Đội tuyển taekwondo Việt Nam: Nối lại giấc mơ

Sự kiện: Olympic Tokyo 2020

Sau khi vắng mặt ở Olympic 2016, taekwondo Việt Nam đã nối lại được mạch tham dự sân chơi thể thao lớn nhất thế giới này khi võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền giành vé đến Olympic Tokyo 2020 vào ngày 21/5 vừa qua. Đấy là hành trình dài, chứa đựng đầy sự công phu và dấu ấn xã hội hóa, để qua đó nối lại giấc mơ giành huy chương Olympic của taekwondo Việt Nam.

Dấu ấn của xã hội hóa 

Thành công của taekwondo Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1994 đến cuối những năm 2000, trong đó nổi bật nhất là tấm HCB tại Olympic 2000 của võ sĩ Trần Hiếu Ngân, đã tạo nên sức hút với doanh nghiệp. Cũng vì vậy, từ năm 2012, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) trở thành là nhà tài trợ cho đội tuyển taekwondo Việt Nam rồi cách đây 2 năm đã là nhà tài trợ chính cho Giải vô địch taekwondo các lứa tuổi trẻ toàn quốc…

Chỉ riêng việc CJ tài trợ cho đội tuyển taekwondo quốc gia đã giúp đội tuyển thực hiện được hàng loạt mục tiêu chuyên môn mà trước đó từng nghĩ đến nhưng đành chịu vì nguồn lực của Tổng cục TDTT cũng như Liên đoàn taekwondo Việt Nam đều có hạn. Nhờ đó, đội tuyển đã thực hiện được các chuyến tập huấn quốc tế dài hạn, dự nhiều giải đấu tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới để phù hợp với xu thế chung.

Phó Chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam, Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Vũ Xuân Thành từng chia sẻ rằng nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của nhà nước, taekwondo Việt Nam sẽ rất khó phát triển cũng như hướng đến những mục tiêu dài hạn. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn taekwondo Việt Nam Đào Quốc Thắng cũng nhận định, taekwondo và các môn thể thao khác trên thế giới đang trong guồng thay đổi như vũ bão.

Trước đây, nếu chỉ cần dự một giải đấu là có vé dự Olympic thì nay phải dự nhiều giải để có vị trí tốt trên bảng xếp hạng thế giới. Đến khi dự giải đấu tranh vé dự Olympic mới có vị trí thuận lợi ở bốc thăm, qua đó có lợi thế tranh hành trình thi đấu tại giải. Mà muốn thi đấu quốc tế liên tục để tích điểm xếp hạng thế giới thì phải có kinh phí. Với điều kiện của ngành Thể thao Việt Nam cũng như các địa phương, việc này phải trông vào sự đồng hành của doanh nghiệp.

Cũng nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp từ năm 2012 mà taekwondo Việt Nam mới tự tin đặt mục tiêu giành vé trực tiếp dự Olympic. Thế nhưng, năm 2016, mục tiêu đó không được hoàn thành do yếu tố con người chứ không phải do nhà tài trợ không hỗ trợ đến nơi đến chốn. Còn đến trước vòng loại Olympic 2020, từ cách đây 2 năm, Phó Chủ tịch Liên đoàn taekwondo Việt Nam Vũ Xuân Thành, chuyên gia của đội tuyển taekwondo Việt Nam Kim Kil-tae (Hàn Quốc) đã nêu mục tiêu cùng các thành viên đội tuyển taekwondo Việt Nam giành vé dự Olympic 2020. Cơ sở để để đặt mục tiêu trên vẫn bắt nguồn từ thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn taekwondo Việt Nam với Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), bên cạnh nguồn kinh phí từ Tổng cục TDTT, Liên đoàn taekwondo Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu ấy, những VĐV trọng điểm của đội tuyển như Trương Thị Kim Tuyền, Hồ Thị Kim Ngân, Trần Thị Ánh Tuyết liên tục được tạo điều kiện tập huấn, tham dự các giải đấu quốc tế để tính điểm trên bảng xếp hạng thế giới. Và đến trước vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á, đội tuyển đã thực hiện được bước đi quyết định là tập huấn dài hạn tại Kazakhstan, Uzbekistan (những nước đang kiểm soát khá tốt dịch COVID-19) từ tháng 4 trước khi bước vào tranh tài tại Jordan vào tháng 5.

Cũng nhờ vậy, Trương Thị Kim Tuyền mới giành vé dự Olympic 2020 đầy thuyết phục. Theo kế hoạch, đội đang tập huấn tại Kyrgyzstan để chuẩn bị cho Giải vô địch taekwondo châu Á 2021 ở Li-băng (từ 16 tới 18-6). Sau Giải vô địch châu Á 2021, đội tuyển trở lại Kazakhstan tập huấn rồi sau đó chuyên gia Kim Kil-tae và VĐV Trương Thị Kim Tuyền sẽ di chuyển thẳng tới Nhật Bản tham dự Olympic Tokyo 2020 trong khi nhóm VĐV không giành vé dự Olympic sẽ trở lại Việt Nam.

Như thế, đội tuyển taekwondo Việt Nam sẽ bảo đảm tối đa cơ hội dự Olympic mà không phải tính đến việc không thể tham dự do dịch COVID-19, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng không.

Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền giành vé dự Olympic Tokyo 2020 phần lớn nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp với đội tuyển taekwondo quốc gia.

Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền giành vé dự Olympic Tokyo 2020 phần lớn nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp với đội tuyển taekwondo quốc gia.

Nuôi tiếp giấc mơ

Đáng chú ý, trong hành trình tập huấn và thi đấu quốc tế khoảng 80 ngày trước khi dự Olympic 2020 này, các chuyên gia, VĐV đều ở khách sạn, đồ ăn do đầu bếp khách sạn thực hiện thay vì phải thuê nhà, tự nấu ăn như một số đội tuyển khác trước đây. Việc này giúp chuyên gia, VĐV chỉ chuyên tâm cho tập huấn và thi đấu. Không kể, VĐV tham gia chuyến tập huấn, thi đấu này sẽ học hỏi, tích lũy được nhiều điều.

Như trường hợp của võ sĩ 20 tuổi Hồ Thị Kim Ngân – đang đầu quân cho đội Hà Nội, chẳng hạn. Dù chỉ tham dự với tư cách VĐV dự bị cho Trương Thị Kim Tuyền tại vòng loại Olympic 2020 nhưng cũng học hỏi không ít bài học, cũng như giữ cảm giác thi đấu. Như đánh giá của ông Đào Quốc Thắng thì vốn liếng chuyên môn mà Kim Ngân sẽ đạt được trong chuyến tập huấn này sẽ là vô giá, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang làm đảo lộn sinh hoạt, kế hoạch của thể thao Việt Nam.

Đương nhiên, kinh phí cho chuyến đi này không nhỏ. Và vẫn phải khẳng định là không có doanh nghiệp thì không thể có chuyến đi này. Thực tế, đấy là chuyến đi đầy mơ ước với nhiều đội tuyển khác. Vấn đề là các đội kia không có doanh nghiệp đồng hành như trường hợp của đội tuyển taekwondo.

Phụ trách bộ môn taekwondo của Tổng cục TDTT Nguyễn Thu Trang cũng nhận định rằng, sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp taekwondo Việt Nam thực hiện được mục tiêu giành vé dự Olympic 2020.

Ít ra, taekwondo Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế của mình trong làng thể thao Việt Nam sau thời gian dài thất thế vì không giành được vé đến Olympic 2016. Rõ nhất là taekwondo giờ không còn trong nhóm 5 môn trọng điểm. Điều này khác hẳn vị thế của taekwondo sau khi Trần Hiếu Ngân giành HCB tại Olympic 2000 hay trước đó là Trần Quang Hạ giành HCV ASIAD 1994, Hồ Nhất Thống giành HCV ASIAD 1998.

Tất nhiên, khi đã tham dự đấu trường danh giá như Olymoic, việc phấn đấu giành kết quả tốt nhất là chuyện bình thường. Thực tế, nhà quản lý của bộ môn cũng không muốn gây áp lực thành tích cho VĐV. Nhưng ẩn chứa trong đó vẫn là sự gửi gắm khả năng giành huy chương, dù chỉ là tấm HCĐ. Bởi rõ ràng, trong hơn 20 năm qua, chưa một lần taekwondo Việt Nam chạm tới tấm huy chương Olympic hay tấm HCV ASIAD.

Hiện tại, sự cạnh tranh tấm huy chương tại Olympic ngày càng khốc liệt ngay với cả VĐV của Hàn Quốc – quê hương môn võ đã trở nên toàn cầu hóa này. Còn khâu đầu tư của nhiều quốc gia, ngay cả tại Đông Nam Á, cho võ sĩ trọng điểm taekwondo cũng lớn hơn hẳn Việt Nam.

Taekwondo Việt Nam muốn chen chân vào nhóm giành huy chương Olympic sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần. Con người, kinh phí cũng đã tạm đủ so với nhu cầu của taekwondo Việt Nam nên vấn đề là tranh thủ cơ hội như thế nào để taekwondo lại là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam.

Bài học cho nhiều môn khác

Theo các chuyên gia, câu chuyện từ môn taekwondo chỉ khẳng định lại bài học cũ là cần đến sự linh hoạt, năng động của các cấp quản lý ở Tổng cục TDTT, Liên đoàn Thể thao quốc gia để kết nối với doanh nghiệp. Từ đó, hỗ trợ đáng kể cho đội tuyển quốc gia môn đó. Nhiều môn, trong đó có môn vật, chưa làm được điều này nên đã bỏ qua nhiều cơ hội đáng tiếc để có thể dự các giải đấu tranh vé dự Olympic Tokyop 2020 vừa qua.

Minh Khuê

Nguồn: [Link nguồn]

Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ tránh nóng hài hước, Thu Huyền ”xinh như Tây”

(Tin thể thao, Tin bóng chuyền) Giữa lúc thời tiết mùa hè Hà Nội đang ở đỉnh điểm nắng nóng, người đẹp bóng chuyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Olympic Tokyo 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN