Djokovic: Hoàng đế mùa Thu

Cuộc thống trị của Djokovic vào mỗi mùa Thu bắt đầu từ châu Á có vị trí nào trong thế giới tennis?

Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy nhìn lại trận chung kết China Open mà Djokovic đã gọi đó là trận chung kết xuất sắc nhất trong sự nghiệp của anh.

Đối thủ hôm ấy là một Tomas Berdych đã từng giành Masters 1000 (Paris Masters), đã từng vào tới chung kết Grand Slam (Wimbledon), đã và đang ở trong top 10 thế giới liên tiếp bốn năm và cũng đã từng quật ngã Djokovic ở Rome Masters năm ngoái.

Vậy mà Berdych đã giương cao hai tay như thể ăn mừng một danh hiệu vô địch quan trọng sau khi anh giành được một game. Vâng, chính xác là chỉ để ăn mừng đúng một game sau khi anh đã bị dẫn tới 6-0, 5-0.

Djokovic: Hoàng đế mùa Thu - 1

Djokovic đã có trận đấu hay nhất trong sự nghiệp trước Berdych ở chung kết China Open 2014

Tỉ số 6-0, 5-0 ấy buộc tôi phải làm một thao tác tìm kiếm trên internet để thoả mãn trí tò mò là liệu đã có trận chung kết nào kết thúc với tỉ số 6-0, 6-0 ?

Theo wikipedia, chưa từng có trận chung kết đơn nam kết thúc với tỉ số 6-0, 6-0. Lịch sử Grand Slam và Davis Cup, có tám trận đấu kết thúc trọn vẹn mà người thất bại không giành được game nào mà gần nhất là trận Murray thắng Laurent Brom nhưng đó cũng là trận tiêu biểu cho sự chênh lệch thường có ở những vòng đầu của hai hệ thống giải nói trên.

Chỉ có ở giải nữ mới có và không ngờ lại ở một giải Grand Slam, là huyền thoại Steffi Graf thắng Natashe Zvereva (Liên Xô cũ) ở chung kết Roland Garros 1988!

Như vậy là khi Berdych bẻ game của Djokovic để rồi sau đó giành thêm game nữa trước khi Djokovic thắng 6-0, 6-2, tay vợt người CH Séc đã tự cứu mình để không trở thành người đầu tiên trong lịch sử tennis nam để thua trắng trong một trận chung kết.

Nhưng đó cũng vẫn là một tỉ số mà nói theo ngôn ngữ đời thường là kinh hoàng, “ngang ngửa” với trận thua của Federer trước Nadal với tỉ số 6-1, 6-3 và 6-0 ở chung kết Roland Garros 2008.

Berdych sau trận không cảm thấy thất vọng với bản thân, mà thán phục Djokovic, bởi anh chơi không tệ, đã từng đối đầu với nhiều tay vợt vĩ đại ở thời đỉnh cao của họ, nhưng chưa bao giờ đương đầu với một người xuất sắc như thế.

Thực ra, không phải đến chung kết mới thấy Djokovic chơi thứ tennis phi thường. Anh thắng Murray không mấy khó khăn ở bán kết và trước đó, ở trận chung kết, anh khuất phục một Dimitrov cũng rất xuất sắc và nỗ lực tối đa trên nền tảng cực kỳ sung mãn và thực hiện những cú đánh đẳng cấp, nhưng cũng không thể tạo nên bất ngờ (thua trong hai set).

Và cũng chẳng phải đến giải lần này mới thấy Djokovic xuất sắc đến thế ở mùa Thu châu Á mà anh thường bắt đầu giai đoạn cuối của mùa giải này bằng việc tham dự và vô địch China Open.

Đã là lần thứ năm Djokovic vô địch ở giải đấu này, và ở giải năm ngoái, anh thắng Nadal trong trận chung kết diễn ra chỉ một tháng sau khi Nadal đã thắng Djokovic ở chung kết US Open.

Chiến thắng ở China Open thường mở đầu một chuỗi chiến thắng tiếp theo kéo dài  tới hết mùa cho Djokovic.

Năm ngoái, anh vô địch Thượng Hải Masters, Paris Masters và ATP World Tour Finals.

Năm 2012, Djokovic vô địch Thượng Hải Masters và ATP World Tour Finals trong khi thất bại ở Paris Masters được nhìn nhận ở việc thiếu động lực.

Năm 2011, Djokovic không tham dự China Open và anh cũng thua một loạt các giải cuối năm bởi anh lúc đó vẫn đang say sưa với những chiến thắng vang dội, vô địch ba Grand Slam trong năm. 

Năm 2010, Djokovic vô địch China Open nhưng rồi sau đó thất bại ở tất cả các giải tiếp theo và chỉ toả sáng ở Davis Cup, dẫn dắt Serbia lần đầu vô địch. Nhưng đó lại là tiền đề để anh làm nên năm 2011 vĩ đại như nói ở trên.

Năm 2009, Djokovic vô địch ở Bắc Kinh rồi sau đó thắng ở Swiss Open và Paris Masters.

Như vậy, dù không tuyệt đối, nhưng đúng là trong hai năm qua, Djokovic đã thống trị các giải đấu diễn ra vào mùa Thu (anh còn vô địch Masters Cup năm 2008 khi giải đấu vẫn còn tổ chức ở Thượng Hải).

Vị trí nào trong lịch sử?

Ivan Lendl lên ngôi liên tiếp ở US Open trong ba năm, 1985-1987. Và trong quãng thời gian này, ông còn vô địch Roland Garros năm 86 và 87 sau khi đã lần đầu vô địch ở đó năm 84.

John McEnroe vô địch US Open năm 1979, 80 và 81 rồi thêm một lần nữa năm 1984.

Nhưng nếu cho rằng dù là ở đẳng cấp Grand Slam thì ba năm vẫn là ngắn, chúng ta cũng có thể thấy có những sự thống trị thực sự như sau:

Pete Sampras vô địch Wimbledon tới bảy lần trong tám năm (1993-2000, chỉ khuyết năm 1996).

Federer thì có chuỗi vô địch năm năm liên tục ở US Open (2004-2008) và Wimbledon (2003-2007). Đây chính là thành tích giúp cho Federer được ca tụng như là người vĩ đại nhất trong lịch sử tennis qua mọi thời đại, bởi sự danh giá và kỳ vĩ của giải đấu, chứ không chỉ đơn thuần là kỷ lục 17 danh hiệu Grand Slam – một cột mốc có thể bị đuổi kịp bởi Nadal.

Và bản thân Nadal cũng được nhớ đến với sự thống trị ở mùa giải đất nện hàng năm với thành tích vô địch Roland Garros chín lần trong mười năm (có năm lần liên tiếp), tám lần vô địch liên tiếp ở Monte Carlo, và năm lần liên tiếp vô địch Barcelona Open.

So sánh ở đây có thể là khập khiễng, nhưng chỉ có những ngôi sao hàng đầu mới có thể tạo nên sự thống trị ở một giải đấu hay trong một chuỗi các giải đấu nào đó, dù cho tính thời điểm ở đây còn bao gồm cả việc có một vài đối thủ không quá dồn sức, hoặc các mặt sân mang tính sở trường.

Nếu Djokovic chưa thể có một vị trí trong lịch sử tennis nói chung thì với riêng China Open, anh thực sự là Hoàng đế.

Djokovic: Hoàng đế mùa Thu - 2

Federer có thể sẽ là thách thức với Djokovic ở những giải đấu cuối năm

Chờ thách thức từ Federer

Khi từ Bắc Kinh sang Thượng Hải, Djokovic nói rằng anh không trông đợi mình có thể chơi tốt phần còn lại của mùa giải hơn năm ngoái.

Đúng, bản thân anh hay bất cứ tay vợt nào sao có thể chơi tốt hơn khi Djokovic đã vô địch tất cả các giải anh tham dự.

Và cuộc đối thoại mang tính chơi chữ với các phóng viên chỉ kết thúc khi Djokovic hy vọng rằng anh có thể tái lập được thành tích ấy.

Đó là một điều không hề dễ dàng, nhưng thực sự là hoàn toàn trong quyền quyết định của Djokovic.

Nadal ở thời điểm này chưa chắc đã có thể đi tới các trận đấu cuối cùng ở các giải đấu để gặp Djokovic.

Murray dưới bàn tay nhào nặn của HLV Mauresmo không thể tìm lại phong độ như thời còn HLV Lendl – giai đoạn anh từng hai lần đánh bại Djokovic ở các trận chung kết Grand Slam.

Nhà đương kim vô địch US Open Marin Cilic vẫn đang ngủ say với chiến thắng và vừa bị loại ngay từ vòng 1 Thượng Hải Masters.

Người từng đánh bại Djokovic là Wawrinka không còn đáng ngại như giai đoạn đầu mùa – vô địch Australian Open và Monte Carlo.

Key Nishikori có vẻ vẫn giữ được phong độ như khi vào tới chung kết US Open qua việc đánh bại Djokovic ở bán kết, nhưng ai sẽ dám đặt cửa vào tay vợt người Nhật Bản nếu tỉ lệ là một ăn một?

Chỉ có Federer chưa lộ diện sau US Open trong khi chúng ta vẫn chưa quên rằng Federer thường khá sung sức, ưa thích các mặt sân nhanh hoặc ở trong  và có khát vọng ở Thượng Hải Masters và ATP World Tour Finals.

Nhưng số 1 thế giới vẫn đang là Djokovic và nếu có một bảng xếp hạng riêng cho giai đoạn mùa Thu thì cũng không ai có thể vượt qua được Djokovic cả.

Liệu có quá không khi dự báo rằng Djokovic có thể bỏ túi bao nhiêu cúp nữa tuỳ ở khát vọng của anh? 

Video Djokovic hủy diệt Berdych ở chung kết China Open 2014:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN