Độc lạ: Việt Nam thi giải châu Á, tập trượt tuyết ở đồi cát
Để chuẩn bị cho việc lần đầu tiên tham dự Đại hội thể thao mùa Đông 2018 tại Nhật Bản, các VĐV Việt Nam đã tập luyện trượt tuyết…kiểu “độc nhất vô nhị” ở xứ nóng.
Vào ngày 19/2 tới đây, đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham gia Đại hội thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 8 diễn ra từ 19-26/2 tại Sapporo (Nhật Bản). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam tham dự một giải thể thao mùa Đông châu Á.
Các VĐV và HLV trưởng (bìa phải) tập luyện tại đồi cát Mũi Né – Bình Thuận chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao mùa Đông châu Á 2017
Nói về việc lần tham dự lịch sử này, ông Mai Bá Hùng – Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại giải cho biết Việt Nam là thành viên của Ủy ban Olympic châu Á và được tổ chức này mời gọi, ủng hộ và hỗ trợ kinh phí cho Việt Nam và các quốc gia xứ nóng tham dự giải đấu mùa đông.
Chúng ta không chỉ thi đấu để quảng bá về đất nước Việt Nam mà còn là cơ hội học hỏi cách tổ chức các giải đấu trên băng của họ bởi sắp tới đây, Việt Nam sẽ có nhiều mô hình trượt băng trong nhà hoàn toàn có thể đưa vào tổ chức thi đấu.
Được biết, lực lượng VĐV của Việt Nam tại giải đấu này được tuyển chọn từ các cá nhân xuất sắc của một số bộ môn khác có kỹ thuật tương tự trượt tuyết như patin, lướt sóng, trượt ván…và đều đã có những thành tích cao tại đấu trường trong nước và quốc tế.
Ngoài việc gửi 2 VĐV sang Hàn Quốc tập huấn ngắn hạn, do điều kiện tại Việt Nam không có tuyết, đội tuyển đã chọn những đồi cát tại Mũi Né (Bình Thuận) để tập luyện trong nhiều tháng.
HLV trưởng Lê Quân đã nhận định việc tập trên cát phần lớn giúp cho các VĐV rèn luyện tư thế, kỹ năng, vì kỹ năng trượt cát và trên tuyết tương đối giống nhau. Điểm khác biệt lớn nhất là về tốc độ, bởi tuyết trơn hơn khá nhiều. Bên cạnh đó, nhiệt độ khá nóng của Mũi Né cũng khác rất nhiều so với nhiệt độ lên đến âm 10 độ C tại Sapporo (Nhật Bản).
“Tập trên cát không trơn như trên tuyết. Chúng tôi phải chọn những đồi cao, dốc nhất để được tốc độ cao nhất. Bên cạnh đó sau khi trượt xuống đồi, anh em phải đi bộ ngược lên khá vất vả và tiêu tốn thể lực gấp đôi so với việc tập trên tuyết (có cáp treo), đặc biệt là những lần bị lún cát.
Ngoài ra, bão cát hay gió lớn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tập luyện”, VĐV Nguyễn Đức Mạnh (nội dung trượt tuyết băng đồng) kể về những khó khăn mà mình và các đồng đội gặp phải trong khi tập luyện trên cát.
Ngày 11/2 tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ sớm lên đường đến Nhật Bản. Quyết định đến sớm của đội tuyển nhằm mục đích làm quen với thời tiết và tập luyện trên tuyết trước khi bước vào tranh tài vào ngày 19/2.
Do cát không trơn như tuyết nên các VĐV phải chọn những đồi cát thật cao để có tốc độ tốt nhất
VĐV Nguyễn Thái Bình (28 tuổi) từng là VĐV lướt sóng, lướt ván diều…được tuyển chọn qua
VĐV tham gia nội dung lướt ván đơn đổ dốc cho biết giữa các bộ môn mình tham gia và trượt trên tuyết có khá nhiều điểm giống nhau nên cũng không khó để làm quen với nội dung mới. Điểm khác biệt lớn nhất vẫn là phối hợp tốt các kỹ năng trên tuyết sao cho nhuyễn
Do không có cáp treo đi lên như ở các khu trượt tuyết xứ lạnh, các VĐV Việt tốn khá nhiều sức trèo lại lên đồi cát sau mỗi lần trượt xuống
Do cát khá lún nên việc té ngã trong các buổi tập là khá thường xuyên
Bão cát, hay gió lớn cũng là kẻ thù của các VĐV Việt Nam khi tập luyện
Là những người đầu tiên đại diện cho nước nhà tại một kỳ thể thao mùa Đông, các thành viên đội tuyển ý thức cao về tinh thần trách nhiệm. Dù không đặt nặng về thành tích nhưng các VĐV và HLV đều tập luyện nghiêm túc và nỗ lực với hy vọng có được một kỳ đại hội đầu tiên ưng ý nhất
Đại hội thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 8 – năm 2017 thu hút khoảng 2000 VĐV và quan chức đến từ 32 quốc gia, vũng lãnh thổ tham dự. Đoàn Việt Nam có 6 VĐV tham gia ở 3 nội dung: trượt tuyết núi cao (Alpine skiing), trượt tuyết băng đồng (Cross-country skiing) và trượt ván trên tuyết (snowboarding). Vì Việt Nam chưa có Liên đoàn trượt băng nên không được thi đấu ở các nội dung trên băng. |