Djokovic: Thất bại một cách… xuất sắc
Djokovic đã có một mùa giải thất bại, dù cho anh vẫn giành được một Grand Slam.
Tại sao thất bại?
Bảng thành tích trong năm nay của anh thực ra không hề tồi. Anh có một Grand Slam, đồng thời trở thành người đầu tiên vô địch Australian Open ba năm liên tiếp. Djokovic cũng bảo vệ được chức vô địch World Tour Finals – điều chỉ có Federer từng làm được trong vòng chục năm qua. Djokovic cũng đánh bại được Nadal ở Monte Carlo, nơi tay vợt người Tây Ban Nha thống trị tuyệt đối trong tám năm trước đó. Và Djokovic vơ vét tất cả các danh hiệu đáng kể nhất ở giai đoạn cuối năm trong đó có hai Masters 1000 (Thượng Hải và Paris).
Kết quả ấy là điều mơ ước với bất cứ ai trong top 10 thế giới chứ không chỉ top 50.
Djokovic đã để Nadal soán ngôi trong năm 2013
Nhưng, ở đây, chúng ta đang nói về Djokovic, người bước vào năm 2013 với vị trí độc tôn trên bảng xếp hạng ATP rồi lại kết thúc năm ở vị trí thứ hai; người lọt vào tới ba trận chung kết Grand Slam lại chỉ vô địch một.
Trong số hai thất bại ở chung Grand Slam, có một thực sự mang ý nghĩa quyết định tới tầm vóc của bản thân Djokovic, tác động tới chỗ đứng của anh trong lịch sử môn thể thao này.
Đó là trận chung kết US Open trước Nadal, khi cơ hội để anh thu hẹp khoảng cách về số danh hiệu Grand Slam với tay vợt người Tây Ban Nha trở nên xa vời hơn trong khi chỉ một năm trước đó là rất sáng sủa.
Khoảng cách bảy danh hiệu thay vì năm là chặng đường rất dài để Djokovic có thể san lấp trong khi còn chưa nói tới tổng số sáu Grand Slam hiện tại của anh còn chưa bằng con số lẻ của Federer. Djokovic đã cần tới sáu năm để đạt sáu Grand Slam và hai năm gần đây nhất mỗi năm anh chỉ “ăn” được một.
Ngay cả việc thua Nadal sau khi mắc những sai lầm khá giản đơn ở trận bán kết có tỉ số set 5 là 7-9 cũng là một lần bước hụt trước ngưỡng cửa lịch sử - trở thành người thứ tư trong kỷ nguyên tennis Mở (sau Nadal, Federer và Agassi), hoàn tất bộ sưu tập đủ bốn giải Grand Slam khác nhau.
Và khi Masters 1000 tổ chức trên sân cứng ở Bắc Mỹ, anh hoàn toàn trắng tay, trong đó có thất bại ở Cincinnatti (Ohio, Mỹ). Việc trở thành người đầu tiên sưu tập đủ bộ chín Masters như thế cũng sẽ phải chờ thêm một năm nữa trong khi nó chắc chắn là thành tích tạo nên sự khác biệt ở đẳng cấp này bởi Federer hầu như sẽ không thể kiếm đủ bộ (hiện thiếu Monte Carlo và Rome), còn Nadal khó có thể hoàn tất sự nghiệp Masters bởi anh còn thiếu ba chiếc cúp, một từ Paris Masters, hai là Thượng Hải và ba là Miami.
Bản thân Djokovic cũng đã phải thốt lên “ước gì tôi giành thêm một Grand Slam nữa” trong cuộc phỏng vấn với báo chí Mỹ hồi tháng 10. Và tới tháng 11, Djokovic nói rằng anh đáng ra phải chơi tốt hơn nữa ở (giai đoạn đầu) hệ thống Masters 1000.
Khi Djokovic chững lại
Một năm không thành công của Djokovic bị ngáng trở bởi cuộc trở lại thần kỳ của Nadal, người giành hai Grand Slam, năm Masters 1000 (ba danh trên sân cứng) trong tổng số 10 danh hiệu.
Nhưng thực ra, ngay cả trong những trận thua Nadal, Djokovic cũng có những cơ hội chiến thắng và anh phạm sai lầm ở thời điểm quyết định.
Ở Roland Garros là pha để người chạm lưới khi bắt volley tầm cao và hai cú smash lỗi khi trận đấu chỉ được phân định bằng vài điểm số.
Vào 3 trận chung kết Grand Slam nhưng Nole chỉ thắng được một
Ở US Open là việc không giành chiến thắng ở set thứ ba một phần do Nadal kiên cường và phần còn lại anh đã đánh lỗi trong những pha bóng giản đơn dù đã chơi cực hay kể từ đầu set.
Đó là vấn đề của tâm lý, sự tập trung, cũng như sự tự tin vào bản thân. Nhưng quan trọng nhất là Djokovic không còn tạo ra ưu thế thể lực khi đối đầu với Nadal bởi anh không còn thắng như chẻ tre ở các trận đấu ở vòng ngoài trước các đối thủ dưới cơ.
Djokovic bước vào trận chung kết US Open với Nadal sau khi anh phải trải qua trận đấu năm set với Wawrinka.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Wimbledon khi Djokovic phải đấu năm set ở bán kết với Del Potro rồi sau đó đã thua Murray ở trận chung kết.
Việc vất vả nói trên thực ra chỉ là sự tiếp nối của những gì đã xảy ra ở giai đoạn đầu mùa giải. Djokovic thua Del Potro ở Indian Wells, Tommy Haas ở Miami, Dimitrov ở Madrid và Berdych ở Rome.
Đó là bằng chứng của sự chững lại tiếp nối với năm 2012 đi xuống đáng kể so với năm vĩ đại 2011.
Cần nhắc lại rằng năm 2012, Djokovic cũng vào tới ba trận chung kết Grand Slam và chỉ thắng một (ở Australian Open).
Và hệ thống lại, Djokovic như thế chỉ chiến thắng đúng một trong năm trận chung kết Grand Slam gần nhất mà anh hiện diện.
Ở góc độ này, Djokovic xem ra chỉ khá hơn Murray, người từng chơi đến trận chung kết Grand Slam thứ năm mới biết tới chiến thắng.
Djokovic sẽ vẫn ngự trị đỉnh cao
Phong độ có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu sự tập trung, sự suy giảm thể lực, nhưng đẳng cấp của Djokovic là bền vững. Anh trở lại rất nhanh và tạo nên chuỗi 24 trận thắng liên tiếp, trong đó có hai chiến thắng trước Nadal ở giai đoạn cuối mùa (sau US Open) và 11 trận thắng khác trước các đối thủ nằm trong top 10.
Thành tích ấy được tạo dựng trong bối cảnh khó có thể phủ nhận thực tế là Nadal vẫn duy trì thói quen không đạt được phong độ tối ưu vào cuối mùa giải, còn Murray chấn thương, thì Djokovic vẫn cho thấy anh là người có thể giải quyết các vấn đề khó khăn chỉ trong một thời gian rất ngắn. Với các tay vợt khác, thậm chí cả Nadal hay Federer, họ cần quãng thời gian đôi khi là cả mùa giải, thì Djokovic chỉ cần vài tuần hoặc cùng lắm vài tháng để tạo ra một chu kỳ mới.
Djokovic sẽ lại giành vinh quang ở Australian Open 2014?
Đó là điều Djokovic đã làm ở cuối mùa 2010, từ thất bại ở US Open 2010 cho tới chiến thắng ở Australian Open 2011 chỉ là vài tháng.
Còn từ US Open tới Bắc Kinh Open là chưa đầy một tháng. Tập gì, ăn gì, uống gì để Djokovic trở nên vượt trội so với toàn bộ phần còn lại của ATP, để đến khi anh phải đảm đương hai trận đơn ở chung kết Davis Cup giữa Serbia và CH Czech mà vẫn áp đảo cả Stepanek và Berdych có thể là bí quyết, nhưng đó thực sự là nền tảng để tin rằng Djokovic sẽ thách thức tất cả ở mùa năm sau.
Đó là chưa kể tới sự toàn diện trên từng mặt sân khác nhau, Djokovic tạo ra sự ổn định hiếm có về mặt thành tích ở các giải Grand Slam. Anh đã có 18 trận tứ kết Grand Slam liên tiếp, và từ đó, anh làm nên 14 trận bán kết không bị đứt quãng.
Nadal chưa từng và có lẽ sẽ không bao giờ làm được điều tương tự. Chỉ có Federer mới xuất sắc hơn với 23 trận bán kết và 36 trận tứ kết liên tiếp.
Bước sang tuổi 27, Djokovic sẽ vẫn tiếp tục những năm tháng đẹp nhất của sự nghiệp khi kinh nghiệm là lợi thế bên cạnh sự hoàn thiện về kỹ thuật cũng như nền tảng thể lực đặc biệt.
Nếu tiếp tục có ba trận chung kết Grand Slam nữa trong năm 2014, chắc chắn, Djokovic không chỉ vô địch một!