Đua xe F1, Australian GP 2019: Kỷ nguyên mới của những kẻ mộng mơ
(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Mùa giải F1 năm 2019 sẽ chính thức trở lại sau hơn ba tháng “nghỉ đông”, các tay đua của chúng ta lại bắt đầu một cuộc chiến mới và vẫn như thường lệ, đất nước Úc vẫn là vùng đất đầy niềm kiêu hãnh khi đăng cai cho chặng mở màn F1 năm nay tại trường đua Albert Park.
Nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên với những bãi biển dài bất tận và những con người thân thiện yêu thích thể thao, Australia chắc chắn không thể tự nhiên được biết đến như một “đất nước may mắn”. Ngoài ra Australia thường xuyên nằm trong top 5 đất nước lý tưởng cho việc định cư. Rất nhiều người ban đầu đến Australia (hay còn được biết đến là ‘Oz’) chỉ với ý định học tập, du lich hay làm việc trong một vài năm nhưng cuối cùng, kết quả là họ lựa chọn định cư lâu dài tại đây.
Toàn cảnh đường đua F1 nằm trong khuôn khổ công viên Albert
Nằm trong khuôn khổ công viên Albert, đường đua ở Úc được các tay đua và người hâm mộ là đánh giá là một trong những đường đua F1 có phong cảnh đẹp nhất khi được bao bọc bởi những cánh rừng, hàng cây xanh mướt cùng một hồ nước rộng lớn nằm ở trung tâm. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý lý tưởng nằm gần biển, trường đua có một khí hậu ôn hòa và thường xuyên đón nhận những cơn gió thổi từ biển vào.
Australia là môt quốc gia có bề dày lịch sử về đua xe khi nó xuất hiện tại đây từ khá sớm, ngay từ thập niên 1920 (năm 1928) với sự ra đời của đường đua tại Phillip Island. Trong hơn nửa thế kỷ sau đó, các cuộc đua đầu tiên tại “xứ sở chuột túi” này thuộc các thể thức đua xe cấp thấp trên thế giới tại rất nhiều đường đua khác nhau trải rộng trên khắp lãnh thổ đất nước này.
Dấu mốc quan trọng được biết đến bắt đầu kể từ mùa giải 1985 khi Úc bắt đầu hiện diện trên bản đồ F1 thế giới sau 60 năm với rất nhiều cuộc đua không chính thức. Chặng đua đầu tiên diễn ra tại đường đua Adelaide, miền nam nước Úc. Đây cũng là một chặng đua đáng nhớ khi nó là cuộc đua khép lại mùa giải và người chiến thắng đầu tiên là Keke Rosberg cùng Williams.
Chặng đua vẫn được tổ chức vào cuối năm trong 10 năm tiếp theo, vì thế nó luôn tạo nên những cuộc đua đầy kịch tính, điển hình như cuộc chiến năm 1986 với chức vô địch ngoạn mục của Alain Prost, hay chức vô địch đầy tranh cãi của Michael Schumacher năm 1994 sau khi va chạm với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Damon Hill khiển cả hai cùng phải bỏ cuộc.
Bước ngoạt tiếp theo của Australian GP đến vào năm 1996, khi chính thức chuyển đến “ngôi nhà” mới – Albert Park Circuit cho đến ngày nay. Trong 23 lần tổ chức chặng đua tại Albert Park trong quá khứ (đến năm 2018), Australian GP hầu như luôn là chặng đua mở màn mùa giải (trái ngược hẳn với Adelaide). Chỉ có duy nhất hai năm 2006 và 2010, vinh dự này được nhường lại cho Bahrain.
Sơ đồ đường đua ở Melbounre
Australian GP cũng ghi nhận trong suốt chiều dài lịch sử của mình với F1, chỉ có duy nhất Alain Prost từng vô địch cả thể thức F1 và World Championship. Tay đua John Smith là tay đua người Úc duy nhất có thành tích podium (năm 2014 một tay đua khác là Daniel Ricciardo cũng cán đích ở vị trí thứ 2, nhưng sau đó đã bị loại bỏ kết quả vì vi phạm quy định đua).
Ngoài ra, cũng chỉ có thêm hai tay lái khác mang quốc tịch Úc từng xuất hiện tại Australian GP F1 là David Brabham và Mark Webber (2002-2012). Daniel Ricciardo là tay đua người Úc duy nhất hiện tại ở F1 và đây cũng là lần đầu tiên anh ra quân với màu áo của đội Renault sau khi anh rời Red Bull.
Albert Park là một dạng đường đua phố vì nó nằm gọn trong khuôn viên của công viên, có tốc độ thoáng mát đầy gió biển như kiểu Valencia (Tây Ban Nha) hay Sochi (Nga), nhưng nó hoàn toàn không chật hẹp khó vượt như dạng đường đua phố thị của Monaco hay Singapore. Ngoài ra trong khuôn viên đường đua còn có hồ nhân tạo và tiếp giáp với biển nên nhiệt độ khá phù hợp, với khoảng từ 22°C-29°C.
Đường đua Albert Park có hướng chạy thuận theo chiều kim đồng hồ. Mỗi vòng chạy ở Albert Park gồm có 10 cua phải và 6 cua trái, với chiều dài mỗi vòng chạy là 5,303km. Tổng hành trình của chặng đua là 307,574km sau 58 vòng chạy.
FIA vẫn xác lập 2 đoạn thẳng cho phép kích hoạt DRS nằm giữa cua số 16 và 1(đoạn thẳng start/finish), cũng như cua số 2 và 3. Cả 2 đoạn này cùng có chung điểm dò DRS nằm trước cua số 14. Ngoài ra DRS Zone 3 nằm giữa cua 12 và 13 với điểm xác định nằm trước cua 11. Vận tốc trung bình tại đây theo tính toán (của FIA) sẽ đạt 230km/giờ và vận tốc tối đa là 315km/giờ.
Daniel Ricciardo chuyển sang Renault từ năm 2019
Michael Schumacher là tay đua sở hữu nhiều chức vô địch nhất tại Australian GP với 4 lần lên ngôi - 2000, 2001, 2002 và 2004 (đồng thành tích cùng Lex Davison ở các cuộc đua không chính thức). Sebastian Vettel cùng cựu tay đua Jenson Button cùng có 3 chiến thắng.
Trong khi đó, Lewis Hamilton (2008, 2015), Nico Rosberg (2014, 2016) và Kimi Raikkonen (2007, 2013) cùng có 2 lần về nhất. Về thành tích đội đua, nếu chỉ tính các cuộc đua từ 1985 trở đi, McLaren là đội đua dẫn đầu với 11 chiến thắng, Ferrari bám sát với 9 lần, Williams có 5 danh hiệu và Mercedes là 3 năm liên tiếp 2014-2016.
Tay đua huyền thoại Michael Schumacher đã thiết lập kỷ lục về thời gian tại đây với thành tích 1 phút 24,125 giây. Trong khi đó vào mùa giải năm ngoái tay đua chủ nhà Ricciardo đã giành vòng chạy nhanh nhất với thành tích 1 phút 25,945 giây.
Sự lựa chọn lốp tại chặng đua đầu tiên
Trong chặng đua đầu tiên của mùa giải, Pirelli sẽ mang đến 3 loại lốp C2, C3 và C4 với lần lượt viền trắng, vàng và đỏ (xuất hiện ở tất cả các chặng đua). Lốp C4 được cả 10 đội đua lựa chọn rất nhiều, ngoại trừ Racing Point và Williams (8 bộ) cùng Renault (10 bộ), các đội đua còn lại lựa chọn 9 bộ lốp chạy Q này. Tân binh George Russell là người có nhiều bộ C3 nhất với 4 bộ trong khi Ricciardo chỉ có 1 bộ, phần còn lại đều có 2-3 bộ.
Như vậy sau 3 tháng chờ đợi, cuối cùng mùa giải mới của F1 cũng đã tới. Với nhiều sự thay đổi mới trong năm nay, chắc chắn đây hứa hẹn là một năm ẩn chứa nhiều điều thú vị cho người hâm mộ.
Hãy đón xem chặng đua Austrailian GP trên kênh truyền hình cáp FOX Sport vào cuối tuần này, từ 15-17/03 tới, bắt đầu bằng phiên chạy thử FP1 lúc 8h sáng thứ 6, cuộc đua xếp hạng lúc 13h ngày thứ 7 và cuộc đua chính thức lúc 12h10 ngày Chủ nhật (theo giờ VN).
Ferrari chưa thể tập trung vào công tác chuẩn bị do còn vấn đề với nhà tài trợ.