Djokovic trở lại với HLV Vajda: Một nửa vĩ đại

Sự tái hợp với HLV cũ Marian Vajda chỉ đảm bảo một nửa thành công cho mục tiêu thống trị trở lại của Djokovic.

Video Novak Djokovic và Benoit Paire ở vòng 2 Miami Open 2018:

Djokovic mời Vajda trở lại sau khi anh lần lượt chia tay cả hai HLV Andrea Agassi và Radek Stepanek chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Sự gắn bó với Agassi chỉ kéo dài hơn nửa năm. Còn thời gian làm việc của Stepanek là chưa được 4 tháng.

Kết quả trong thời gian với Agassi là 1 danh hiệu ATP 250 tại Aegon (sân cỏ). Và với Stepanek là không.

Tận cùng của nỗi thất vọng này là Djokovic lần đầu tiên sau gần 12 năm đã thua liền ngay trận ra quân của hai giải đấu lớn.

Djokovic trở lại với HLV Vajda: Một nửa vĩ đại - 1

Djokovic và HLV Vajda tái ngộ

Ở Indian Wells, Djokovic thua tay vợt ít tên tuổi Taro Daniel sau 3 set. Còn ở Miami, anh thua Benoit Paire mà không thắng được set nào.

Lần gần nhất Djokovic thua sớm như thế ở hai giải lớn sát nhau ở năm 2006 (khi 19 tuổi), bị loại ngay tại vòng 1 của Australian Open và Indian Wells. Năm đó, Djokovic chơi 5 giải liên tiếp (3 Masters 1000, 1 Grand Slam và 1 giải ATP 500) mà chỉ thắng được 1 trận.

Nhưng HLV không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới các thất bại liên tiếp 2 giải vừa qua. Tương tự như thế là việc anh trở thành nạn nhân của một trong những cuộc lật đổ lớn nhất tại Australian Open 2018 bởi Chung Hyeon.   

Tại sao Djokovic chưa trở lại ấn tượng như Nadal và Federer ?

Chấn thương khuỷu tay của Djokovic có từ 2016, nhưng nó chỉ trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2017. Djokovic bỏ cuộc ở trận đấu với Berdych tại tứ kết Wimbledon và rời xa các giải đấu đỉnh cao trong 6 tháng sau đó.

Khuỷu tay là một trong số những chấn thương ám ảnh nhất trong thế giới tennis, bên cạnh cổ tay (Del Potro), lưng (Federer) và đầu gối (Nadal).

Khi chấn thương khuỷu tay bình phục, cộng với những dấu hiệu lạc quan từ việc anh không còn gắn bó với chuyên gia tâm lý Pepe Imaz (người làm cho Djokovic thiếu ý chí) thì việc lựa chọn một ê kíp huấn luyện mới lại không thể tạo nên được sức bật.

Agassi và Djokovic có nhiều mâu thuẫn mà đỉnh điểm của nó là việc lựa chọn giải đấu, tính toán điểm rơi. HLV thứ hai là Stepanek không có nhiều kinh nghiệm dù cho cả hai rất hiểu nhau (nhờ là bạn qua nhiều năm). Hai cố vấn là Mario Ancic và Craig Oshannessy gần như không được nhắc tới vì họ kết thúc sự hợp tác của mình với Djokovic chỉ sau thời gian chóng vánh.

Toàn bộ các lý do này khiến cho Djokovic không thể trở lại mạnh mẽ như kỳ vọng, trái ngược hoàn toàn so với những sự trở lại ấn tượng mà Nadal và Federer đã tạo nên sau những giai đoạn dưỡng thương của họ.

Marian Vajda, sự trở lại an toàn

Djokovic thực ra không phải đến bây giờ mới chờ đợi những sự mới mẻ mà các HLV khác nhau mang lại cho anh. Anh từng có những quyết định làm ngạc nhiên cả thế giới tennis từ nhiều năm trước.

Todd Martin trở thành đồng HLV của Djokovic năm 2009 với mục tiêu thách thức Nadal và Federer, nhưng việc muốn Djokovic thay đổi cách giao bóng và chuyển từ một người chơi toàn sân sang lên lưới thường xuyên hơn đã biến Djokovic trở thành chuyên gia thất bại ở Grand Slam trong gần hai năm.

Fibak, một người Ba Lan, không phải cây đại thụ của thế giới tennis cả khi thi đấu lẫn hành nghề HLV được Djokovic bổ sung cho ê kíp huấn luyện tại US Open 2013. Kết quả là Djokovic thua trước Nadal trong trận chung kết của giải đấu này và sau đó họ kết thúc sự hợp tác.

Chỉ có Boris Becker là sự thử nghiệm thành công và nó mở ra một trong những chương huy hoàng của sự nghiệp Djokovic: Giành thêm 6 Grand Slam trước khi họ chia tay vào cuối năm 2016.

Nhưng đó cũng là thời điểm mà Marian Vajda vẫn ở bên cạnh Boris Becker với vai trò như là HLV thứ hai.

Sự khiêm nhường và chấp nhận lùi lại phía sau của Vajda giúp cho ê kíp huấn luyện của Djokovic có được sự hòa hợp cần thiết, để bổ sung cho nhau.

Cũng chính tính cách ấy của Marian Vajda giúp vị HLV người Slovakia này được Nole giữ lại cho tới giữa năm 2017.

Djokovic trở lại với HLV Vajda: Một nửa vĩ đại - 2

Chờ đợi Vajda hồi sinh Djokovic mạnh mẽ ở thời điểm này có thể là một ảo tưởng

12 năm gắn bó với Djokovic của Vajda là một sự tổng hòa của sự đóng góp, nâng tầm và cả hy sinh mà những sự thừa nhận dành cho ông đôi khi không tương xứng.

Sáu Grand Slam mà Djokovic giành được khi Vajda là HLV duy nhất của anh trong giai đoạn 2008 tới 2013 chỉ kém so với ê kíp Nadal và chú Toni, Federer – Luthi (kết hợp với nhau từ 2007).

Nó vượt trội so với thành tích của cặp Murray – Lendl (3 Grand Slam) hay Wawrinka – Norman (3 Grand Slam).

Ở giai đoạn ấy, những yếu tố được ca ngợi sau thành công của Djokovic là chế độ dinh dưỡng (loại bỏ chất gluten trong thực đơn), là quy trình hồi phục thể lực (ấp trong lồng bơm khí), thậm chí là cả tác dụng của những chiếc lót giày được “thửa” riêng không phải do hãng Adidas sản xuất.

Nhưng Vajda có đóng góp lớn trong việc lựa chọn đối thủ mục tiêu, đối thủ chiến lược để đương đầu trực tiếp và cạnh tranh là Nadal thay vì Federer.

Đó là sự tính toán quyết định để Djokovic tạo ra chuỗi chiến thắng liên tiếp trước Nadal ở mùa 2011 và 2012 trước Nadal thông qua việc khắc chế cú thuận tay của đối thủ bằng việc nâng tầm cú trái.         

Chờ đợi Vajda hồi sinh Djokovic mạnh mẽ ở thời điểm này có thể là một ảo tưởng, nhưng có một điều chắc chắn rằng ông sẽ không dẫn cậu học trò vĩ đại của mình chọn nhầm những con đường.

Còn trở lại với sự thống trị thì phụ thuộc vào ý chí và sự cạnh tranh của các đối thủ khác cũng vĩ đại và khát vọng vô cùng. 

Đập nát vợt, Djokovic gửi ”chiến thư” tới Nadal - Federer

Djokovic gửi "chiến thư" tới Nadal trước thềm giải Monte Carlo 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN