Dù lượn: Chinh phục những giới hạn của bản thân
Một khoảng không bao la rộng lớn, một cánh diều no gió bay giữa bầu trời xanh – Đó chính là miêu tả ngắn gọn về môn thể thao Dù lượn. Đây là một bộ môn thể thao giải trí tuy nhiên cũng không kém phần mạo hiểm và được coi như phương thức để chinh phục giới hạn của bản thân.
Video phóng sự về Dù lượn (Clip theo bản quyền VTV):
Đôi nét về Dù lượn
Ý tưởng đầu tiên về Dù lượn xuất hiện từ năm 1954. Ngày đó, Dù lượn đơn giản chỉ là một cánh bằng vải được các vận động viên (VĐV) leo núi sử dụng để cất cánh khi chạy với tốc độ nhanh trên một con dốc. Sau đó, một vài VĐV đã mạnh dạn sử dụng cánh vải này để lao xuống núi thay vì leo xuống núi tại dãy núi nổi tiếng An-pơ.
Phải đến năm 1968, 3 người Pháp Jean-Claude Bétemps, André Bohn và Gérard Bosson đã may một loại dù mới có thể dễ dàng bơm căng khí khi chạy trên triền đồi. Khi thử nghiệm, chiếc dù này chỉ bay được cách mặt đất 100m nhưng đến lần thử nghiệm thứ 2, dù lại bay được tới 1000m. Cũng từ đây, môn Dù lượn chính thức ra đời.
Dù lượn xuất hiện ở Việt Nam 2 hơn thập niên. Ảnh cắt từ clip VTV
Đến thập niên 90, Dù lượn mới xuất hiện ở Việt Nam. Thời điểm đó, chi phí dành cho bộ dụng cụ cũng như luyện tập không hề nhỏ nhưng bằng niềm đam mê cùng với quyết tâm, số lượng người chơi Dù lượn ở Việt Nam đã tăng cao, nhiều câu lạc bộ (CLB) ra đời như CLB Dù lượn Hà Nội, Nha Trang, Mê Kông, hay Vietwings.
Trên hành trình phát triển, một trong dấu mốc đáng nhớ với Dù lượn Việt Nam là lần góp mặt ở SEA Games 26 tại Indonesia. Từ năm 2012 đến nay, giải đấu Dù lượn của Việt Nam đã chính thức được tổ chức thường niên, thu hút các phi công trong nước và quốc tế tham dự.
Mỗi lần cất cánh, Dù lượn mang đến những trải nghiệm rất mới lạ, là cách để giải phóng cơ thể khỏi nỗi sợ hãi, hòa mình vào thiên nhiên đất trời.
Những thử thách mà người chơi Dù lượn phải đối mặt
Thời tiết chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng bay của các phi công Dù lượn. Chính vì thế mà với những người chơi Dù lượn chuyên nghiệp, những thiết bị đo hướng gió, tốc độ gió, độ cao hay GPS, bộ đàm liên lạc luôn là các vật dụng cần thiết trong mỗi chuyến bay dù.
Với địa điểm tại đỉnh đèo Khau Phạ, nằm trên độ cao khoảng 1200m so với mực nước biển, xung quanh là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, phía dưới là thung lũng Lìm Mông thì khí hậu ở đây thay đổi theo từng giờ, lúc nắng lúc mưa đòi hỏi các VĐV phải luôn linh hoạt chọn thời điểm xuất phát.
Các VĐV thường tìm các cột khí nóng trong không khí để điều khiển hướng bay của mình bằng hai dây lái được nối với phần phía sau của cánh dù.
Phi công Nguyễn Anh Tuấn, CLB Dù lượn Vietwings Hà Nội. Ảnh cắt từ clip VTV
“Mình chơi môn này được 3 năm rồi, thuộc lứa thế hệ đầu tiên. Mình được một giáo viên người Pháp huấn luyện”, phi công Nguyễn Anh Tuấn, CLB Dù lượn Vietwings Hà Nội. “Chơi môn này ngại nhất là mưa còn gió ngược chiều thì có thể chờ hết rồi bay cũng được miễn là không có mưa”.
Khi bắt đầu đến với môn thể thao này, người chơi cần phải trải qua hai quy trình cơ bản: Tập luyện ở mặt đất để tìm hiểu về khí động học và các kĩ thuật cất cánh, hạ cánh. Tiếp đến là học cất cánh, hạ cánh ở những triền dốc nhỏ và kết thúc bằng một chuyến bay đơn.
“Đây là điểm bay cũng dễ cất cánh. Chỉ là khí hậu ở đây không ổn định. Những ngày nắng bay thì rất tuyệt”, phi công Huỳnh Thị Mỹ Linh, CLB Dù lượn Vietwings TP.HCM. “Mình rút kinh nghiệm từ những người bay trước để xác định được điểm hạ cánh tốt, hướng gió”, Phi công Trần Minh Tú, CLB Dù lượn Vietwings Hà Nội.
Với hơn 100 chuyến bay an toàn trong sự kiện Festival Dù lượn bay trên mùa vàng năm nay, các VĐV đã mang lại hình ảnh mới lạ cho du khách tới Mù Cang Chải và cả những người dân địa phương.
Cuối tháng 9 đầu tháng 10 luôn là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang vàng óng của lúa, được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng. Đó cũng là lúc những người đam mê Dù lượn có được trải nghiệm đẹp nhất cùng với những cánh diều của mình chinh phục thử thách của thiên nhiên.