Djokovic: Nhà vô địch tuyệt đối
Phải ngược dòng lịch sử mới thấy hết được sự vĩ đại của Djokovic, người đã thâu tóm cả bốn Grand Slam sau khi vô địch Roland Garros.
Sự lên ngôi của Djokovic một mặt cho thấy sự toàn diện của số 1 thế giới nhưng nó cũng cho thấy tennis thế giới thiếu những chuyên gia trên các mặt sân đặc biệt, và đây là điều hoàn toàn khác so với các giai đoạn trong quá khứ.
Nó là kết quả của sự thay đổi có tác động bởi công nghệ bên cạnh xu hướng huấn luyện tennis trên khắp thế giới đều hướng đến việc tạo ra các tay vợt chơi bền bỉ ở cuối sân, lấy sân đất nện làm môi trường rèn luyện, lấy topspin làm tiêu chí đánh giá, còn giao bóng lên lưới cuối cùng chỉ tạo ra các nhà vô địch đôi.
Nếu không nhầm thì trong Top 50 thế giới tất cả đều là những chuyên gia chơi ở cuối sân, và trong số những tay vợt thuộc thế hệ 9x mới nổi gần đây cũng không có ai thuộc mẫu giao bóng lên lưới.
Ở một phương diện khác, khi mặt sân cứng và sân cỏ được thiết kế và thi công để bóng đi chậm hơn (dù gần đây đã làm nhanh trở lại, nhưng vẫn chưa thể nhanh như trước kia) thì một tay vợt nếu đã đủ khả năng vô địch ở một mặt sân này đều có thể đăng quang nốt ở mặt sân kia.
Sharapova, người tự nhận là con bò trên sân băng khi bước ra sân đất nện mà cũng đã vô địch đủ cả bốn giải Grand Slam khác nhau của nữ cũng một phần nhờ xu hướng tương đồng hóa đó.
Djokovic thống trị tennis 1 phần nhờ các đối thủ như Federer, Nadal đã suy yếu
Vĩ đại nhất trong 6 năm qua
Nhưng những điều nói trên không thể phủ nhận thực tế rằng Djokovic vượt lên trên tất cả các đối thủ của mình còn là nhờ sự bền bỉ, sự ổn định về phong độ, trạng thái tâm lý tự tin và khát vọng vươn cao để trở thành tay vợt hoàn thiện bậc nhất hiện nay.
Roland Garros có lẽ là giải đấu Djokovic không đạt được phong độ cao nhất trong số bốn Grand Slam gần nhất. Nhưng trong khoảng một năm rưỡi qua, Djokovic chinh phục hàng loạt kỷ lục – những con số nói lên sức mạnh đó: 17 trận chung kết ATP liên tiếp, hơn 700 trận thắng, vượt qua Nadal để trở thành tay vợt có nhiều danh hiệu Masters 1000 nhất (29), 28 trận tứ kết Grand Slam liên tiếp, trong đó có hai chuỗi 13 và 9 lần bán kết liên tiếp, và trong đó có 18 trận chung kết (vô địch 11).
Những con số ấy xứng đáng để đặt ra câu hỏi giống như cách nay ba năm với Nadal (khi chơi ấn tượng trong năm 2013, giành Grand Slam thứ 13 ở US Open), là Djokovic có công phá được kỷ lục vĩ đại 17 Grand Slam của Federer hay không.
Hoặc thêm một câu hỏi khác cũng mang tầm lịch sử, là liệu Djokovic có thể thắng nốt cả Wimbledon và US Open năm nay để vô địch cả bốn Grand Slam trong cùng một năm.
Vậy, dự đoán của bạn dành cho Djokovic là gì? Còn người viết sẽ đưa ra dự đoán cho cả hai câu hỏi trên trong tuần sau.