Điền kinh VN tại ASIAD 17 : Không có Hương thì đã có Lan
Niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam – Vũ Thị Hương đã không thể tỏa sáng để mang về huy chương ở cự ly 100m nữ, tuy nhiên với sự tỏa sáng của Quách Thị Lan đã gây bất ngờ khi mang về cho điền kinh Việt Nam chiếc HCB đầu tiên tại ASIAD 17.
Với thành tích 11”69 ở vòng loại, Vũ Thị Hương xếp thứ 6 trên tổng số 8 VĐV vào chung kết. Đây là kết quả không thật sự tốt của nữ hoàng điền kinh Việt Nam do bị bỏ lại khá xa so với những đối thủ đứng đầu như Olga Safronova (11”44) hay Chisato Fukushima (11”49). Bên cạnh đó, thông số này kém khá xa kết quả 11”43 từng giúp cô đoạt HCĐ tại ASIAD 2010.
Tuy nhiên, sau 4 năm với quá nhiều những thăng trầm, lại thường xuyên bị chấn thương, đã ảnh hưởng nhiều đến phong độ của Vũ Thị Hương. Dù gặp chấn thương trước ngày thi đấu, cô gái người Thái Nguyên quyết tâm có tấm HCV ở ASIAD cuối cùng trong sự nghiệp đỉnh cao của mình.
Nhưng nếu muốn tranh chấp huy chương, ở đường chạy chung kết 100m Hương phải rút ngắn thành tích xuống còn khoảng 11”40. Điều này quả thực rất khó khăn ở thời điểm này cho chân chạy cự ly ngắn số 1 Việt Nam. Trong quá khứ, Vũ Thị Hương từng đạt thành tích tốt nhất của mình là 11”33 nên nhiều người vẫn thầm hy vọng kỳ tích sẽ xuất hiện.
Vũ Thị Hương trắng tay ở nội dung 100m
Cơ hội để Hương cải thiện thành tích và chạm tay đến huy chương không phải là nhỏ, nhưng “Nữ hoàng tốc độ” cần khắc phục được điểm yếu ở khâu xuất phát của mình. Nữ hoàng của điền kinh Việt Nam xuất phát ở đường chạy số 8 trong đợt chạy chung kết 100m.
Vẫn là điểm yếu lỗi xuất phát kém, Vũ Thị Hương đã không thể làm nên bất ngờ, cô chỉ xếp thứ 5/8 VĐV với thành tích 11”68. Người giành HCV ở nội dung 100 nữ là VĐV đến từ Trung Quốc – Wei Yongli với thành tích 11”48.
Trong khi đó, Quách Thị Lan lại có những bước chạy xuất thần ở nội dung 400 m. Cô giành quyền vào chung kết sau nhưng bước chạy đầy nỗ lực ở vòng loại. Dù xuất phát chậm, tuy nhiên Quách Thị Lan ở 200 m cuối đã vượt qua cả những đối thủ rất mạnh, bám sát VĐV Ấn Độ Machettira để về đích thứ nhì với thành tích 52”57. Ở nội dung này, VĐV Nguyễn Thị Huyền cũng vượt qua vòng loại với thành tích 53’’19.
Quách Thị Lan (ảnh) về nhì với thành tích 52 giây 06
Ở lượt chạy chung kết, Lan được xếp ở làn chạy thứ 7 trong khi đó người đồng đội Nguyễn Thị Huyền xuất phát ở đường chạy số 7. Đối thủ chính của các cô gái Việt Nam chính là Adekoya Oluwakemi Mujidat của Bahrain và Machettira Poovamma Raju (Ấn Độ).
Trong đó, Adekoya Oluwakemi Mujidat chính là người đã thiết lập kỷ lục mới ở ASIAD 17 nội dung 400m nữ với thông số 51”11. Còn Machettira Poovamma Raju chính là người thắng Quách Thị Lan ở vòng loại 400m hôm 27/9 với thành tích 52”17.
Ngay sau hiệu lệnh xuất phát, Quách Thị Lan tiếp tục xuất phát không thực sự tốt và để lụt lại phía sau ở 50m đầu. Nhưng sau đó, cô có màn bám đuổi mạnh mẽ để lần lượt qua mặt nhiều đối thủ trong đó có Machettira Poovamma Raju.
Ở 100m cuối, cuộc đua cho chiếc HCV chỉ còn Quách Thị Lan và Adekoya Oluwakemi Mujidat. Tuy nhiên, với khoảng cách quá xa VĐV người Bahrain đã không cho Quách Thị Lan cơ hội vượt qua mình để rồi về đích đầu tiên với thành tích 51”59 qua đó giành HCV 400m nữ.
Về đích thứ 2 với thành tích 52”06, Quách Thị Lan giành HCB cho đoàn thể thao Việt Nam. Đây là chiếc huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam ở môn điền kinh tại ASIAD 17 này. Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền chỉ xếp thứ 7 với thời gian 53”79.
Vũ Thị Hương thất vọng khi đón nhận kết quả trên vạch đích. Ảnh: Hữu Qúy
Trong quá khứ, năm 2012, cô gái xứ Mường Quách Thị Lan gây chấn động làng thể thao với những thành tích xuất sắc tại giải trẻ Đông Nam Á, và đặc biệt là giải vô địch quốc gia khi đoạt 2 HCV 400 m (57”25) và 400 m rào(53”36), thông số vượt HCV SEA Games, ngang nhóm huy chương châu lục.
Sau kỳ SEA Games 27 thất bại từ những chuyến tập huấn “vô vị” mà bộ môn điền kinh Việt Nam đã định hướng tưởng chừng tài năng này khó trở lại chính mình. Tuy vậy, sau khi dư luận lên tiếng thì nữ VĐV này cùng nhóm cự ly 400m được tập huấn tại Mỹ dù chuyến tập huấn này đem lại không ít điều tiếng do cách làm thiếu khoa học của bộ môn điền kinh.
Thực sự, với những thông số đạt được tại ASIAD này, Quách Thị Lan đã có tiến bộ trông thấy. Cô gái Thanh Hóa này đã rút ngắn thành tích của mình xuống 1”30 là điều rất đáng khen cho một VĐV trẻ gặp nhiều trắc trở từ các chuyến tập huấn.
Vượt qua áp lực ở đấu trường châu lục, Lan rồi sẽ trở thành niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam ở các đấu trường sau này khi cô còn khá trẻ khi mới 18 tuổi.