Điền kinh VN muốn vượt mốc 9 HCV

Điền kinh Việt Nam luôn được cho là “mỏ vàng” của Thể thao Việt Nam tại mỗi kỳ SEA Games. Ở Indonesia 2 năm trước, điền kinh Việt Nam đã tạo nên "cơn mưa HCV" với 9 ngôi vô địch. Để có cái nhìn chi tiết hơn về quá trình chuẩn bị của bộ môn này cho cuộc đua được dự báo quyết liệt ở SEA Games 27 sắp tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Phó Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam.

* Quá trình chuẩn bị của Điền kinh Việt Nam cho SEA Games 27 hiện đang diễn ra như thế nào rồi, thưa ông?

Hiện tại toàn bộ quân số của điền kinh đã và đang tập luyện cũng như tập huấn theo kế hoạch đề ra từ đầu năm. Mặt khác sau khi kết thúc giải vô địch quốc gia vào tháng 9 vừa qua, bộ môn điền kinh đã tuyển chọn và đề xuất được 40 VĐV sẽ lên đường tham dự SEA Games 27 tới đây.

Theo kế hoạch như vậy, chúng tôi đã phân bổ các nhóm tập huấn cả trong và ngoài nước. Cụ thể, 2 VĐV Quách Thị Lan và Quách Công Lịch tổ 400m rào đang tập huấn cùng với Trưởng bộ môn Điền kinh Dương Đức Thủy tại Malaysia. Bên cạnh đó, tổ đi bộ (3 VĐV) và cự ly dài (6 VĐV) đang tập huấn tại Côn Minh (Trung Quốc). Đặc biệt, các tổ tập huấn tại nước ngoài lần này đều được huấn luyện và quản lý bởi các chuyên gia nội.

* Chuyện 2 VĐV chạy rào, trong đó có "niềm hy vọng vàng" Quách Thị Lan, phải thay đổi kế hoạch tập huấn dự kiến ban đầu là 6 tháng tại Bulgaria và chuyển sang Malaysia đã khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển điền kinh? Ông có thể cho biết thêm về việc này?

Đây là điều không nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Trước đó, điền kinh hy vọng sẽ để 2 VĐV Quách Thị Lan và Quách Công Lịch tập huấn tại Bulgaria trong 6 tháng, tuy nhiên do phía bạn đã không tiếp tục gia hạn visa nên mọi thứ đã phải thay đổi và chuyển qua Malaysia.

* Theo tiết lộ của ông, để chuẩn bị cho SEA Games 27, điền kinh Việt Nam sẽ tập luyện và tập huấn trong điều kiện không có chuyên gia nước ngoài. Vậy điều này có ảnh hưởng gì tới thành tích và chuyên môn của các VĐV?

Cho tới lúc này, tôi xin khẳng định, không có gì ảnh hưởng tới chuyên môn của toàn đội. Còn thành tích, chúng ta phải đợi sau khi SEA Games 27 kết thúc. Tuy nhiên, các HLV và chuyên gia Việt Nam đều là những người có năng lực và đã đạt tới tầm châu Á, gặt hái nhiều huy chương vàng, bạc, đồng ở châu lục.

* Sau thành công ở các kỳ SEA Games trước, điền kinh Việt Nam sẽ đặt chỉ tiêu như thế nào trên đất Myanmar?

SEA Games 26 tại Indonesia chúng tôi đạt 9 HCV, 9 HCB và 14 HCĐ. Hướng tới SEA Games 27, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ đặt chỉ tiêu vượt qua số huy chương ở kỳ trước.

* Để vượt được mục tiêu giành 9 HCV, ông có thể chia sẻ điền kinh Việt Nam sẽ kỳ vọng vào những gương mặt nào?

Chắc chắn trước khi đưa ra chỉ tiêu cụ thể, chúng tôi đã bàn bạc và đánh giá tới từng chi tiết, những nội dung và VĐV nào có khả năng đặt huy chương. Ở đây tôi có thể kể ra như sau: với VĐV nữ có Vũ Thị Hương (nội dung 100m), Nguyễn Thị Oanh (400m), Quách Thị Lan (400m rào), Đỗ Thị Thảo (chạy 800m và 1.500m), Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Phạm Thị Diễm (nhảy cao).

Ở các nội dung của VĐV nam, Đào Xuân Cường (400m rào), Dương Văn Thái (800m rào), Nguyễn Thành Ngưng (nội dung đi bộ), Nguyễn Văn Huệ (10 môn phối hợp)… là những gương mặt được điền kinh Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng tại SEA Games 27 tới đây.  

* Còn gần 2 tháng nữa SEA Games 27 sẽ chính thức diễn ra, theo ông hiện tại điền kinh Việt Nam có gặp trở ngại và khó khăn như thế nào?

Nhìn chung, chúng tôi không gặp với khó khăn nào lớn. Chỉ có những vấn đề phát sinh, như việc đi tập huấn tại Bulgaria khi mới được 1/2 thời gian thì phải quay sang tập huấn tại Malaysia. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình tập luyện và thi đấu của VĐV.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Minh thực hiện ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN