Điền kinh lại đi đường vòng đến Olympic

(Tin thể thao, tin điền kinh) Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, giải điền kinh các nội dung tiếp sức thế giới diễn ra tại Ba Lan mà không có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam. Như thế, điền kinh Việt Nam đã không còn cơ hội đến Olympic Tokyo 2020 bằng suất trực tiếp và hầu như sẽ phải đến Olympic tới bằng suất đặc cách cho những quốc gia không giành vé trực tiếp như cách đây hơn chục năm.

Không thể vượt qua thách thức COVID-19 

Thực tế, từ sau SEA Games 30 năm 2019, điền kinh Việt Nam đã tính toán kỹ lưỡng và có bước đi cụ thể trong việc giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Lúc ấy, nội dung 4x400m hỗn hợp (mỗi đội gồm 2 VĐV nam, 2 VĐV nữ) đã được xác định là cơ hội duy nhất để tranh vé trực tiếp tham dự Olympic tại Tokyo. 

Nhóm VĐV nội dung 4x400m hỗn hợp không có cơ hội cải thiện thứ hạng thế giới vì ảnh hưởng của dịch COVID-19

Nhóm VĐV nội dung 4x400m hỗn hợp không có cơ hội cải thiện thứ hạng thế giới vì ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thành tích của đội tại SEA Games 30 là với 3 phút 19 giây 50, đưa đội lên hạng 17 thế giới trong khi nếu xếp hạng 16 thế giới là sẽ giành vé dự Olympic Tokyo. Điều này trong tầm tay khi đội đang xếp hạng 16 thế giới lúc đó là Nhật Bản có thành tích chỉ hơn 1 giây so với đội Việt Nam. Dàn VĐV của đội hỗn hợp 4x400m Việt Nam lúc ấy đang đạt phong độ cao nên hoàn toàn có thể cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới nội dung này.

Trong khi đó, ở những nội dung khác mà các VĐV Việt Nam đang làm mưa làm gió ở đấu trường Đông Nam Á thì chuẩn để tham dự Olympic Tokyo 2020 lại xa tầm tay các VĐV Việt Nam.

Như ở nội dung 400m, thành tích tốt nhất (52 giây 80) trong năm 2019 của Nguyễn Thị Huyền (từng giành vé trực tiếp dự Olympic năm 2016 nội dung 400m, 400m rào) vẫn còn kém chuẩn A dự Olympic 2020 tới gần 2 giây.

Còn thành tích 400m rào (56 giây 90) của Nguyễn Thị Huyền cũng kém xa chuẩn A dự Olympic 2020 là 55 giây 40. Trong khi đó, thành tích nội dung 400m rào của Quách Thị Lan dù là 56 giây 10 nhưng vẫn kém chuẩn A Olympic Tokyo 2020 tới 0,70 giây. Mà ở nội dung 400m hay 400m rào, để nâng thành tích lên 10% giây cũng là vấn đề lớn.

Nhưng rồi từ đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nhiều giải đấu tính chuẩn hoặc tích điểm xếp hạng thế giới để xét vé dự Olympic Tokyo 2020 bị hoãn hoặc hủy.

Đến gần cuối năm 2020, Liên đoàn điền kinh thế giới đã phải điều chỉnh mốc thời gian các giải đấu tính chuẩn dự Olympic Tokyo tới trong đó chỉ tính thành tích các giải đấu từ 1/12/2020 đến 29/6/2021.

Tất nhiên, sự điều chỉnh này không ảnh hưởng đến VĐV Việt Nam vì cho đến thời điểm đầu tháng 12/2020, chưa VĐV Việt Nam nào giành được vé dự Olympic 2020.

Trong khi đó, điền kinh Việt Nam vẫn chuyên tâm đầu tư cho nhóm 4x400m hỗn hợp để đội có thể cải thiện thành tích ở giải đấu quốc tế duy nhất trong khoảng 1/12/2020 đến 29/6/2021 là giải các nội dung tiếp sức thế giới tại Ba Lan (từ ngày 1 đến 2/5).

Thực tế, giới chuyên môn cũng không quá lạc quan tếu đến mức tin rằng đội tuyển Việt Nam cứ tham gia thi đấu là sẽ cải thiện được thứ hạng. 

Như phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy nhận định thì: “Câu chuyện sẽ không phải là chỉ có đội Việt Nam có thể cải thiện thành tích tại giải đấu này.

Có nhiều đội khác, kể cả Nhật Bản xếp trên một bậc và các đội khác xếp sau từ một đến cả chục bậc, cũng có thể cải thiện thành tích để vượt qua đội Việt Nam, khiến đội không thể vào nhóm 16 đội hàng đầu thế giới. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng đầu tư đến mức tốt nhất cho đội để có thể hy vọng vào nhóm 16 đội giành vé dự Olympic Tokyo 2020”.

Tuy nhiên, những khó khăn khách quan xuất phát từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến điền kinh Việt Nam gặp khó. Việc di chuyển đi – về giữa Việt Nam với Ba Lan thực sự là bài toán khó với điền kinh Việt Nam, trong đó khó nhất là tìm chuyến bay từ Ba Lan về Việt Nam.

Thực tế, có thể đội sẽ chờ thêm vài ngày sau giải để chờ chuyến bay giải cứu công dân như đội bắn súng đã từng thực hiện hồi tháng 3 (bay về từ Ấn Độ) hay như đội tuyển cử tạ từng thực hiện hồi tháng 4 (bay về từ Uzbekistan).

Tuy vậy, việc không có chuyến bay thương mại cũng như chuyến bay giải cứu công dân từ Ba Lan về Việt Nam đã khiến điền kinh Việt Nam cũng như bộ phận có trách nhiệm của Tổng cục TDTT không thể giải được bài toán di chuyển chặng về cho đội tuyển khi giải kết thúc vào ngày 2/5.

Cũng vì vậy, khi giải đấu được tổ chức thì điền kinh Việt Nam đã phải đứng ngoài cuộc chơi dù lý do không tham dự thực sự bất khả kháng. Việc này đương nhiên khiến đội 4x400m hỗn hợp Việt Nam không thể chen chân vào nhóm 16 đội hàng đầu thế giới để giành vé trực tiếp dự Olympic Tokyo 2020.

Cần tiêu chí để chọn người nhận vé đặc cách

Khi đội 4x400m hỗn hợp hết hy vọng dự Olympic Tokyo 2020 cũng là lúc điền kinh Việt Nam phải chấp nhận không thể có lần thứ ba liên tiếp tham dự Olympic bằng suất trực tiếp.

Hai kỳ Olympic gần đây, điền kinh Việt Nam đều có vận động viên tham dự bằng suất trực tiếp trong đó ở Olympic năm 2012 là trường hợp của Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ), Dương Thị Việt Anh (nhảy xa), còn ở Olympic 2016 là trường hợp của Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào).

Còn lần gần nhất điền kinh Việt Nam dự Olympic bằng suất đặc cách là vào năm 2008. Năm đó, Vũ Thị Hương (nội dung 100m) và Nguyễn Đình Cương (nội dung 800m) đại diện cho điền kinh Việt Nam dự Olympic tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Như chia sẻ của Phụ trách môn điền kinh (Tổng cục Thể dục Thể thao) Dương Đức Thủy thì lúc này điền kinh Việt Nam chỉ còn trông đợi tấm vé đặc cách tham dự Olympic tới. Theo thông lệ, mỗi quốc gia, vùng, lãnh thổ không giành vé trực tiếp sẽ được cử 1 nam, 1 nữ tham dự môn điền kinh ở Olympic theo diện đặc cách.

Cho nên bài toán hiện tại với các nhà quản lý, chuyên môn sẽ là chọn vận động viên nào để tham dự Olympic Tokyo tới theo diện đặc cách từ Ủy ban Olympic quốc tế. Ông Dương Đức Thủy cho hay, cần phải cân nhắc kỹ tiêu chí chọn lựa VĐV xứng đáng tham dự.

Theo đó, không hẳn vận động viên có thành tích tốt nhất hiện tại đã được tham dự theo suất này. Bởi xét cho cùng, vận động viên có thành tích tốt nhất ở nội dung cụ thể nào đó của điền kinh Việt Nam trong thời điểm này cũng khó làm nên chuyện ở đấu trường Olympic.

Có thể đó là vận động viên trẻ, có tiềm năng phát triển trong tương lai và đặc biệt là luôn phải thể hiện khát vọng vươn lên. Không kể, họ còn có cơ hội trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, rèn bản lĩnh để vững vàng hơn ở những sân chơi như SEA Games hay ASIAD –vốn vừa sức hơn với điền kinh Việt Nam.

Chia sẻ của ông Dương Đức Thủy cũng nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn khi đều thống nhất, quan trọng là người nhận vé phải bộc lộ rõ khát vọng, ý chí, góp phần mang lại hình ảnh đẹp cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic.

Có lẽ, đó cũng là tiêu chí phù hợp trong lúc này với điền kinh Việt Nam nhất là khi chưa có những VĐV có thể ganh đua tấm huy chương ở đấu trường lớn nhất của thể thao thế giới này.

Hành trình tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 của điền kinh Việt Nam đã khép lại không như kỳ vọng và có chút thiếu may mắn.

Dù vậy, việc không giành vé trực tiếp cũng không phải quá bất ngờ bởi kể cả khi được tham gia thi đấu thì khả năng giành vé trực tiếp của điền kinh Việt Nam mà cụ thể là đội 4x400m hỗn hợp cũng chỉ là 50-50.

Cho nên, bên cạnh việc chọn lựa kỹ lưỡng người được nhận vé đặc cách dự Olympic Tokyo 2020 thì ngay từ lúc này, điền kinh Việt Nam cần tập trung vào những mục tiêu vừa sức hơn trong đó có bảo vệ ngôi đầu ở SEA Games 31 tại Việt Nam…

Nguồn: [Link nguồn]

Điền kinh Việt Nam lỡ cơ hội tranh suất dự Olympic Tokyo

Lên kế hoạch hơn một năm để chuẩn bị tham dự Giải Điền kinh các nội dung tiếp sức thế giới tại Ba Lan nhưng tổ chạy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Đoàn Olympic Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN