Djokovic và Federer kịch chiến cuộc đua 100 triệu USD
Mùa giải 2016 sắp tới, Roger Federer và Novak Djokovic không chỉ cạnh tranh quyết liệt các danh hiệu cao quý ở những giải đấu mà mình tranh tài mà họ còn đua tranh nhau cả trên góc độ về kỷ lục tiền thưởng.
“Tàu tốc hành” người Thụy Sĩ đã có một mùa giải 2015 thất thế rõ rệt so với Nole nhưng bước sang năm mới, tình thế có thể thay đổi, ít nhất là về mặt săn kỉ lục số tiền thưởng bỏ túi ở các giải đấu lớn.
Federer và Djokovic chính là 2 ứng cử viên hàng đầu đua tranh quyết liệt trong việc trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử đạt cột mốc tổng số tiền thưởng lên tới 100 triệu USD.
Tính đến thời điểm hiện tại kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp năm 1998, FedEx đã thu về số tiền thưởng là 97,8 triệu USD. Trong khi đó, dù bắt đầu chơi chuyên nghiệp sau Federer 5 năm nhưng Djokovic cũng đã bám sát tay vợt người Thụy Sĩ về thành tích “săn tiền thưởng” khi tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia đã “bỏ túi” 94 triệu USD từ các giải đấu mà anh tham dự.
Với những con số kể trên, Federer và Djokovic hoàn toàn có thể trở thành người đầu tiên cán mốc tổng tiền thưởng 100 triệu USD trong sự nghiệp trong năm 2016 sắp tới.
Djokovic 2 lần khiến Fededer "ôm hận" ở chung kết Grand Slam năm nay
Để đạt được cột mốc đáng mơ ước đó, “Tàu tốc hành” cần thu về tài khoản của mình thêm 2,2 triệu USD, trong khi với Nole, con số ấy là 6 triệu USD.
Với việc Australian Open – giải Grand Slam đầu tiên trong năm sẽ diễn ra ở Melbourne Park từ ngày 18 – 31/1/2016 có số tiền cho nhà vô địch năm nay lên tới 3,85 triệu USD, Federer sẽ có cơ hội là tay vợt đầu tiên đạt được cột mốc 100 triệu USD tiền thưởng trong sự nghiệp.
Nhưng điều này là không hề dễ dàng khi sang năm 2015, FedEx đã 35 tuổi và trong khi Djokovic kém anh tận 6 tuổi vẫn đang rất sung sức và có được phong độ tuyệt đỉnh trong năm ngoái.
Chỉ riêng trong mùa giải năm 2015, tay vợt số 1 thế giới người Serbia đã lọt vào cả 4 trận chung kết Grand Slam và giành cúp ở 3 trong số 4 trận đấu quan trọng đó. Djokovic giành đến 11 danh hiệu trong năm ngoái (3 Grand Slam, 6 Masters 1000, 1 ATP 500 và ATP World Tour Final) và lập kỉ lục về số tiền thưởng trong một mùa giải: 21,5 triệu bảng.
Hiện Djokovic đã có 10 Grand Slam, vẫn kém Federer đến 7 danh hiệu cao quý bậc nhất thế giới loại này nhưng anh chỉ còn kém “Tàu tốc hành” người Thụy Sĩ có 3,8 triệu USD tiền thưởng vì Ban tổ chức 4 giải đấu danh giá nhất năm luôn tăng mức tiền thưởng chóng mặt sau mỗi năm.
Djokovic đang là ĐKVĐ Úc mở rộng và nếu bảo vệ thành công ngôi vương giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2016, anh sẽ nâng mức tổng tiền thưởng của mình trong sự nghiệp lên 97,85 triệu bảng.
Federer vừa thông báo kế hoạch thi đấu năm 2016 của mình. Đáng chú ý khi, FedEx chỉ tham dự 1 giải đấu trên sân đất nện là Roland Garros và bỏ đi hàng loạt giải Masters 1000 trên mặt sân màu nâu đỏ như Monte-Carlo, Rome hay Madrid.
Đó sẽ là cơ hội để Nole vượt lên “Tàu tốc hành” để trở thành người đầu tiên đạt mốc 100 triệu USD tiền thưởng.
Theo tạp chí Forbes, Federer dù kiếm được đến 58 triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo nhưng chỉ đứng thứ 5 trong danh sách các VĐV giàu nhất năm 2015. Còn với Djokovic, số tiền anh bỏ túi từ các hợp đồng thương mại từ thương hiệu cá nhân là 31 triệu USD và anh đứng thứ 13 trong danh sách này.
So với Federer và Djokovic, 2 tay vợt còn lại trong nhóm “Big 4”là Rafael Nadal và Andy Murray có tổng thu nhập tiền thưởng trong sự nghiệp tính đến thời điểm hiện tại kém hơn nhiều.
“Vua đất nện” Nadal dù đã có 14 Grand Slam trọn bộ đủ 4 loại (Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng) và chỉ còn kém Federer 3 danh hiệu loại này nhưng đến giờ, Rafa mới có… 75 triệu USD tiền thưởng. Còn Murray – tay vợt đã giành 2 Grand Slam (US Open 2012 và Wimbledon 2013), con số ấy khiêm tốn hơn nhiều: 42,5 triệu USD.
So với các tiền bối, “Bộ tứ siêu đẳng” của quần vợt nam thế giới đương đại cũng vượt trội về khoản hái ra tiền từ các giải đấu mình tham dự.
Rod Laver – tay vợt gần nhất giành trọn bộ 4 Grand Slam trong cùng một năm (1962) cho đến khi kết thúc sự nghiệp giành được 1,5 triệu USD – con số khổng lồ ở thời điểm cuối thập niên 60 của thế kỉ 20.
John McEnroe kiếm được 12,5 triệu USD tiền thưởng trước khi treo vợt, còn Pete Sampras – thần tượng của Federer giã từ sự nghiệp thi đấu năm 2002 và gặt hái được 43 triệu USD tiền thưởng.
Về phía nữ giới, dẫn đầu là Serena Williams - tay vợt đã giành đến 3 Grand Slam năm nay thu về số tiền thưởng lên tới 71 triệu USD, còn Maria Sharapova dù thi đấu không mấy thành công nhưng vẫn đứng thứ 2 với 36,4 triệu USD tiền thưởng.
Serena và Sharapova kiếm tiền đỉnh nhất làng banh nỉ nữ