“Độc cô cầu bại” của vòng treo
Xúc động và chào kiểu lính trong nền nhạc quốc ca, VĐV thể dục dụng cụ đang khoác áo quân đội Đặng Nam đã suýt trào nước mắt trên bục nhận HCV chiều 9-6 dù anh là người khá cứng rắn trong cuộc sống.
Từ nhiều năm nay, ở đấu trường quốc gia, Đặng Nam luôn là cái tên “áp đảo” ở nội dung vòng treo - nội dung đòi hỏi thể lực và khả năng giữ trạng thái thăng bằng của tiền đình cao nhất trong các nội dung của nam.
Anh là nhà vô địch SEA Games nội dung này từ năm 2011, trong lần đầu dự SEA Games và giành HCĐ Á vận hội Incheon tại Hàn Quốc vào mùa thu 2014.
Vốn là một người lính, Nam sống khá khép kín và ít trao đổi với giới truyền thông. Do vậy, gần như rất ít ai biết đến chàng thượng úy “vòng treo”, như cái tên mà bạn bè đặt cho Nam.
Sinh năm 1991, Nam đến với thể dục dụng cụ khi đang học lớp 3 tại An Dương, Phúc Tân, Hà Nội. Thần tượng HLV thể dục dụng cụ của quân đội Nguyễn Minh Tuấn, Nam đặt hết tâm trí mình vào các cuộc tập luyện để cố gắng như anh Tuấn.
Đặng Nam (giữa) trên bục nhận HCV nội dung vòng treo
Với kỹ thuật bật, nhào lộn và giữ thăng bằng với đôi chân thẳng băng và dựa vào đôi tay săn chắc, khỏe mạnh của mình, Đặng Nam dễ dàng thực hiện hàng loạt độ khó như lộn 3 vòng khi nhảy tiếp đất hay đảo tay rất dẻo, đặc biệt là cú lộn chống người ngược đã khiến những ai có mặt tại Nhà Thi đấu Bishan chiều 9-6 phải ồ lên thán phục.
Điểm số 15,300 của anh, theo trọng tài Nguyễn Thị Cẩm Vân, là điểm cao nhất dành cho một VĐV đẳng cấp cao thế giới. Rất ít người, ngay cả tại đấu trường Olympic hay Á vận hội, đạt trên 15,100 điểm. Khi đoạt HCV tại SEA Games 2011, Đặng Nam cũng chỉ đạt 15,050 điểm.
9-6 cũng là một ngày thi đấu không trọn vẹn với Phan Thị Hà Thanh, nhà vô địch toàn năng nữ hôm 8-6. Cô bị vuột HCV ở nội dung xà lệch, do ngã kỹ thuật sau khi vô địch nội dung nhảy chống.
Theo Thanh, do chấn thương vẫn còn dai dẳng nên không thể lên xà tốt, làm hụt lực và ngã xuống sàn. Ngày 10-6, Hà Thanh sẽ bước vào nội dung tự do và cầu thăng bằng, 2 môn sở trường.