Mười năm trỗi dậy của Djokovic đã khiến anh trở nên vĩ đại và làm thay đổi thế giới tennis.
Djokovic lần đầu giành ngôi vô địch ở Australian Open 2008 nhưng sự trỗi dậy để thống trị thế giới tennis chỉ bắt đầu từ 2011.
Và để rồi, Djokovic đã giành 16 Grand Slam, 31 Masters 1000 và cho tới hôm nay là 297 tuần đứng trên ngôi vị số 1 thế giới trong quãng thời gian ấy.
Nó thừa đủ để anh vượt lên trên hầu hết những kỷ lục phản ánh sự thống trị của các cá nhân trong lịch sử tennis, hoặc nếu có ai đó đã từng đạt được sự thống trị tương tự thì cũng chỉ có Sampras và Federer.
Nhưng 286 tuần số 1 và 14 danh hiệu Grand Slam của Sampras đã bị Djokovic vượt qua. Cột mốc 310 tuần của Federer có thể sẽ bị xô đổ vào tháng 3/2021.
D
jokovic đã tự tay giành lấy ngôi vị số 1 thế giới cách nay 10 năm chứ không cần tới một biến cố của ai cả. Đánh bại Tsonga ở bán kết và chính số 1 Nadal lúc đó ở chung kết Wimbledon đã giúp tay vợt người Serbia đạt được cả hai giấc mơ: Lần đầu lên ngôi ở Grand Slam danh giá nhất và trở thành tay vợt số 1 thế giới vào ngày 4-7-2011.
Và ngày 21-9 mới đây, Djokovic đã vượt qua cột mốc 286 tuần số 1 của Sampras. Nếu như huyền thoại người Mỹ xây dựng cột mốc đó trong vòng 7 năm thì Djokovic mất 10 năm.
Chậm ư? Không, kỷ nguyên của Sampras không hẳn là đơn cực nhưng thử thách mà các đối thủ mang lại không dữ dội như những gì chúng ta đã chứng kiến từ “BIG 4” (trước khi Murray bị “loại” khỏi nhóm này vì chấn thương).
Nó gần như tương đương với quãng đường mà Federer đã trải qua để đạt tới và bắt đầu vượt lên cột mốc 286 tuần của Sampras.
Federer bắt đầu sự nghiệp của số 1 thế giới từ đầu năm 2004 và có tuần thứ 287 vào tháng 7/2021, lần cuối cùng đứng ở vị trí ấy là tháng 6/2018.
Còn quãng thời gian gần 9 năm của Djokovic thật ra bị ảnh hưởng bởi 22 tuần mà bảng xếp hạng ATP bị đóng băng vì Covid.
S
áu lần kết thúc năm ở vị trí số 1 thế giới đã cho thấy sự thống trị của Djokovic trong vòng 10 năm.
Số tuần đứng ở vị trí đỉnh cao này đã khẳng định như thế. 297 tuần trong tổng số 491 tuần (tính từ tháng 7-2011 tới hôm nay) là của Djokovic, tỷ lệ là 60,4%.
Một Nadal hồi sinh kỳ diệu sau những chấn thương và sự nỗ lực phi thường của Murray chỉ giúp họ lần lượt có được 3 và 1 lần kết thúc năm ở vị trí số 1.
Nếu như ngôi vị số 1 của thế giới tennis nữ, hoặc trong quá khứ của chính tennis nam, đôi khi không đồng nghĩa với việc chinh phục thành công những danh hiệu lớn thì kỷ nguyên của “BIG 4” rồi “BIG 3” là điều bắt buộc.
Chính bởi thế, hoặc ngược lại, Djokovic đã có 16 danh hiệu Grand Slam và 31 Masters 1000 trong quãng thời gian này.
Nó chỉ kém hơn so với 17 Grand Slam đạt được trong vòng 10 năm của Federer (2003-2012), còn với Nadal là 13 năm.
Đỉnh cao của sự thống trị này liệu còn có thể là gì, và liệu còn có ai trong kỷ nguyên hiện đại hơn được Djokovic khi tay vợt sinh năm 1987 trở thành người đầu tiên và duy nhất nắm giữ trong tay cùng lúc cả 4 danh hiệu lớn, Wimbledon và US Open 2015 cùng Australian Open và Roland Garros 2016.
Và Djokovic thống trị ở hệ thống Masters mà thể hiện rõ nhất là việc 31/36 danh hiệu đạt được trong quãng thời gian này đã vượt qua kỷ lục 27/35 danh hiệu đạt được trong giai đoạn 10 năm của Nadal.
Sự thống trị ấy trở nên đáng kể hơn khi Djokovic trở thành người đầu tiên và duy nhất cho tới lúc này lên ngôi ở cả 9 giải Masters 1000, cùng 4 lần chiến thắng ở ATP Finals (chỉ có lần đầu tiên, năm 2008, nằm ngoài thập kỷ thống trị).
K
hi Djokovic thăng hoa trong một thời gian dài, bí quyết của sự bền bỉ ấy nằm ở những liệu pháp về dinh dưỡng và chế độ tập luyện.
Nhưng những bí quyết ấy thật ra cũng chỉ là nền tảng để Djokovic phô diễn sự hoàn thiện hiếm có về kỹ chiến thuật.
Djokovic đạt được sự thừa nhận rộng rãi rằng cú trái hai tay của anh hơn hẳn Nalbadian, cú trả giao bóng của anh vượt qua Agassi, trong khi những cú thuận tay, giao bóng và bộ chân đã được thừa nhận ngay cả cả khi chưa vươn tới đỉnh cao.
Một cách khác và có lẽ thuyết phục nhất để khẳng định sự sự hoàn thiện trong tennis hiện đại chính là việc đánh bại Federer ở Wimbledon, hạ được Nadal tại Roland Garros. Chỉ có một “biểu tượng” Djokovic chưa chinh phục được là vô địch cả Roland Garros và Wimbledon trong cùng một năm.
Chính nhờ sự hoàn thiện này mà Djokovic hầu như không bị ảnh hưởng bởi những điều chỉnh về mặt sân của mỗi giải đấu qua từng giai đoạn, như sự thống trị ở Australian Open, dù cho giải đấu đã trải qua ba loại mặt sân khác nhau trong hơn 1 thập kỷ qua.
Sự hoàn thiện về kỹ chiến thuật này có thể không đồng nghĩa với sự toàn diện mà những người khắt khe đòi hỏi các tay vợt phải có cả từ những ứng xử trên sân, đặc biệt là khi đã cận kề với những thất bại.
Nhưng sự hoàn thiện đảm bảo Djokovic có cơ hội chiến thắng nhất định ở mọi giải đấu anh đi qua, cũng như đang chờ anh ở phía trước.
Nên chẳng nên ngạc nhiên khi Djokovic với 17 Grand Slam vẫn được kỳ vọng sẽ vẫn là người bám đuổi kỷ lục 20 lần chiến thắng của Federer và Nadal.
Liệu có phải chỉ là vấn đề của thời gian?
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |