Đua xe F1: Công nghệ tối tân nhưng luật lệ lỗi thời
(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) F1 là nơi quy tụ của hầu hết tất cả những công nghệ mới nhất được áp dụng vào những chiếc xe.
Với sự ra mắt của thế hệ động cơ mới này, các nhà tổ chức F1 đã phải đưa ra nhiều bộ luật mới để giữ cho mức chi phí không đi ra ngoài giới hạn cho phép, một giải pháp phổ biến là giới hạn số động cơ được phép dùng trong 1 năm. Nhưng khi động cơ mới là một hệ thống rắc rối với nhiều thành phần khác nhau, nhiều quy chuẩn cũ không thể áp dụng được nữa. Ngoài ra, tất cả các chi tiết trên xe đều có mục đích của riêng nó và có chi phí đắt đỏ, cùng với đó là phải có độ bền cao.
Động cơ hybrid được sử dụng trong F1
Power unit hiện tại gồm 6 thành phần chính: MGU-H, MGU-K, ICE, phần dự trữ năng lượng, sạc turbo và xử lí điện. Mỗi chi tiết đó được sử dụng nhiều nhất là 4 cái 1 mùa giải, nếu vượt quá sẽ phải nhận hình phạt tương ứng đối với từng phần. Thay hộp số cũng sẽ bị phạt 5 bậc xuất phát trừ khi chiếc hộp số đó đã dùng trong 6 chặng liên tiếp hoặc chiếc xe không thể hoàn thành cuộc đua gần nhất do vấn đề đến từ nó.
Rõ ràng không cần phải nói cụ thể ra nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mùa giải mới chỉ đi qua hơn một nửa chặng đường nhưng rất nhiều tay đua đã sử dụng quá 4 bộ phận từng loại của động cơ mà luật cho phép.
Với việc hệ thống thẻ nâng cấp (token) bị 'xóa sổ' từ năm nay khiến cho các power unit mới sẽ có những thay đổi đáng kể và ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận, vì thế nếu cần phải thay, các đội đua sẽ thay thế đồng loạt tất cả thay vì chỉ 1 bộ phận như trước. Việc đó dẫn đến khả năng khi các đội đua muốn đột phá, chơi theo kiểu "được ăn cả ngã về không', sẽ có nguy cơ mang lại nhiều án phạt nữa trong tương lai với họ.
Italian GP 2017 chứng kiến 9 tay đua bị phạt
Từ các lí do trên, có thể thấy các án phạt liên quan đến động cơ đều là những con số lớn, ví dụ điển hình đến từ McLaren khi có những chặng họ thay liền vài PU mới với tổng phạt lên đến 65 bậc. Cuối tuần trước tại Monza, một "cơn mưa" phạt cũng đã đến khi có 9 trên tổng số 20 tay đua không được xuất phát ở vị trí mình đã phân hạng do các lí do khác nhau. Chỉ có đúng 4 tay đua được xếp đúng vị trí mình đã đạt được trong lượt chạy ngày thứ 7.
Nhiều người nghĩ rằng đã đến lúc hệ thống phạt có phần lỗi thời này phải chấm dứt, trong đó có cả Ross Brawn hay Jean Todt. Thậm chí vị chủ tịch FIA còn chấp thuận mọi lời đề nghị để cải thiện hệ thống này và sẽ tổ chức một cuộc họp bàn về nó.
Nhưng không phải ai cũng phản đối hệ thống này, ông Otmar Szafnauer của Force India mong muốn nó tiếp tục vận hành như hiện tại bởi nó làm giảm sự khuyến khích tiêu tiền để cải thiện về động cơ. Andy Green thì cho rằng với việc bị phạt, đoàn đua sẽ được xáo trộn lên và nó giúp tăng sự hấp dẫn cho các cuộc đua.
Chủ tịch Jean Todt "mở cửa" với các ý tưởng mới
Còn với bạn, dù thích nó hay không thì bạn cũng phải thừa nhận rằng nó có tác dụng phụ chẳng hề tốt đẹp gì. Ví dụ khi con số phạt bậc đã đi quá so với số thứ hạng trong cuộc đua (hơn 20 hạng), cuộc đua phân hạng chỉ còn mang ý nghĩa 'luyện tập' hay test xe mà thôi vì cho dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì chiếc xe đó cũng sẽ xuất phát ở vị trí cuối cùng.
Hay có ý nghĩ khác là đằng nào cũng xếp chót, thay thêm vài cái nữa cho đỡ tiếc án phạt. Mục đích của hệ thống phạt này là để ngăn ngừa các đội đua dùng quá cái thứ 5, nhưng rốt cuộc nó lại khiến họ thay nhiều hơn.
Ở Italian GP, với những thay đổi mới về động cơ Red Bull sẽ xuất phát ở phía cuối đoàn đua, cho nên họ không có dự định sẽ chạy Q2 để có thể tự do lựa chọn lốp xuất phát trong cuộc đua chính thức. Và điều duy nhất giúp khán giả có thể được nhìn thấy "Bò húc" vào ngày thứ 7 đó chính là... mưa. Lí do là bởi khi chạy trong điều kiện trời mưa ngày thứ 7 thì vào ngày Chủ nhật, tất cả 20 chiếc xe đều được tự do lựa chọn lốp cho riêng mình. Nhờ đó, Daniel Ricciardo và Max Verstappen mới trở nên 'bận rộn' như vậy.
Sự chênh lệnh về tài chính giữa các đội thể hiện rõ qua hệ thống phạt
Một điểm bất cập nữa cần phải nói đến là việc phân biệt rõ rệt giữa đội đua giàu và nghèo, những đội không có tiềm lực để thay mới mỗi tuần. Việc thay đổi là cần thiết nhưng không nhất thiết là phải loại bỏ hoàn toàn nó, mà có thể "pha thêm một chút gia vị" để nó hấp dẫn hơn.
Những ý tưởng được đưa ra gồm có: trừ trực tiếp vào điểm số giành được qua mỗi chặng với mỗi lần thay mới mà quá quy định; giảm mức độ án phạt (ví dụ từ 5 xuống 2 bậc) đi, khi ấy, mỗi lần thay sẽ có giá và quan trọng hơn và cảm giác bị phạt sẽ thấm hơn, cũng ngăn chặn được việc các đội thay toàn bộ PU dù chỉ qua 1 nâng cấp nhỏ;...
Trong thế giới mà công nghệ cải tiến hàng ngày thì những điều luật đi theo nó cũng cần phải linh hoạt điều chỉnh. Vấn đề này không mới trong F1 nhưng cần nhanh chóng sửa đổi, nhất là trong bối cảnh FIA đang nỗ lực hết sức để giảm chi phí các đội đua tiêu dùng trong 1 mùa giải ở giải đấu vốn đã quá đắt đỏ.