Djokovic lớn tiếng chỉ trích sếp lớn ATP, muốn kiếm tiền cho sao tennis thứ hạng thấp

(Tin thể thao - Tin tennis) Novak Djokovic là tay vợt có tiếng nói lớn bậc nhất trong làng tennis thời điểm hiện tại. Và tay vợt người Serbia chưa bao giờ ngại phải bày tỏ quan điểm cá nhân.

  

Video Djokovic ăn mừng chức vô địch US Open 2023:

Cuộc phỏng vấn gây tranh cãi của "Nole"

Bên cạnh tài năng xuất chúng, Novak Djokovic cũng là tay vợt gây tranh cãi, luôn phải đón nhận thái độ ghét bỏ từ đám đông. Một trong những lý do, đó là bởi tay vợt người Serbia chưa bao giờ ngại bày tỏ quan điểm của mình về những chủ đề gây tranh cãi.

Djokovic không ngần ngại bày tỏ quan điểm của bản thân một cách trực diện

Djokovic không ngần ngại bày tỏ quan điểm của bản thân một cách trực diện

"Nole" từng nói về quyết định không tiêm vaccine Covid-19, về hậu quả khiến anh bị loại ở một số giải đấu lớn trong khoảng thời gian bùng phát dịch Covid-19. Sau vụ này, mối thiện cảm của giới mộ điệu với Djokovic vốn đã ít (so với Roger Federer và Rafael Nadal), lại càng ít hơn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất với tờ Sport, tay vợt số 1 thế giới hướng sự chỉ trích của mình nhắm vào các quan chức cấp cao của Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp (ATP), gồm chủ tịch Andrea Gaudenzi và giám đốc điều hành Massimo Calvelli.

Novak Djokovic với tư cách là nhà lãnh đạo của Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA), yêu cầu giới quan chức ATP phải để cho các tay vợt có tiếng nói lớn hơn trong các quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Lâu nay, Djokovic luôn nổi bật với vai trò người đấu tranh cho quyền lợi của các tay vợt và không ngại va chạm với giới chóp bu ATP.

Novak Djokovic khẳng định: “Hiện đang có sự độc quyền trong quần vợt, cũng như các môn thể thao lớn khác trên toàn cầu ở cấp độ chuyên nghiệp. Trong khả năng của mình, tôi sẽ nói nhiều hơn về tennis. Trên thực tế, nhiều phương tiện truyền thông đã cố gắng tránh né vấn đề, vì nó không có lợi cho họ".

Chiến thắng quan trọng của Djokovic

Novak Djokovic với vai trò chủ tịch của PTPA, đưa ra một đề xuất quan trọng. Theo đó, họ buộc ATP (cơ quan quản lý quần vợt chuyên nghiệp nam thế giới) phải giải quyết chuyện lương thưởng cho các tay vợt ở trình độ thấp hơn. Và sau cùng, ATP buộc phải chấp thuận.

Djokovic từng thành lập nên Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) vào năm 2021

Djokovic từng thành lập nên Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) vào năm 2021

Vào tháng 8 năm nay, ATP công bố một chương trình hỗ trợ tài chính mang tính thay đổi dành cho các tay vợt thuộc ATP. Dự kiến chương trình này bắt đầu được áp dụng vào năm 2024, thử nghiệm kéo dài 3 năm.

Điểm nhấn của chương trình do ATP công bố, đó là mức thu nhập cơ bản cho các tay vợt tennis, đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho những tay vợt trong top 250 đơn nam.

Trong trường hợp thu nhập từ việc tham dự các giải đấu trong một năm của các tay vợt kết thúc dưới ngưỡng đảm bảo, ATP sẽ phải bù đắp khoản thiếu hụt. Đối với mùa giải 2024, các mức này là 300.000 USD cho top 100 ATP, 150.000 USD với các tay vợt từ hạng 101 đến 175 và 75.000 USD cho các tay vợt từ hạng 176 đến 250.

Sự đảm bảo này sẽ giúp các tay vợt lên kế hoạch cho mùa giải của mình một cách yên tâm, tập trung vào trận đấu và đầu tư vào đội của họ.

Trong tennis, các tay vợt phải tự trang trải chi phí cho huấn luyện viên, cho nhân viên vật lý trị liệu, chi phí đi lại ăn ở trong thời gian tham gia các giải đấu. Do vậy, áp lực tiền bạc rất lớn, bởi nếu không họ buộc phải từ bỏ các điều kiện cơ bản của một tay vợt tennis chuyên nghiệp.

Djokovic chia sẻ: “Tại PTPA, chúng tôi đã cố gắng nói lên tiếng nói của mình, một cách gián tiếp cũng như trực tiếp, để buộc ATP phải xem xét lại một số quyết định. Thực ra, rất khó để chúng tôi gửi những thông điệp trực tiếp, đơn giản vì ATP không cho phép chúng tôi tham gia vào hệ thống, đưa ra ý kiến bàn bạc cũng như điều chỉnh các quyết định. Thế nên thông qua các kênh truyền thông, chúng tôi cần bày tỏ quan điểm của mình".

Tay vợt sở hữu 24 Grand Slam nói thêm: "Thật tốt là đến hiện tại, ATP đã gia tăng thu nhập cho các tay vợt bị chấn thương cũng như vắng mặt ở các giải đấu thuộc ATP Tour. Bây giờ, họ đã được đảm bảo một số tiền nhất định. Đó là chiến thắng bước đầu của PTPA".

Novak Djokovic kết thúc vấn đề: "Lâu nay người ta vẫn hay nói về việc nhà vô địch Grand Slam rồi tay vợt số 1 thế giới, hoặc những tay vợt trong top đầu kiếm được bao nhiêu tiền. Nhưng có một thực tế, đối tượng cần được đề cập là các tay vợt vẫn đang kiếm sống dựa vào tennis. Họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo các điều kiện cơ bản của cuộc sống, đồng thời tiếp tục với niềm đam mê của mình. Họ thực sự cần được giúp đỡ và bảo vệ".

Nguồn: [Link nguồn]

Alcaraz muốn vô địch Basel Open, “chìa khóa“ để đua ngôi số 1 Djokovic

(Tin thể thao, tin tennis) Bỏ lỡ cơ hội tốt ở 2 sự kiện tại châu Á, Alcaraz hướng tới mục tiêu tiếp theo tại Thụy Sỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Long (TH) ([Tên nguồn])
Novak Djokovic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN