Đưa VĐV xuất ngoại tập huấn: Ném tiền qua cửa sổ
Hồi đầu tháng 6, tài năng trẻ Quách Thị Lan - từng vượt thành tích HCV SEA Games ở hai nội dung 400m và 400m rào - đã được chi tiền tỷ sang tập huấn tại Bulgaria. Nhưng rồi chỉ sau 3 tháng, thực tế đã chứng minh chuyến đi này thất bại về chuyên môn, lãng phí về tiền bạc.
Đi muộn về sớm
Theo kế hoạch, Quách Thị Lan sẽ rèn chân tại Thủ đô Sofia (Bulgaria) cho đến sát SEA Games 27 mới trở về dự tranh 2 tấm HCV. Thậm chí, tỉnh Thanh Hóa và ngành Thể thao còn quan tâm đến mức chi - cả tiền cho Quách Công Lịch - anh trai của Lan đi theo, vừa tập luyện cho bản thân, song chủ yếu để đóng vai người chăm sóc và đối luyện cho em gái. Sau đó, tỉnh Thanh Hóa còn cử thêm 2 VĐV chủ chốt khác, với tổng kinh phí chi cho cả đội lên tới 4 tỷ đồng.
Thực ra, đến tháng 6 Lan mới có thể tập huấn tại nước ngoài cũng đã là rất muộn, vì lãnh đạo xứ Thanh “bật đèn xanh” từ trước đó cả nửa năm sau khi VĐV này tỏa sáng tại giải Vô địch quốc gia 2012. Đã rất chậm, song mới chỉ qua 3 tháng, chuyến xuất ngoại đã kết thúc dang dở, coi như thua trắng. Càng đáng nói hơn vì sau đó Lan cùng 3 đồng đội được bí mật đưa sang Malaysia để tập huấn bù, qua mặt cả lãnh đạo Tổng cục TDTT (nơi góp một nửa số tiền).
Giải thích về kết cục đáng buồn này, những người có trách nhiệm viện dẫn 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do Bulgaria siết lại quy định nên visa của Lan sau 3 tháng không được gia hạn. Thứ hai, khi đó thời tiết tại quốc gia này (khu vực Đông Nam châu Âu) rất lạnh nên không còn phù hợp.
Thoạt tiên lập luận này rất có lý, nhất là thay đổi trong quy định visa. Tuy nhiên, thực tế thì đây là sự ngụy biện, trốn tránh trách nhiệm một cách khôi hài. Không hiểu trước đó cả một đoàn tiền trạm có mặt ở xứ sở hoa hồng một tuần đã khảo sát điều kiện, nắm bắt tình hình, liên hệ phối hợp và xây dựng phương án như thế nào mà lại dẫn đến nông nỗi này (?!).
Rõ nhất như chuyện thời tiết là một lý giải khó chấp nhận nổi, đơn giản vì đã định đưa quân sang tập huấn dài hạn không thể không nắm về thời tiết. Rồi việc phát sinh về visa, đáng ra từ trước đã phải chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó.
VĐV Quách Thị Lan HCV SEA Games ở hai nội dung 400m và 400m rào
Tiền mất, tật mang
Tất cả chứng tỏ những người có trách nhiệm đã làm việc quá hời hợt, chủ quan, tùy tiện. Chưa kể rằng, ngay từ đầu, giới chuyên môn đánh giá việc chọn địa điểm là Bulgaria cũng không hợp lý, bởi điền kinh của quốc gia này không hề mạnh ở các cự ly chạy trung bình và chạy vượt rào.
Đáng nói ở chỗ, chuyến xuất ngoại châu Âu tốn kém 4 tỷ trong 6 tháng của Lan cùng các đồng đội dở dang hầu như không đem lại hiệu quả nào, ngay sau đó lại được những người có trách nhiệm, “đền bù” bằng chuyến tập huấn tại Malaysia - một quốc gia mà môn điền kinh đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng. Các chuyên gia điền kinh cho rằng tập huấn ở Malaysia thì cũng chẳng khác gì… Việt Nam.
Kết cục lỡ dở này là một sự lãng phí tệ hại, nhất là trong bối cảnh cả ngành Thể thao đang thiếu kinh phí trầm trọng. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch, sức phát triển của một tài năng trẻ hiếm có mới 17 tuổi, với quy trình bị đảo lộn, gần như phải làm lại từ đầu. Được biết, đây không phải lần đầu tiên thể thao Việt Nam có những chuyến đưa quân xuất ngoại tốn kém tiền tỷ mà kết qủa thu được chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.
Năm 2011, chính ở môn điền kinh, “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã có một chuyến tập huấn tại Đức thảm bại do không được chuẩn bị, tìm hiểu kỹ, thậm chí dính chấn thương phải về nước sớm sau 2 tháng.
Hay mới năm ngoái, kình ngư hàng đầu Hoàng Quý Phước cũng vì lý do tương tự, cộng với sự bất đồng theo kiểu “quân anh, quân tôi” nên chưa đầy 3 tháng đã rời nước Mỹ, khép lại chuyến xuất ngoại không chỉ khiến “Rái cá sông Hàn” lãnh đủ mà còn tạo mâu thuẫn giữa BHL ĐTQG và HLV của Đà Nẵng.