Điền kinh Việt Nam là "ông lớn" ở SEA Games, xếp sau Philippines - Singapore ở giải châu Á
(Tin thể thao) Điền kinh Đông Nam Á đã để lại nhiều dấu ấn tại giải vô địch châu Á 2023 vừa qua, trong đó “nữ hoàng” Pereira Shanti Veronica gây ấn tượng mạnh với cú đúp HCV.
* Điền kinh Việt Nam xếp sau Philippines, Singapore và Thái Lan ở giải châu Á 2023
Giải điền kinh vô địch châu Á 2023 vừa kết thúc tại Thái Lan cuối tuần qua quy tụ 42 quốc gia tranh tài. Giải đấu cho thấy sự thống trị của điền kinh Nhật Bản khi đội tuyển quốc gia này giành đến 16 HCV, gấp đôi so với đội đứng thứ nhì là Trung Quốc để độc chiếm ngôi đầu bảng tổng sắp.
Shanti Veronica (Singapore) lập cú đúp HCV ở 2 nội dung "hot" nhất của bộ môn điền kinh, đánh bại nhiều ứng viên nặng của Ấn Độ, Trung Quốc hay Iran
Mặc dù không giành được quá nhiều huy chương nhưng điền kinh Đông Nam Á cũng để lại ấn tượng mạnh tại giải đấu này khi có được những tấm HCV ở những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến cái tên Pereira Shanti Veronica khi “nữ hoàng điền kinh” người Singapore đã giúp quốc gia mình có được 2 tấm HCV quý giá.
Cụ thể ở đường chạy 100m nữ, nội dung được xem là “hot” nhất ở bộ môn điền kinh, Shanti Veronica đã xuất sắc giành HCV với thời gian 11 giây 20, đánh bại hai ứng viên nặng ký là kỷ lục gia Farzaneh Fasihi (Iran, 11 giây 39) và Ge Manqi (Trung Quốc, 11 giây 40).
Tiếp đến ở ngày thi đấu cuối cùng của giải, chân chạy 27 tuổi tiếp tục tỏa sáng rực rỡ ở nội dung 200m nữ với thời gian 22 giây 70, đánh bại các đối thủ hàng đầu châu lục như Jyothi Yarraji (Ấn Độ, 23 giây 13), Li Yuting (Trung Quốc, 23 gây 25), hay chân chạy nhập tịch người Philippines gốc Mỹ Kristina Marie Knott (23 giây 39) để giành HCV.
Điền kinh Việt Nam xếp trên 29 quốc gia tại giải đấu châu lục năm nay
Shanti Pereira là nữ VĐV đầu tiên của Đông Nam Á có thể chạy 200m dưới 23 giây trong lịch sử. Bên cạnh đó, cô được xem là “dị nhân” của làng điền kinh Đông Nam Á khi hiếm có VĐV nào càng lớn tuổi nhưng thành tích lại càng ngày một tốt lên một cách vượt bậc như chân chạy người Singapore.
Với 2 HCV của Shanti Pereira, điền kinh Singapore tự hào đứng ở vị trí thứ 6, cùng thứ hạng với Philippines trên bảng tổng sắp huy chương của giải vô địch châu Á năm nay.
Trong khi đó với 1 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ, điền kinh Thái Lan xếp ở vị trí thứ 10. Thành tích này có dấu ấn đậm nét của chân chạy Puripol Boonson khi “thần đồng” 17 tuổi đã góp phần quan trọng để cùng 3 cái tên còn lại là Natawat Iamudom, Soraoat Dapbang, Chayut Khongprasit cán đích đầu tiên với thời gian 38 giây 55 ở nội dung 4x100m tiếp sức nam, đánh bại đối thủ rất mạnh là Trung Quốc (38 giây 87) và Hàn Quốc (38 giây 89).
4 cô gái vàng mang về tấm HCV quý giá cho điền kinh Việt Nam
Có được 1 HCĐ của Nguyễn Thị Hường nội dung nhảy xa ba bước và đặc biệt là tấm HCV cực kỳ quý giá ở nội dung 4x400m tiếp sức nữ của 4 cô gái Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc, điền kinh Việt Nam vượt qua 29 quốc gia khác để đứng ở vị trí thứ 13 trên tổng số 42 nước tham gia giải.
Xét về thứ hạng riêng của điền kinh các nước Đông Nam Á tại giải điền kinh vô địch châu Á 2023, đoàn Việt Nam đứng thứ 4 (sau Philippines, Singapore và Thái Lan).
* "Giành huy chương châu lục khó gấp 10 lần tại SEA Games"
Ở các kỳ SEA Games, điền kinh Việt Nam hầu như luôn nằm trong top đầu khu vực. Cụ thể ở SEA Games 30 tại Philippines, điền kinh Việt Nam giành 16 HCV và đứng số 1 Đông Nam Á, bỏ xa Thái Lan với 12 HCV. Đến SEA Games 31 trên sân nhà, điền kinh Việt Nam tiếp tục đứng đầu BXH với 22 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai là Thái Lan (12 HCV).
Nguyễn Thị Oanh chưa đạt thông số như kỳ vọng tại giải châu Á
Tại SEA Games 32 vừa qua ở Campuchia, điền kinh VN giành 12 HCV, trong đó riêng VĐV Nguyễn Thị Oanh góp đến 4 HCV cá nhân, đứng thứ 2 sau Thái Lan (16 HCV).
Tuy nhiên ở đấu trường châu lục, điền kinh Việt Nam chỉ mới có được 9 HCV. Cụ thể,Bùi Thị Nhung giành HCV nhảy cao năm 2003, Trương Thanh Hằng giành HCV 800m nữ ở giải vô địch châu Á 2007 và 2011. Đến năm 2017, 3 VĐV Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Nguyễn Thị Huyền (400m rào), Quách Thị Lan (400m nữ) mang về 3 HCV cho điền kinh nước nhà.
Năm 2017, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh và Hoàng Thị Ngọc về nhất nội dung tiếp sức 4 x400m nữ. Quách Thị Lan tiếp tục là cái tên mang về tấm HCV nội dung 400m rào tại giải vô địch châu Á 2019. Mới đây nhất, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc mang về tấm HCV quý giá ở nội dung tiếp sức 4 x400m nữ tại giải vô địch châu Á 2023.
Nguyễn Thị Hường gây bất ngờ lớn cho giới chuyên môn với tấm HCĐ châu lục
Lý giải về việc điền kinh Việt Nam thường lập “mưa vàng” tại SEA Games nhưng khó khăn trong việc có được tấm HCV châu lục, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam, chia sẻ: “Mức độ cạnh tranh tại giải châu Á khốc liệt hơn rất nhiều so với SEA Games”.
“Ở SEA Games chỉ có 11 nước tranh tài trong khi con số này ở châu lục là hơn 40 quốc gia, trong đó có những cường quốc rất mạnh như Ấn Độ, Nhật Bản hay Trung Quốc, thậm chí nhiều nước còn nhập tịch VĐV gốc châu Phi về thi đấu. Chính vì vậy việc giành huy chương ở giải châu Á khó gấp 10 lần so với SEA Games. Tôi đánh giá việc điền kinh Việt Nam duy trì việc có huy chương châu lục, đặc biệt là HCV sau qua các kỳ đại hội đã là một thành công lớn”, ông Hùng chia sẻ.
Nhận xét về màn thể hiện của tuyển điền kinh Việt Nam tại giải vô địch châu Á năm nay, ông Hùng nói: “Việc tuyển điền kinh Việt Nam có HCV ở nội dung 4x400m tiếp sức nữ là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, chỉ số này chưa đạt được yêu cầu của ban huấn luyện đề ra và cần cố gắng hơn cho ASIAD sắp tới”.
“Một số nội dung thi đấu chưa đáp ứng kỳ vọng như 400m rào của Nguyễn Thị Huyền, nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo, hay 2 nội dung của Nguyễn Thị Oanh. Dù vậy, chúng ta có những tín hiệu vui khi các VĐV trẻ thi đấu rất nổi bật, có thông số vượt mức mong đợi, đặc biệt là Nguyễn Thị Nhi Yến ở chạy 100m nữ và Nguyễn Thị Hường giành HCĐ ở nhảy xa ba bước”, ông Hùng nhận xét.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao) 4 cô gái của điền kinh Việt Nam vừa gây chấn động khi vượt qua các nước rất mạnh như Nhật Bản, Sri Lanka hay Ấn Độ để giành tấm HCV nội dung 4x400m tiếp sức...