Đấu võ với tinh thần thượng võ hay háo danh?

Những ngày qua, vụ võ sư Nam Anh Kiệt (Tổng đàn chủ Vịnh Xuân Nam Anh) đánh võ sư Nam Nguyên Khánh (Chưởng môn Vịnh Xuân Quyền Nam Bắc) khiến cho làng võ Việt tỏ ra ngán ngẩm.

Họ không hài lòng với cách hành xử mất kiểm soát của những người tự xưng mình là "dân nhà võ". Hiện cơ quan Công an đang lấy lời khai của các bên liên quan, giám định thương tích bị hại, thu thập các chứng cứ khác để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên từ vụ việc này, vấn đề đạo đức của người học võ cần được bàn luận một cách nghiêm túc.

Võ sư Nguyễn Mạnh Thắng, Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ võ Nhất Nam Hà Nội đã gửi cho chúng tôi bài viết chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của "con nhà võ".

1. Võ thuật từ hàng ngàn năm đã ngấm sâu vào trong sinh hoạt, cuộc sống hay truyền thống của đất nước ta. Người xưa nâng tầm giao đấu như một hình thái tiếp xúc gặp gỡ kết duyên tạo bạn. Giao đấu qua lại vài thế võ dăm đường quyền tưởng không thể có gì hào sảng hơn thế, không gì mã thượng hơn thế. Trọng tài, trọng đức nhau cũng qua vài đường quyền thế cước…

Mang đầy tính chất thượng võ trọng tài trọng nghĩa nên truyền thống thách đấu là một nghĩa cử văn hoá đẹp. Người đấu trọng tài đối phương, hẹn tranh tài cao thấp có tổ chức như gửi lời thách đấu, tổ chức sới đấu võ.

Có các cam kết hay mục đích đấu rõ để phân cao thấp thắng thua, khoe tài của nhau. Thường là trong các cuộc đấu võ so tài cao thấp sau đó thường có tính chất kết duyên bạn hữu. Võ đấu thì mang tính quyết liệt kiên định và đặt hai bên vào tâm trạng cực độ của sinh tử, nhưng ác ý thì tuyệt đối không.

Tất cả các cuộc giao đấu trong lịch sử võ thuật Việt Nam thường có nét giao lưu bạn hữu mến tài mến mộ, nên các đòn độc sát cao chỉ ở mức thi triển, nhưng không hết độ sát thương. Nên sau các cuộc giao đấu là sự kết giao giữa các đối thủ với nhau.

Tinh thần thượng võ thấm đẫm trong mọi hành xử nền nếp giữa các võ phái, làng võ hay vùng võ với nhau. Nó thuận với tính chất hoà đồng nền nếp lấy tôn ti trật tự quân chủ làm gốc. Nó mang tính chất "Hoà" chứ không "Cương", đối kháng tạo dựng mâu thuẫn.

Võ đạo được xây dựng thấm nhuần tinh thần giao tiếp ứng xử của người Việt. Tính chất hoà đồng thấm vào quần cư làng mạc không gây ra các hội bí mật, nó tránh tình trạng bang hội gây hấn giữa các chi phái hệ với nhau. Mục tiêu cùng chung sống có lẽ là cái lý thâm sâu hoà hợp thuần nhất…

  Võ sư Nam Anh Kiệt (áo trắng) đánh võ Sư Nam Nguyên Khánh.

  Võ sư Nam Anh Kiệt (áo trắng) đánh võ Sư Nam Nguyên Khánh.

2. Năm 1986, võ thuật Việt Nam đứng trước một nhu cầu cấp thiết là tham gia vào dòng chảy thể thao của thế giới. Hàng loạt các môn phái võ ngoại được du nhập về làm tiền đề phát triển như Pensatsilat, wushu, taekoondo, keratedo, Thái cực quyền…

Số lượng võ sinh được phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, các chức danh như Chuẩn Võ sư, Võ sư, Đại võ sư bắt đầu được tổ chức phong tặng ồ ạt. Các môn võ cổ truyền dù có nguồn gốc Trung Quốc hay Việt đều bị quy về một mối là Võ cổ truyền.

Nhiều chi phái võ cổ với tính đặc thù riêng biệt của mình cảm thấy bị xúc phạm khi phải học các bài quyền chuẩn của Hội Võ thuật cổ truyền để được cấp bằng võ sư. Việc loạn chuẩn này kéo dài hàng chục năm tới nay.

Các võ sinh nếu múa được hai bài quyền chuẩn, một bài binh khí chung cho tất cả khi tham gia lớp huấn luyện đều có thể được phong cấp là võ sư. Võ sư lúc này chỉ là một khái niệm mang tính chứng chỉ để có thể trực tiếp duy trì việc giảng dạy của chính võ sinh này trong hoạt động phong trào.

Về thực lực võ sư bằng cấp vậy thì tập 2- 3 năm qua phần cơ bản công, biết đi dăm thế đánh, rồi tự phong tặng võ sư hay chuẩn võ sư. Và hướng đi xuống chính là truyền thống, đạo nghĩa tư cách của võ sư đi xuống một cách tệ hại.

Cùng với thời đại truyền thông bùng nổ, võ sư bằng cấp vậy quảng bá hình ảnh của mình thật ngoạn mục. Tất cả đều trở thành kẻ "bán hàng", dạy khôn nhau trong mánh khóe truyền thông để tạo dựng hình ảnh của mình. Dăm miếng đánh, vài thế quyền, đôi miếng múa, rồi đi dạy người, chữa bệnh cho người, mở lớp học sinh lên tới hàng trăm, hàng ngàn người theo.

Cả phong trào truyền thông ấy, làm "võ sư hình ảnh" trở nên một chuẩn mới. Tất cả háo danh, săn lùng cơ hội, lập ngôn. Võ hiện đại thì khoe thực chiến, bỉ bôi võ cổ truyền. Võ cổ truyền thì để râu, cạo đầu, làm theo kiểu dị nhân. Tất cả cho hình ảnh võ thuật của mình đẹp đẽ và quên đi toàn bộ tập luyện, đạo nghĩa truyền thống di sản.

Duy nhất có vấn đề cốt lõi của võ thuật là giao chiến thực tế thì bị lược bỏ hoàn toàn. Đa số võ sư đi dạy, quyền cước binh khí với các môn công bí ẩn mông lung đầy huyền hoặc; vấn đề trực đấu, nghệ thuật giao đấu bị dẹp sang không bao giờ được đề cập. Võ sư 10 năm, 15 năm nhưng không thể đấu, tránh đấu, tránh luyện tập đấu. Tất nhiên sự yểm trợ của cao ngạo, ngạo nghễ mang danh Đạo thâm sâu được nguỵ trang. Ai cũng sắp thành đạo sĩ, nếu giao đấu thì là kẻ phàm phu.

  Cùng với dạy võ, cần dạy đạo đức cho các võ sinh.

  Cùng với dạy võ, cần dạy đạo đức cho các võ sinh.

Loạn chuẩn võ sư, tất cả là tạo dựng hình ảnh, ngoa ngôn "võ mồm" với nhau và dẫn tới tuyên chiến với nhau trên mạng, trên truyền thông. Trước khi giao đấu gọi là học hỏi, tất cả các võ sư thời 4.0 này đều đăng đàn tổng sỉ vả nhau, mạt sát nhau nhân danh các loại giá trị cổ nhân. Vì danh chính ngôn thuận, vì tính chính thống, vì muốn trả lại tính chân thực của võ cổ truyền.

Một làn sóng thách đấu được tạo ra nhằng nhịt ở các cấp với nhau. Bất chấp đạo nghĩa lề thói, cho tới tận cả vấn đề kỹ thuật, cân nặng, luật đấu hay tổ chức. Bởi vì tất cả chỉ đấu mồm, đấu võ bằng mồm thì cần bàn phím, bằng chứng là đuổi nhau kết tội nhau từng câu chữ; gây náo loạn trên mạng hàng tháng trời với nhiều trang tranh cãi.

Cực chẳng đã các võ sư cũng gặp đấu nhau trong hoà bình hữu nghị khoảng vài phút. Toàn bộ quá trình đấu được truyền trực tiếp lên mạng, gây sóng tranh luận với hàng chục nghìn người tham gia. Tất cả sẽ hoan hỉ vì không ai thua và công chúng thì có việc để xem và bình luận.

Bên cạnh đó, các cặp đấu chính nguội đi thì các cặp đấu thứ cấp ăn theo nổi lên. Lại mạt sát nhau, lại lấy ông Tây tập võ Tàu đánh với người Việt tập võ Thái. Hầm bà lằng như một nồi lẩu của "võ mồm" và vậy thì còn nói gì tới các khái niệm giao đấu, kết bạn, trao đổi, kết duyên, trọng tài trọng nghĩa. Lúc này võ thuật mất hết tính chất của nó là thuật chiến đấu và rèn luyện nhân cách.

Võ đài trở thành một sân khấu hổ thẹn mang đầy tính giải trí của những người giả dối và cơ hội bất chấp việc võ thuật là nhân cách, rèn luyện và lớn hơn là văn hoá di sản của tổ tiên để lại. Và lúc này, võ không còn là nơi gìn giữ hào khí của dân tộc nữa. "Thuật" còn không thạo nói gì tới "Đạo" mà giữ. Trấn hưng nền võ thuật Việt Nam lúc này không chỉ vài cá nhân dị biệt làm chủ soái mà nó cần hơn ở ý thức của từng cá nhân dù nhỏ bé nhất.

Nam Anh Kiệt đấm ”gãy răng” võ sư Nguyên Khánh: Nhân chứng quay clip nói gì?

Người trực tiếp quay clip đã lên tiếng về vụ việc võ sư Nam Anh Kiệt đánh người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ sư Nguyễn Mạnh Thắng ([Tên nguồn])
Lùm xùm Nam Anh Kiệt - Vịnh Xuân đánh nhau Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN