Đua ghe ngo dậy sóng nước Xà No

Trong ngày 28-11, sóng nước Xà No được khuấy động bởi hàng trăm tay chèo vun vút đua tranh ở các cự ly 1.200m ghe ngo nam và 1.000m ghe ngo nữ. Cổ vũ cho các tay chèo là hàng chục ngàn người đứng đông ken dọc hai bền bờ kè kênh xáng Xà No.

Trong khuôn khổ các chuỗi hoạt động và sự kiện của “Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần VI – 2014” đang diễn ra tại TP Vị Thanh (Hậu Giang) là các cuộc tranh tài với các môn thể thao dân gian – truyền thống của đồng bào Khmer như kéo co, đẩy gậy, bóng đá…

Trong đó, đối với đồng bào Khmer Nam bộ, đua ghe ngo (um tuk ngua)- một hoạt động sôi nổi, hấp dẫn- nó lôi cuốn nhất với hàng chục ngàn người tham gia cổ vũ.  

Đua ghe ngo dậy sóng nước Xà No - 1

Đội ghe ngo TP.HCM  (bìa phải) tranh tài sáng 28-11

ĐBSCL là xứ sở của những dòng sông, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là ghe xuồng. Thế nên mỗi dịp tổ chức đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, người dân vùng ĐBSCL bất kể Kinh, Hoa hay Khmer đều hào hứng kéo nhau đứng chật hai bên bờ sông, len xuống tận mép nước để cổ vũ cho những cuộc thư hùng quyết liệt giữa các đoàn ghe ngo tiếng tăm, từng giành nhiều giải cao tại các cuộc đua ghe ngo ở khu vực trong những năm qua như: đội ghe Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ…

Theo truyện kể dân gian và các giai thoại ghi trong những điển tích còn lưu giữ tại một số chùa Khmer, truyền thuyết về đua ghe ngo được kể rằng: Ngày xưa có Niềng Chanh – một tỳ nữ xinh đẹp, giỏi giang ở một kinh thành nọ.

Đua ghe ngo dậy sóng nước Xà No - 2

Những chàng trai tung mái chèo ở những mét nước cuối cùng trước khi về đích 

Và có một tên quan đại thần do lòng ganh ghét đã vu khống cho nàng tội bỏ chất cáu bẩn ở móng tay của nàng vào nồi canh đem dâng lên vua. Không có cách nào minh oan, Niềng Chanh vội vã xuống thuyền xuôi theo sông Ba Sắc (Sông Hậu) chạy trốn. Tên vua cho quân lính đuổi theo bắt giết nàng.

Trên những dòng sông mà thuyền Niềng Chanh đi qua, những cuộc rượt đuổi truy bắt đau xót ấy đều để lại dấu tích. Như Vàm Ống Nhổ (còn gọi Vàm Tho)- nơi nàng ném trả chiếc ống nhổ (vật kỷ niệm vua tặng nàng trước kia gọi làPiêm càn–thua tiếng Khmer có nghĩa là Dù Tho); Sóc Cơm Sống (còn gọi là Sóc Bãi Xàu, thị trấn Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nơi nàng dừng lại nấu cơm.

Đua ghe ngo dậy sóng nước Xà No - 3

Hết chỗ cổ vũ trên bờ cả nhà kéo nhau xuống vỏ lãi để cổ vũ

Cơm chưa kịp chín thì quân lính đã kéo tới, nàng phải vội vã bỏ chạy. Vàm sông nàng bị vua xử chém được đặt tên là Piêm Niêng Canh (Vàm Nàng Chanh – nay là vàm Mỹ Thanh, huyện Mỹ Xuyên)…

Để tưởng nhớ Niềng Chanh, hàng năm cư dân Khmer quanh vùng tổ chức đua ghe ngo để diễn lại cảnh Niềng Chanh chạy trốn. Đây cũng là dịp người Khmer ở ĐBSCL biểu dương tinh thần thượng võ từ lâu đời trên sông nước.

Hội đua ghe ngo mang đậm chất dân gian được phổ biến rộng rãi trong các phum sóc có người Khmer sinh sống bằng nghề lúa nước ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Đua ghe ngo dậy sóng nước Xà No - 4

Các đội nữ chờ đến lượt tranh tài 

Đại đức Danh Chanh Thi (chùa Cái Duốc Vạn, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), ghe ngo chỉ để tham dự đua ở lễ hội trong đó chủ yếu là lễ hội Ooc-om-bóc, ngoài ra không sử dụng vào mục đích khác.

Người Khmer coi ghe Ngo là vật quý, linh thiêng nên trước khi cho ghe xuống nước thì cả phum sóc và thầy sãi ở chùa phải lựa chọn những thanh niên, trai tráng khỏe mạnh để làm “Ch’rò –wa” (quân dầm bơi), đồng thời cử một người có uy tín trong phum sóc để giữ vai trò “chih-khbal” (người ngồi đầu ghe) và “sma-keang” (tòng khoang) cầm dầm lấy nhịp. Ngoài ra còn có ông “Néak-kân-say” (người cầm lái) cùng “yông-lith” (phụ lái) rồi mới định giờ hạ thủy thi đấu. 

Trong nghi lễ hạ thủy ghe, đầu tiên ông “chih-khbal” cho bày cơm nước cúng thần linh ghe Ngo rồi chiêu đãi các tay chèo… Bà con trong phum sóc nổi trống và nhạc lên cùng nhau đẩy ghe (dưới có gác các cây chuối làm đà trược) xuống nước.

Ghe ngo thường làm bằng thân cây sao khoét ruột, không có mui với hình dáng như con thoi (chiều dài từ 22 đến 30m) giống hệt rắn thần Narga – vật linh của người Khmer.

Ghe có sức chứa trên 40 tay chèo. Khoang rộng nhất ở giữa (rộng 1,2m), từ đó lên tới mũi ghe chỉ còn thu nhỏ độ 40cm, còn từ khoang giữa ghe trở ra sau lái độ rộng của khoang là 45cm. Mũi lái ghe uốn cong giống như chiếc lá mây có hình đuôi chim én cách mặt nước gần 2m. Thân ngoài ghe được trang trí các họa tiết,  hoa văn sặc sỡ…

Ở cuộc đua ghe ngo trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần VI – 2014” có 17 đội ghe nam nữ đến từ các tỉnh thành Nam bộ như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP.HCM… tham gia tranh tài ở các cự ly 800m, 1.200m đối với nam và 600m, 1.000m đối với nữ trong hai ngày 28 và 29-11 trên kênh xáng Xà No.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Tuệ (Plo.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN