Đi tìm thêm vé Olympic 2024

Ít ngày tới, đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ bước vào tranh tài tại Giải vô địch bắn súng châu Á năm 2023, cũng là nơi xét vé dự Olympic 2024. Sau tấm vé đầu tiên dự Olympic 2024 của xạ thủ Công an nhân dân Trịnh Thu Vinh, tấm HCV tại ASIAD 18 của xạ thủ Phạm Quang Huy, đội tuyển bắn súng đang kỳ vọng tìm thêm tấm vé dự Olympic 2024. Tất nhiên, mọi chuyện sẽ không dễ dàng…

Nhọc nhằn săn vé

Cho đến lúc này, khi còn chưa đầy 1 năm là đến ngày khai mạc Olympic 2024 (ngày 26-7-2024), đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng chỉ mới giành 1 vé trực tiếp tham dự bởi xạ thủ Trịnh Thu Vinh (nội dung 10m súng ngắn hơi nữ).

Đó cũng là điều khá bất ngờ khi các xạ thủ nam từng được kỳ vọng sẽ sớm giành vé dự Olympic 2024. Dù vậy, thành tích xuất sắc của Trịnh Thu Vinh ở Giải vô địch thế giới cách đây 2 tháng đã mang về tấm vé đầu tiên dự Olympic 2024, giải tỏa “cơn khát” vé tham dự sân chơi lớn nhất, danh giá nhất của thể thao thế giới này cho bắn súng Việt Nam.

Trước đó, ở vòng loại Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021), đội tuyển bắn súng Việt Nam không thể giành vé trực tiếp tham dự, đành phải nhận suất vé mới. Đó là nỗi đau với người làm nghề khi tại Olympic 2016, từng có 2 xạ thủ Việt Nam giành vé trực tiếp tham dự và một trong hai xạ thủ là Hoàng Xuân Vinh đã lập dấu mốc vô tiền khoáng hậu khi giành 1 HCV, 1 HCB.

Xạ thủ Phạm Quang Huy (trái) sẽ phải đối mặt với áp lực của nhà vô địch ASIAD tại Giải bắn súng vô địch châu Á sắp tới.

Xạ thủ Phạm Quang Huy (trái) sẽ phải đối mặt với áp lực của nhà vô địch ASIAD tại Giải bắn súng vô địch châu Á sắp tới.

Tấm vé dự Olympic 2024 của Trịnh Thu Vinh đã làm nguôi ngoai nỗi thất vọng tại Olympic Tokyo 2020 của bắn súng Việt Nam. Tất nhiên, hành trình để giành được tấm vé dự Olympic 2024 của Trịnh Thu Vinh cũng không đơn giản trong bối cảnh bắn súng Việt Nam vẫn gặp những khó khăn muôn thuở về trang thiết bị, điều kiện tập huấn, thi đấu nước ngoài.

Đấy là những yếu tố khiến các xạ thủ Việt Nam từ nhiều năm qua không thể giữ thành tích một cách ổn định. Bởi người trong cuộc đều hiểu rằng, nếu không được tập huấn trong môi trường tốt với đầy đủ đạn, trang thiết bị khác cũng như được tập cùng các xạ thủ hàng đầu thế giới thì xạ thủ sẽ khó nâng tầm. Không kể, việc được thi đấu quốc tế liên tục cũng giúp xạ thủ rèn bản lĩnh, để có thể vượt qua những thời khắc khó khăn. Thế nhưng, hiếm xạ thủ Việt Nam nào lại được hưởng điều kiện như vậy do những khó khăn kinh phí từ cơ quan quản lý, từ nội lực còn hạn chế của tổ chức xã hội nghề nghiệp môn bắn súng.

Như thế để thấy việc xạ thủ Trịnh Thu Vinh giành được tấm vé dự Olympic 2024 càng đáng trân trọng. Và trong hoàn cảnh như vậy, những nhà quản lý, huấn luyện viên đội tuyển bắn súng quốc gia vẫn muốn có thêm xạ thủ giành vé dự Olympic 2024.

Le lói hy vọng

Tại ASIAD 19, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu khi giành 1 HCV. Nhưng đó lại là tấm HCV bất ngờ cho chính người trong cuộc. Cũng phải kể thêm, cho đến trước ASIAD 19, chưa bao giờ bắn súng Việt Nam có VĐV giành HCV ở sân chơi này. Nhiều thế hệ xạ thủ Việt Nam đã lỗi hẹn với tấm HCV ASIAD trong đó có HLV hiện tại của đội tuyển là Hoàng Xuân Vinh – từng giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic 2016.

Và ở ASIAD 19, khi xạ thủ Phạm Quang Huy lên ngôi vô địch nội dung 10m súng ngắn hơi thì tất cả đều ngỡ ngàng. Bởi xạ thủ người Hải Phòng này dù là con nhà nòi (bố và mẹ đều là những xạ thủ nổi tiếng) nhưng mới lần đầu dự ASIAD, chưa từng vô địch quốc gia và đương nhiên ít được kỳ vọng. Ngay cả thành viên Ban huấn luyện đội tuyển cũng thừa nhận rằng, không đặt chỉ tiêu giành HCV cho xạ thủ này. Có lẽ việc không bị áp lực trong khi thi đấu đã giúp Phạm Quang Huy tạo hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, giúp bắn súng Việt Nam giải tỏa “cơn khát” HCV sau hơn 40 năm tham dự đấu trường lớn nhất thể thao châu lục này.

Trong khi đó, nhiều niềm kỳ vọng ở nội dung súng ngắn lại không thể hoàn thành mục tiêu, thậm chí thành tích thua xa so với khi tập luyện, khiến chính Ban huấn luyện cũng phải trăn trở.

Tất nhiên, từ thành tích của đội tuyển bắn súng ở ASIAD 19, người ta vẫn có lý do tin rằng, đây là môn thể thao có thể mang đến những cơ hội lớn, có thể tranh chấp huy chương tại sân chơi Olympic cho thể thao Việt Nam.

Muốn có cơ hội thì phải giành vé tham dự

Lúc này, đội tuyển mới có xạ thủ Trịnh Thu Vinh giành vé dự Olympic 2024. Và câu hỏi đặt ra đương nhiên là trong hơn 20 xạ thủ tham dự Giải bắn súng vô địch châu Á sắp tới, những ai sẽ giành vé dự Olympic 2024. Đương nhiên, người ta sẽ nghĩ ngay đến nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy. Nhưng việc nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy thích nghi thế nào với những áp lực mới mà anh chưa từng trải qua, để khẳng định thành tích tại ASIAD 19 là ổn định thay vì đột biến, nhất thời cũng là vấn đề. Chính xạ thủ 27 tuổi này từng cho rằng để làm quen với áp lực dành cho nhà vô địch ASIAD cũng sẽ không dễ dàng. Và Giải bắn súng vô địch châu Á sắp tới sẽ đem đến một phần câu trả lời.

Tất nhiên, những nhà quản lý, các HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng trông vào những xạ thủ khác, đa phần là xạ thủ trẻ. Nhưng như nhiều lần giới truyền thông đã đề cập, việc thiếu đạn tập, đặc biệt là đạn nổ, của đội tuyển từ nhiều năm nay, rồi thiếu những chuyến tập huấn nước ngoài để VĐV có đạn tập, có môi trường tập luyện đỉnh cao cũng là thách thức lớn trong hành trình chinh phục tấm vé khác dự Olympic 2024.

Cho nên, cũng dễ hiểu người trong cuộc thận trọng đề cập đến việc giành tấm vé thứ hai, và có thể nhiều hơn, tham dự Olympic 2024 của bắn súng Việt Nam.

Hơn 20 niềm hy vọng cho tấm vé khác dự Olympic 2024

Đội tuyển bắn súng Việt Nam dự Giải vô địch châu Á 2023 có 23 xạ thủ, trong đó có xạ thủ đã giành vé dự Olympic 2024 là Trịnh Thu Vinh. Ngoài nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy, những gương mặt của tổ súng ngắn từng thi đấu tại ASIAD 19 như Phan Công Minh, Hà Minh Thành ... có mặt trong chuyến thi đấu này.

Ngay sau ASIAD 19, các xạ thủ của đội tuyển bắn súng Việt Nam đã trở lại tập luyện để hy vọng có thể giành thêm tấm vé dự Olympic 2024 cho bắn súng Việt Nam. (Minh Khuê)

Nguồn: [Link nguồn]

Để thể thao Việt Nam tự tin vươn ra thế giới

Với nhiều vận động viên, chỉ riêng việc học để đảm bảo ra trường với một tấm bằng đại học đã rất khó khăn. Lịch tập luyện, thi đấu dày đặc khiến phần lớn các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN