Dư địa của cầu lông Việt Nam từ chuyện Tiến Minh, Thùy Linh

Sau kỷ nguyên Tiến Minh, cầu lông Việt Nam đã tìm được một truyền nhân để thay thế. Vượt qua những khó khăn của quá khứ và hiện tại, Thùy Linh đang trở thành gương mặt chú ý nhất. Sức hút và tầm ảnh hưởng của Thùy Linh trong môn cầu lông giờ đây đã vượt ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thỏi nam châm hút khán giả

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến một đám đông nào cổ vũ cầu lông cuồng nhiệt đến như vậy". Đó là nhận định từ các bình luận viên thuộc kênh truyền hình của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF), khi họ chứng kiến Thùy Linh thi đấu tại Phần Lan. Ngay cả khi không được chơi trên sân nhà, Thùy Linh vẫn có thể thu hút người Việt ở bất cứ đâu.

Từ ngày đầu Thùy Linh thi đấu giải Phần Lan Mở rộng, cô đã được cộng đồng người Việt tại TP Vantaa tiếp đón, hỗ trợ. Họ cũng là những người kêu gọi nhau trực tiếp đến nhà thi đấu xem Thùy Linh tranh tài. Tiếng cổ vũ có thể được nghe rõ ràng trên sóng truyền hình, vô tình giúp Thùy Linh cảm thấy như mình đang chơi ở Việt Nam.

Thùy Linh đã có nhà tài trợ đồng hành, nhưng vẫn đơn độc trên hành trình tiến ra thế giới.

Thùy Linh đã có nhà tài trợ đồng hành, nhưng vẫn đơn độc trên hành trình tiến ra thế giới.

Bình luận viên BWF thường là những cựu danh thủ, hoặc chuyên gia am hiểu sâu rộng trong môn cầu lông. Vì thế, họ luôn theo rất sát chuyển động của bộ môn này. Khi chứng kiến Thùy Linh được cổ vũ tại Phần Lan, họ nhận xét sự cuồng nhiệt còn lớn hơn nữa khi cô được chơi trên sân nhà. Tại giải Việt Nam Mở rộng 2 năm qua, Thùy Linh đã thực sự tái hiện hình ảnh Tiến Minh thời đỉnh cao.

Mỗi sự kiện cầu lông có Thùy Linh góp mặt là một tin vui với nhà tổ chức. Giải Việt Nam Mở rộng 2022, rồi 2023 đều chứng kiến tình trạng "cháy vé" ở những vòng đấu cuối cùng. Ban tổ chức luôn bán hết vé ngày thi đấu bán kết và chung kết từ rất sớm dù giá vé vào cửa không hề thấp. Ai cũng muốn được đến sân theo dõi, cổ vũ Thùy Linh dù chỉ một lần.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về người thường xuyên chơi cầu lông tại Việt Nam, nhưng con số chắc chắn không hề nhỏ. Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, và cả Quảng Trị đều có những tay vợt giỏi đẳng cấp quốc gia. Hình ảnh những ngôi sao như Tiến Minh, Thùy Linh thi đấu sẽ trở thành động lực để nhiều người nuôi đam mê cùng cầu lông.

Chứng kiến cộng đồng người Việt, dù là ở Phần Lan hay TP Hồ Chí Minh, đến sân cổ vũ Thùy Linh, có lẽ BWF sẽ cân nhắc nghiêm túc hơn về việc tổ chức các giải cầu lông quốc tế tại Việt Nam. Mỗi giải đấu diễn ra đều chứng kiến thành công ngoài mong đợi về sức hút truyền thông với hình ảnh một ngôi sao. Đó cũng là điều những nhà tổ chức mong mỏi, kỳ vọng ở môn thể thao này.

Những câu chuyện muôn thuở

Trong ngày Thùy Linh tỏa sáng tại Phần Lan và chơi một trận đấu ngang ngửa với cựu vô địch thế giới Sindhu suốt 90 phút, ở Việt Nam, một tuyển thủ cầu lông lặng lẽ nói lời chia tay đội tuyển quốc gia. Đó là Đinh Thị Phương Hồng, tay vợt nhiều hơn Thùy Linh 2 tuổi. Phương Hồng là chuyên gia đánh đôi, và cô vừa quyết định nghỉ thi đấu ở tuổi 28.

Ở thời điểm Phương Hồng tuyên bố giải nghệ, cô đang nằm trong top 200 VĐV đôi nữ thế giới cùng Phạm Thị Khánh. Liệu họ có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp hay không, nếu như cả hai có cơ hội thi đấu quốc tế nhiều hơn? Đó là điều rất khó khẳng định, nhưng có một sự thật: Nhiều tay vợt Việt Nam đã nghỉ thi đấu, hoặc ngừng tranh tài ở đấu trường đỉnh cao từ khi còn khá trẻ.

Hơn một thập niên trước đây, người hâm mộ cầu lông Việt Nam từng cảm thấy tủi thân cho Tiến Minh khi anh phải thi đấu một mình tại các giải quốc tế. Câu chuyện về các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đơn độc của Tiến Minh sau đó được đưa ra, nhưng không có đáp số cụ thể. Đến tận bây giờ, Thùy Linh vẫn trải qua một hành trình tương tự người đàn anh trước đây.

So với Tiến Minh, Thùy Linh có lẽ là người năng động hơn rất nhiều. Trong trận tứ kết Phần Lan Mở rộng, lần đầu tiên Thùy Linh có một HLV đi cùng khi thi đấu các giải chuyên nghiệp quốc tế. Đó là ông Pakkawat Vilailak, HLV cầu lông người Thái Lan. Chứng kiến cô học trò từng đến Thái Lan tầm sư học đạo từ mình, ông đã quyết định giúp đỡ Thùy Linh khi cô cần HLV nhất.

Những chỉ dẫn từ HLV Vilailak đã giúp Thùy Linh chơi tốt hơn rất nhiều trong trận đấu với Sindhu. Nếu may mắn hơn, tay vợt Việt Nam thậm chí đã có thể sớm giành chiến thắng. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc có một HLV đi cùng VĐV khi tham dự các giải quốc tế. Nhưng Việt Nam chưa thể làm được điều đó, tại sao lại như vậy?

Tại các giải cầu lông quốc tế, phần lớn các tay vợt được đi theo danh sách đội tuyển quốc gia. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia... cử các VĐV tuyến 1 thi đấu các giải hàng đầu, còn tuyến 2 đấu giải thấp hơn. Họ không chỉ có HLV đi cùng, mà còn mang theo cả săn sóc viên, bác sĩ, và nhiều nhân viên chuyên trách khác.

Câu chuyện Thùy Linh thi đấu nước ngoài không có HLV chỉ là phần nổi trong những bất cập trong thể thao chuyên nghiệp. Làm thế nào để các VĐV hàng đầu, các tuyển thủ quốc gia có thể thi đấu quốc tế thường xuyên, luôn là bài toán không có lời giải. Tiến Minh, Thùy Linh đã phải du đấu một mình, nhưng những tay vợt đàn em của họ không thể rơi vào tình trạng tương tự.

Chuyên viên trị liệu quan trọng hơn bác sĩ và HLV

Một số VĐV cho biết trong cầu lông và nhiều môn thể thao khác, mọi người thường nghĩ mời chuyên gia, HLV nước ngoài đến tham gia công tác huấn luyện sẽ giúp cải thiện lập tức thành tích. Nhưng với tư cách những người trong cuộc, nhiều VĐV khẳng định có một vị trí còn quan trọng hơn HLV, và cả bác sĩ chuyên trách. Đó là chuyên viên trị liệu, một nghề còn khá mới lạ ở Việt Nam.

"Trong những chuyến tập huấn nước ngoài, cơ thể chúng tôi thường cảm thấy đau nhức, mỏi cơ sau mỗi ngày tập. Việc tập luyện liên tục với cường độ cao như vậy rất dễ dẫn đến chấn thương. Nhưng khác với Việt Nam, VĐV nước ngoài luôn có chuyên viên trị liệu giúp xoa bóp, mát xa giúp hạn chế đau nhức, mỏi cơ", một VĐV tâm sự.

Tại Việt Nam, các bác sĩ và nhân viên mát xa chỉ đáp ứng được một phần như cầu xoa bóp thư giãn, thả lỏng cho VĐV sau mỗi ngày tập luyện, thi đấu. Vì thế, VĐV vẫn thường phải tìm đến những chuyên viên trị liệu nước ngoài, và đương nhiên họ phải trả tiền túi ra để sử dụng dịch vụ.

Nguồn: [Link nguồn]

ASIAD, rào cản chắn thể thao Việt Nam và thế giới

Những thành tích trái ngược của đoàn thể thao Việt Nam, khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á và châu Á diễn ra trong cùng một năm, đã cho thấy rào cản vươn ra thế giới còn rất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Khánh ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN