Davis Cup: Cay đắng và vinh quang
Niềm vui bao giờ cũng song hành với nỗi buồn và cũng luôn mang sắc thái đối lập nhau. Khi loạt trận Davis Cup kết thúc vào cuối tuần, có 2 sự kiện mang đậm tính chất ấy.
Cay đắng cho Tây Ban Nha
Khi biết Tây Ban Nha chỉ gặp Brazil ở vòng play-off để tranh vé trụ lại nhóm thế giới, ai cũng sớm nghĩ ngay đến một chiến thắng cho đội tuyển đến từ châu Âu, bất kể việc họ phải thi đấu trên sân của đối thủ ở Sao Paulo. Mà không thể có dự đoán nào khác khi trận đấu này diễn ra trên sân đất nện vốn là sở trường của các tay vợt Tây Ban Nha.
Đã thế trong suốt thập kỷ qua, Tây Ban Nha chiếm thế thống trị ở Davis Cup khi đoạt tới 4 chức vô địch và điều quan trọng nữa: họ có lực lượng mạnh hơn hẳn đối thủ với Agut (hạng 15), Andujar (hạng 44), trong khi Brazil chỉ có Bellucci ở hạng 83, còn Silva ở mãi hạng 201.
Ấy thế mà dự đoán đã đảo lộn hoàn toàn khi Tây Ban Nha nhận thất bại 1-3 với trận thắng duy nhất do Agut đem về ở trận mở màn gặp Silva.
Roberto Bautista Agut – Carlos Moya
Một thất bại quá bẽ bàng cho Tây Ban Nha. Nadal không có mặt vì chấn thương, Almagro cũng ở hoàn cảnh tương tự, trong khi Ferrer, Verdasco, Robredo… lại từ chối tham gia vào đội tuyển nên tất yếu lực lượng của Tây Ban Nha bị sứt mẻ nghiêm trọng. Nhưng nói gì thì nói, thành phần của họ đến Sao Paulo vẫn mạnh hơn hẳn đối thủ nên thất bại này càng chua chát hơn.
Thất bại cay đắng này khiến lần đầu tiên sau 18 năm, Tây Ban Nha bị tụt hạng xuống chơi ở nhóm 1 khu vực Âu – Phi vào năm tới.
Ngoài ra đây còn là trận thua đầu tiên của Tây Ban Nha trên sân đất nện sau 15 năm và trớ trêu thay, trận thua 15 năm trước của họ cũng chính trước đối thủ Brazil. Và trớ trêu nữa là 15 năm trước, Carlos Moya bại trận trước Kuerten thì giờ đây, cựu danh thủ này lại tận mắt chứng kiến thất bại của đội nhà trên cương vị người đội trưởng.
Vinh quang cho Pháp
Khi các tay vợt chủ lực của CH Czech không có phong độ cao nhất thì việc họ thất bại trước Pháp ở Paris là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên không vì lý do đó mà lại đi hạ thấp giá trị chiến thắng của Pháp, một cường quốc trong làng quần vợt thế giới nhưng lần gần nhất họ đăng quang ở Davis Cup là mãi hồi năm 2001. Điều cần nhấn mạnh là đằng sau chiến thắng của Pháp còn có 2 yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.
ĐT Pháp thay đổi khi đưa Gasquet vào thay Monfils
Sau khi được chọn làm đội chủ nhà để tiếp CH Czech, thoạt đầu Pháp định chọn một sân lớn hơn để tổ chức trận đấu này, cụ thể là Lille nằm ở phía Bắc. Theo tiết lộ của đội trưởng Clement thì ông đã có cuộc thảo luận dài với các tay vợt trước khi đưa ra quyết định, tuy nhiên Tsonga lại là người đóng vai trò trong quyết định cuối cùng: chọn Roland Garros làm sân thi đấu.
Một yếu tố nữa là quyết định sáng suốt của ông Clement khi đưa Gasquet vào thay Monfils để đánh đơn ở trận tiên phong. Sở dĩ có sự thay đổi vào phút cuối này là do ông Clement nhận thấy Monfils chưa kịp thích nghi với sự thay đổi múi giờ sau khi trải qua hành trình dài từ New York về Paris.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã giúp Pháp ghi tên mình vào trận chung kết với Thụy Sỹ, một trận đấu mà người ta cho rằng là trận chung kết trong mơ ở Davis Cup. Gasquet nói rõ: “Federer là tượng đài trong làng quần vợt và đó sẽ là trận chung kết trong mơ”.
Còn đội trưởng Clement thì nói khiêm tốn: “Mọi người cứ nói về trận chung kết trong mơ với Thụy Sỹ, nhưng với tôi thì giấc mơ chỉ là việc Pháp đã có mặt trong trận chung kết. Thụy Sỹ có Federer và Wawrinka, đấy sẽ là thử thách lớn cho chúng tôi, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã lọt vào chung kết”.