Djokovic sẽ không lỗi hẹn với Nadal, còn Federer chờ kỷ lục
Liệu cuối cùng Nadal, Djokovic và Federer sẽ lại vẫn gặp nhau trong những trận đấu cuối?
Tạo bất ngờ trước Nadal: Trước tiên phải cao to
Sự hồi hộp và vất vả của Nadal ở vòng một trước Daniel Brands mới đây chẳng là gì so với trận đấu đầu tiên của anh ở Roland Garros 2011 trước John Isner. Ngày ấy, Nadal đã bị tay vợt đứng thứ hai về chiều cao trong lịch sử tennis thế giới dẫn trước 2-1 sau ba set, và trong set cuối, Nadal chỉ ăn chênh được đúng hai game.
Không nói tới thứ hạng trên bảng xếp hạng ATP của Isner - người cao 2m06, bởi đối với Nadal, đã là những người dưới đẳng cấp, thì phải cao to mới có cơ hội tạo bất ngờ.
Chẳng hạn, Nadal chưa bao giờ thắng dễ Ivo Karlovic, người cao nhất thế giới tennis với chiều cao 2m08. Cả bốn trận Nadal thắng Karlovic, anh đều thua một set, và có bốn set đấu định đoạt qua tiebreak.
Nadal rất kị những tay vợt cao to
Nadal mới gặp người cao thứ ba trong làng tennis, Kevin Anderson, một lần duy nhất, nhưng anh cũng phải cần tới loạt tiebreak để kết thúc set đấu thứ hai quyết định.
Nadal cũng luôn gặp khó khăn trước Juan Martin Del Potro, người cao 1m98 (và là cao nhất thế giới từng đoạt Grand Slam). Ba trận gần nhất anh đều thua một set, và từng trải qua chuỗi ba trận thua liên tiếp trong năm 2009.
Nadal thua Lukas Rosol ở Wimbledon 2012 có thể là khi anh đang tiến tới ngưỡng của chấn thương, nhưng đối thủ của anh cũng cao tới 1m96, giao bóng nhanh như điện và thường có cú thuận tay nhanh hơn cả tốc độ giao bóng hai của Nadal.
Nadal thua trận đấu duy nhất ở Roland Garros kể từ năm 2005 tới nay là trước Robin Soderling, người có chiều cao 1m90, cao hơn bất cứ tay vợt nào từng vào chung kết Roland Garros kể từ năm 2004.
Và Nadal phải nhờ sự vượt trội về kinh nghiệm mới hóa giải được thử thách Daniel Brands trong trận đầu tiên trên con đường chinh phục Roland Garros thứ tám. Mà Daniel Brands cũng có chiều cao đặc biệt, tới 1m92.
Có một hoặc nhiều hơn một điểm chung trong số các tay vợt nói trên, là họ tận dụng cực tốt chiều cao của mình để thực hiện những cú giao bóng sấm sét, và để đứng ôm sân tấn công bằng những cú đè bóng tầm cao thay vì phải lùi lại phía sau để lấy tầm bóng thấp hơn như các tay vợt khác. Ngay cả những cú giao bóng hai của Nadal cũng trở thành mồi ngon cho những cú trả giao bóng ghi điểm trực tiếp. Kết cục là Nadal thường bị dồn vào thế phòng thủ, không thể chơi thứ tennis tấn công từ cuối sân quen thuộc.
Daniel Brands đã làm cực tốt tất cả những công việc mà một người có chiều cao như anh có thể làm. Thậm chí, tỉ lệ đánh hỏng của anh là rất ít so với cách chơi năm ăn năm thua với tâm lý cú nào cũng phải là một điểm trực tiếp. Hãy so sánh để thấy, nếu như Gulbis đấu với Nadal chỉ ba set với 29 game nhưng có tới 50 lỗi tự đánh hỏng thì Brands với bốn set và 42 game chỉ mắc 53 lỗi tự đánh hỏng.
Nhưng việc tìm ra công thức cho những tay vợt có đẳng cấp thấp hơn quật đổ Nadal không có nghĩa là người đang nắm giữ kỷ lục bảy lần vô địch Roland Garros sẽ thất bại.
Nadal thể hiện đẳng cấp khác biệt trong những thời khắc quyết định. Đó là ba điểm cuối cùng của loạt tiebreak trong set hai (đặc biệt là điểm set point với cú trả trái tay dọc dây) để anh cân bằng 1-1 rồi thắng hai set tiếp theo dễ dàng hơn.
Nỗi sợ hãi thoáng qua nơi Djokovic
Các tay vợt có chiều cao lý tưởng lại chẳng tìm thấy điểm khắc chế nào ở Djokovic. Nhưng vì thế những tay vợt ở đẳng cấp thấp hơn và bất kể về chiều cao cũng có những có những cơ hội để tạo nên những bất ngờ trước số 1 thế giới với điều kiện họ có thể thực hiện được ít nhất 4-5 cú tấn công liên tiếp vào những góc chết trên sân.
Nole đang mất sự tự tin?
David Goffin, cao 1m80 và chỉ nặng 68kg, là trường hợp như thế. Ở cuối sân, Goffin đánh bóng rất sớm, chủ động tấn công, điều bóng sang hai đầu sân như thể anh là người làm chủ trận đấu.
Điểm mạnh nhất của Djokovic hơn hai năm qua ngoài cú quả, thể lực là sự tự tin. Nhưng khi ai đó, đặc biệt là những tay vợt chiếu dưới có thể "hành hạ" anh bằng những đường bóng sáng tạo và buộc anh phải chạy mướt mồ hôi mà vẫn không thể cứu thua, Djokovic cũng nao núng, và lòng kiêu hãnh lúc đó phản chủ.
Hẳn là chúng ta chưa quên Federer với cú đánh "xâu kim", quay lưng lại đối thủ và đánh bóng qua hai chân tạo nên cú passing ghi điểm trực tiếp ở bán kết US Open 2009 đã hoàn toàn đánh gục Djokovic cả về trình độ lẫn ý chí (ở thời điểm đó).
Goffin không đánh bóng qua chân, nhưng lại dùng chính cú đánh gắn liền với tên tuổi Djokovic - bỏ nhỏ trái tay để cài xen kẽ với những cú đánh đều đặn và rất chính xác để điều Djokovic trước sự chứng kiến của một vạn khán giả ngồi sân Philippe Chatrier.
Nếu như Brands làm mọi người bắt đầu nhớ lại cách Soderling quật đổ Nadal, thì Goffin cũng đặt ra câu hỏi là liệu Djokovic có phải chịu thất bại đau đớn như trước Dimitrov và Berdych mới đây ở Madrid Masters và Rome Masters?
Nhưng Goffin đã không thể vượt qua sự hồi hộp trong những thời khắc quyết định. Anh mắc lỗi kép ở những điểm cuối của loạt tiebreak trong set 1, ở game thứ chín bản lề của set thứ hai, smash ra ngoài khi điểm số là 0-30 lúc Djokovic giao bóng 6-5 ở set thứ ba.
Và đó cũng là một chút khác biệt giữa cách Nadal và Djokovic giải quyết trận đấu: một rất chủ động và hoàn toàn không nhờ vào sai lầm của đối thủ, còn một đã tạo ra những cơ hội cho đối thủ và chỉ lành lặn do đối thủ chưa đủ tầm để tận dụng các cơ hội đó.
Việc Djokovic bị bẻ game giao bóng khi tỉ số đang là 4-3 trong set hai, rồi suýt chút nữa bị dẫn 0-40 trong set thứ ba khi anh cầm giao bóng ở tỉ số 6-5 có phải là sự tái hiện lại những sai sót anh đã mắc phải trong trận thua Berdych ở Rome khi đã thắng set 1 và cầm giao bóng ở tỉ số 5-2 trong set 2?
Phải chăng, điểm tích cực từ những trận thua sớm ở Madrid và Rome là anh có thời gian hồi phục cho Roland Garros nhưng mặt trái của nó là hệ lụy tâm lý khi sự tự tin suy giảm?
Nhưng những ai chờ đợi Nadal và Djokovic sẽ gặp nhau ở bán kết có thể trấn an rằng cả Brands và Goffin là những thử thách khó khăn nhất ở vòng một dành cho các hạt giống. Đặc biệt là Goffin, người đã vào tới vòng bốn và đã chơi một trận đáng nhớ trước Federer ở giải này năm ngoái.
Djokovic có khả năng thích ứng, và hơn hết, sức mạnh về thể lực sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ rủi ro bất ngờ với thể thức 5 set. Chẳng có ai có thể cản đường Djokovic vào bán kết, kể cả Dimitrov, Kohlschreiber, Haas hay Verdasco.
Còn Nadal ở vòng hai sẽ biết cách tiếp cận trận đấu tốt hơn trước một Daniel Brands thứ hai, đó là Martin Klizan cao 1m9, serve tốt, đè bóng tốt, biết kết hợp với cả những cú thuận tay bóng xoáy, và từng thắng Tsonga ở US Open năm ngoái. Nadal cần phải làm được điều đó, bởi ở nhánh của anh còn có các đối thủ tiềm tàng đều là những tòa tháp: Lukas Rosol, cao 1m96, Robin Haase (1m91) hoặc hiện tượng của Paris Masters 2012 và đầu 2013, Jerzy Janowicz (2m03).
Các kỷ lục mới chờ Federer
Huyền thoại Federer, người đang ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, đã giảm bớt khát vọng, đã suy giảm thể lực, và như hậu quả tất yếu, là đã mất độ chuẩn xác cần thiết trong nhiều kỹ năng (kể cả volley) lại may mắn hơn rất nhiều ở nhánh bốc thăm.
Federer sẽ tự phá kỷ lục của chính mình?
Sau vòng một gặp đối thủ phải vất vả vượt qua vòng sơ loại, Pablo Busta, đối thủ ở vòng hai lại là một tay vợt phải vượt qua vòng sơ loại khác, Somdev Dewarman (Ấn Độ). Rồi đối thủ tiềm tàng ở các vòng sau có thể là một chùm ba tay vợt chủ nhà, nhưng Benneteau và Simon chưa phải là thách thức lớn để cản đường anh trước khi gặp Tsonga ở tứ kết.
Tức là có thể chờ đợi Federer sẽ tự phá kỷ lục 35 lần liên tiếp vào tứ kết Grand Slam của chính anh, và tiến gần hơn nữa tới kỷ lục 41 trận tứ kết Grand Slam của Jimmy Connors (hiện nay anh đã có 39 trận).
Nhưng điều đó chưa chắc sẽ đảm bảo Federer sẽ lại phá một kỷ lục khác do anh tự lập nên với 33 trận bán kết Grand Slam sau 56 lần tham dự (54 lần liên tiếp - một kỷ lục). Và quả là quá sớm để mường tượng từ lúc này về kỷ lục mới 25 trận chung kết Grand Slam dành cho Federer, dù ở nhánh ấy, hạt giống số 4 chỉ là Ferrer, còn hạt giống số 5 Berdych đã bị loại ngay từ vòng 1.