Djokovic và sự hoàn hảo của tennis thế kỷ 21

Không có tay vợt nào phù hợp hơn Djokovic để áp dụng lối đánh cuối sân đã bắt đầu thống trị thế giới từ những năm đầu ở thế kỷ 21.

Nhìn lại Djokovic vô địch ATP Finals 2015:

Ngay từ đây có thể đã có câu hỏi rằng Federer, người được coi là Mr. Hoàn Hảo, hay Nadal, người hiện giành được nhiều Grand Slam nhất với lối đánh cuối sân thì sao?

Gượm đã. Sự hoàn hảo của Federer là bất tử, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa vẻ đẹp nghệ thuật tấn công trên lưới với tấn công mạnh mẽ từ cuối sân. Federer là hoàn chỉnh cho sự kết hợp của mọi lối chơi, của sự đa dạng.

Còn bảng thành tích đồ sộ của Nadal với 14 Grand Slam, 27 danh hiệu Masters 1000 thì có tới 9 Grand Slam và 19 danh hiệu Masters 1000 đến từ sân đất nện. Đất nện là nơi mà các tay vợt chỉ có thể chơi thứ tennis cuối sân chứ khó lòng giao bóng volley.

Trong khi ấy, Djokovic có 11 Grand Slam nhưng chưa từng lên ngôi ở Roland Garros, có 26 Masters 1000 thì 19 danh hiệu đạt được trên mặt sân cứng ngoài trời và trong nhà (chỉ có bảy danh hiệu từ sân đất nện).

Nếu như chơi trên sân đất nện mà đứng cuối sân là để tận dụng ưu thế tự nhiên của nó, thì chơi trên sân cứng mà đứng cuối sân cần những kỹ năng khá đặc biệt, thậm chí phải đạt được tới mức độ hoàn hảo trong một số cú quả.

Nếu như cú trái hai tay, kỹ năng trả giao bóng của Djokovic đã được thừa nhận ở vị trí đầu bảng trong suốt bốn năm qua thì năm 2015 này còn ghi nhận những sự nâng cấp đáng kể, hoàn thiện của các kỹ năng khác trong đó có thuận tay, giao bóng, nền tảng thể lực, tâm lý.  

Djokovic và sự hoàn hảo của tennis thế kỷ 21 - 1

Djokovic quá mạnh ở thời điểm hiện tại

Thuận tay số 1

Nếu như trước kia, Nadal và Federer được coi là có cú thuận tay hay nhất thì nay cả hai cùng có một số vấn đề nhất định. Nadal không còn tạo ra các cú đánh đủ xoáy và đủ sâu để dồn ép đối thủ phải lùi lại sâu để chống đỡ nữa. Các cú thuận tay của Nadal thường có điểm chạm mặt sân không xa lắm vạch giao bóng, và trở thành mồi ngon cho các tay vợt tấn công trở lại. Khi ấy, chơi trên mặt sân cứng, Nadal dễ phơi bày nhược điểm, và bị đối phương khai thác tối đa.

Còn cú thuận tay của Federer bị ảnh hưởng khá nhiều bởi vấn đề tuổi tác, dù cho tốc độ đầu vợt của anh vẫn thuộc hàng nhanh nhất thế giới thì độ chính xác đã giảm sút đáng kể.

Trong khi đó, Djokovic đạt tới sự chuẩn mực của cú thuận tay, từ việc tạo ra những cú đánh cực xoáy cho tới việc làm nên những cú đánh siêu nặng khi anh đánh bóng lúc nó vừa nảy lên từ mặt sân.

Vai của Djokovic xoay tới ngưỡng tạo một đường thẳng (tưởng tượng) vuông góc với lưới khi thực hiện cú thuận tay nên nó ít tốn sức hơn khi sử dụng được sức mạnh của cả cơ thể, đặc biệt là thân trên.      

Bộ chân di chuyển số 1

Chìa khóa để Djokovic chơi một thứ tennis khá nhàn nhã, nâng tầm cú thuận tay của anh còn nằm ở đôi chân. Khả năng di chuyển cực tốt dựa trên nền tảng thể lực được cải thiện để được coi là tay vợt có sự dẻo dai tốt nhất hiện nay đã giúp Djokovic áp đặt được lối chơi của mình.

Việc có cú trái hai tay xuất sắc nhất ATP hiện nay cũng giúp Djokovic có lợi thế trong việc chọn vị trí, không phải né trái đánh phải quá nhiều và rút ngắn đường di chuyển khi đối phương chuyển hướng tấn công.

Từ đó mà Djokovic có thể di chuyển trước khi đối thủ ra đòn, và kết quả là anh thường nhanh hơn đối thủ một bước chân. 

Giao bóng tiếp tục cải thiện

Djokovic trong năm 2015 còn giao bóng tốt hơn chính anh trong năm 2011. Mọi tỉ lệ quan trọng nhất đều có sự cải thiện, trong đó quan trọng nhất là giao bóng hai, với tỉ lệ ăn điểm lên tới 60,4%.

Thông thường, một tay vợt chỉ cần ăn điểm giao bóng hai từ 45-55% đã có thể tự tin sẽ chiến thắng ở các game cầm giao bóng dù cho giao bóng một không thực sự hoàn hảo. Và khi tỉ lệ  trung bình lên tới 60%, đó thực sự là ngưỡng hoàn hảo.

Bảng thống kê về giao bóng của Djokovic

Năm

Trận

Ace%

1st Serve in

1st serve

2nd Serve

2015

82-6 (93%)

7.4%

66.3%

74.6%

60.4%

2011

70-6 (92%)

6.3%

65.3%

74.1%

55.6%

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN