưng với chiều rộng khá nhỏ, rất khó để vượt qua xe khác tại Suzuka, nhất là sau khi đoạn chicane ở sát đích (sau cua 130R) được sửa chữa vào năm 1991.
Năm 2018 này là một cột mốc đáng nhớ cho Japanese GP khi đây là lần thứ 30 một cuộc đua F1 được tổ chức tại Suzuka. Đây là một trong những đường đua phức tạp nhất và đòi hỏi nhiều nhất ở chiếc xe cũng như kỹ năng của tay lái.
Những khúc cua - vốn được đánh giá là còn khó chịu hơn cả đường đua Istanbul - luôn là thách thức lớn nhưng cũng đồng thời là niềm cảm hứng lớn đối với các tay đua để chinh phục nó. Chính vi thế ai lên ngôi tại đây vào chiều Chủ Nhật tới sẽ có được một kỉ niệm không thể quên tại Suzuka năm nay.
Vụ va chạm nổi tiếng giữa Ayrton Senna và Alain Prost năm 1989
Là đường đua F1 duy nhất có thiết kế dạng số 8, với một cầu vượt độc đáo nằm ngay ở chỗ giao nhau của đường đua, đây cũng là đường đua F1 duy nhất có hẳn một công viên giải trí lớn nằm ngay trong khu vực đường đua. Michael Schumacher là tay đua thành công nhất tại đây với 6 lần chiến thắng, trong các năm 1995, 1997, 2000, 2001, 2002 và 2004. Anh cũng ghi kỷ lục với 8 lần giành pole tại đây.
Lewis Hamilton và Sebastian Vettel đều là những người thành công nhất tại Suzuka trong lứa tay đua hiện tại với 4 chiến thắng. Tuy nhiên với tình hình hiện tại của mùa giải, chiến thắng thứ 5 cho bất kỳ tay đua nào cũng không mang nhiều ý nghĩa, trừ phi tay đua còn lại phải bỏ cuộc giữa chừng. Và biết đâu một cái tên khác có thể được vinh danh tại đây lần này.
Hãy đón xem chặng đua Japanese GP trên kênh truyền hình cáp FOX Sport vào cuối tuần này. Chặng đua sẽ bắt đầu bằng phiên chạy thử lúc 8h ngày thứ 6, cuộc đua xếp hạng lúc 13h ngày thứ 7 và cuộc đua chính thức vào lúc 12h10 ngày Chủ nhật (theo giờ VN).
Danh tính người đồng đội mới của ‘Người tuyết’ cũng đã sớm được xác nhận.