Độc đáo bài quyền “Ba chân hổ” với chiêu luyện trảo “nghe đã choáng”
(Tin thể thao, tin võ thuật) Không chỉ được sáng tạo sau khi chiến đấu với chúa sơn lâm, bài quyền "Ba chân hổ” còn lưu truyền phương pháp tập luyện độc đáo ít người làm được.
Các võ sư chiến đấu ấn tượng bằng bài quyền "Ba chân hổ"
Giai thoại bài “quyền ba chân hổ”
Tương truyền vào hơn 200 năm trước tại vùng núi Bà thuộc tỉnh Bình Định xuất hiện một con hổ chỉ có ba chân nhưng vô cùng hung dữ, ranh ma và cực kỳ nhanh nhẹn. Con thú dữ đã bắt khá nhiều người qua đường để ăn thịt khiến dân trong vùng rất hoang mang.
Võ sư Hà Trọng Ngự (giữa) truyền dạy bài quyền "Ba chân hổ" cho các đệ tử lâu năm
Một ngày nọ, một tiều phu giỏi võ trên đường gánh củi về thì bị hổ ba chân nhào ra tấn công. Biết có bỏ chạy cũng không xong, người tiều phu liền cầm lấy đòn gánh quyết một trận tử chiến với thú dữ.
Trận chiến diễn ra nảy lửa khiến người lẫn hổ đều chịu nhiều thương tích. Thấy không xơi nổi cho mồi này, hổ liền bỏ đi và cũng không còn xuất hiện nữa. Có tin đồn rằng con hổ vì bị thương quá nặng đã chết trong rừng sâu.
Đặc trưng của bài quyền này nằm ở đôi trảo cực kỳ mạnh mẽ và uy lực
Tiều phu nọ vốn trình độ võ thuật cao, sau khi bình phục đã dựa trên những đòn tấn công của con hổ kia như vờn, vồ, chụp, xé, cào…đã sáng tạo ra bài quyền "Ba chân hổ" đặc sắc lưu truyền hậu thế.
Quyền "Ba chân hổ" thuộc môn phái Tây Sơn Bình Định, được lưu truyền rộng rãi trong tầng lớp nghĩa quân Tây Sơn dưới thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong đó, dòng họ Hà Trọng được xem là những truyền nhân chân chính của bài quyền này. Đặc biệt là võ sư Hà Trọng Sơn, người nổi danh với biệt hiệu “Hùm xám miền Trung” nức tiếng một thời với những trận đấu võ đài khuất phục nhiều cao thủ nước ngoài vang dội.
Truyền nhân bài quyền "Ba chân hổ” và kỹ thuật luyện “vuốt hổ” độc đáo
Lần theo giai thoại về bài quyền "Ba chân hổ" và dòng họ Hà Trọng, chúng tôi tìm đến đình An Hội (Quận Gò Vấp, TP.HCM). Nơi đây là võ đường của một lão sư võ tuổi ngoài 60 nhưng thân pháp vẫn rất nhanh nhẹn, đặc biệt hai bàn tay to, thô và vô cùng rắn rỏi. Ông chính là Hà Trọng Ngự, cháu ruột cố võ sư Hà Trọng Sơn, được xem là truyền nhân cuối cùng còn nắm giữ bí quyết tập luyện đôi trảo hổ của bài quyền quý trên.
Bộ trảo các đầy đủ các động tác như cào, xé, chụp, vồ….không khác gì hình ảnh “chúa sơn lâm” đang săn mồi.
“Đặc sắc nhất của quyền ba chân hổ nằm ở bộ trảo, tức đôi vuốt hổ. Ngày xưa để luyện tập bộ trảo, võ sinh phải dùng tay trần xào đá sỏi được đun trong chảo nóng kèm phương pháp khí công. Bên cạnh đó là khổ luyện bộ tấn pháp vững như gỗ đá. Có như vậy bộ trảo mới cứng cáp, sắc bén và có uy lực cao nhất”, ông Hà Trọng Ngự chia sẻ.
Tuy nhiên theo vị võ sư này, võ sinh hiện nay khó có thể áp dụng được phương pháp tập luyện trên bởi đa số môn sinh tập võ với tinh thần rèn luyện thân thể là chính, chứ không cốt theo đuổi đến tận cùng võ học. Cũng vì vậy, việc truyền dạy đầy đủ tinh túy bài quyền "Ba chân hổ" gặp khá nhiều khó khăn.
Võ sư thị phạm chiêu thức vồ mồi trong bài quyền độc đáo
“Bài quyền này chúng tôi không dạy đại trà. Chỉ có những HLV cao cấp, hay võ sư trở lên với đầy đủ tác phong đạo đức, võ đạo mới được truyền dạy. Đa số cũng chỉ tập trảo với bao cát, lốp xe. Còn tinh túy kỹ thuật luyện xào sỏi đá trong chảo nóng hiện chỉ còn người trong dòng dõi Hà Trọng luyện tập mà thôi”, võ sư Ngự bộc bạch.
Sau buổi trò chuyện, chúng tôi được các võ sư trong môn phái Tây Sơn Bình Định thị phạm tính thực chiến của bài quyền "Ba chân hổ". Tận mắt chứng kiến các cao thủ này ra đòn, chúng tôi mới thấy hết sự mạnh mẽ, uy lực và linh hoạt của bài quyền trứ danh. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều võ sinh đam mê và luyện tập để bài quyền quý này được lưu truyền trong kho tàng võ học của dân tộc ta.
* Hình ảnh một số chiêu thức độc đáo và đặc biệt của bài quyền "Ba chân hổ":
Người tập quyền "Ba chân hổ" vừa có được uy lực mạnh mẽ vừa có thân pháp hết sức nhanh nhẹn
Võ sư phải luyện tập đến trình độ đôi vuốt thật chắc, chỉ cần tóm lấy “con mồi” là lập tức gây đau đớn, không thể thoát ra được
Một số động tác, đòn thế đẹp mắt của bài quyền "Ba chân hổ".
Ở tuổi 18, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã khiến làng karate khu vực sửng sốt với ba tấm HCV ở Giải vô địch châu Á diễn ra cuối...
Nguồn: [Link nguồn]