Đằng sau thành tích của các đoàn thể thao

Sự kiện: Muôn màu thể thao

Tại sao mỗi đoàn thể thao tập huấn, thi đấu tại nước ngoài luôn có cán bộ quản lý và lãnh đạo đi cùng? Ít khi được nhắc đến khi vận động viên, đội tuyển đạt thành tích cao, nhưng vị trí trưởng đoàn, hay các cán bộ quản lý luôn là nhân vật không thể thiếu trong mỗi chuyến đi.

Ta và Tây

Trong 10 năm qua, hình ảnh bóng đá Thái Lan gắn liền với một nhân vật. Người này không phải cầu thủ hay huấn luyện viên (HLV), nhưng đều được truyền thông nhắc đến trước tiên mỗi khi các đội tuyển Thái Lan thi đấu. Đó là bà Nualphan Lamsam, người còn được biết đến dưới tên gọi thân mật Madam Pang.

Ông Nguyễn Thái Hòa (hàng sau cùng bên phải) không dự World Games cùng tuyển bóng ném bãi biển nữ.

Ông Nguyễn Thái Hòa (hàng sau cùng bên phải) không dự World Games cùng tuyển bóng ném bãi biển nữ.

Tên tuổi Madam Pang bắt đầu được nhắc đến khi bà giúp đội tuyển nữ Thái Lan giành vé dự World Cup trên cương vị trưởng đoàn. Tại AFF Cup vừa qua, bà đảm nhiệm cương vị trưởng đoàn đội tuyển nam, qua đó giúp Thái Lan lấy lại ngôi vương bóng đá khu vực Đông Nam Á.

“Người đóng góp nhiều nhất vào chức vô địch của đội tuyển Thái Lan không phải chúng tôi, những người thi đấu trên sân. Chúng ta cần gửi lời cảm ơn đến Madam Pang vì những nỗ lực bà bỏ ra để khôi phục đội tuyển quốc gia”, HLV Mano Polking phát biểu trong đêm vô địch AFF Cup. Những gì ông nói không hề sai, nếu nhìn vào những gì Madam Pang đã làm.

Kể từ ngày đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn đội tuyển nam Thái Lan, việc đầu tiên Madam Pang làm là liên hệ đưa những tuyển thủ đang thi đấu ở châu Âu và Nhật Bản về đá AFF Cup. Tầm ảnh hưởng và mối quan hệ của một nhà tài phiệt lớn giúp bà sớm nhận được cái gật đầu từ các ông chủ câu lạc bộ (CLB) trên khắp thế giới.

Bên cạnh những công việc ở tầm vĩ mô, Madam Pang cũng cho thấy bà là nhà quản lý xuất sắc trong từng chi tiết nhỏ. Khi đội tuyển Thái Lan mới đến Singapore dự AFF Cup, bà cùng họ đồng cam cộng khổ, ăn những bữa với thực đơn nghèo nàn khách sạn đưa ra. Khi cảm thấy các cầu thủ căng thẳng, bà tổ chức rút thăm trúng thưởng cho họ giải tỏa tâm lý.

Có thể nói, Madam Pang là một quan chức hiếm hoi trong giới thể thao mà mọi công việc đều được phổ biến trước công chúng. Những người khác thường chỉ điều hành công việc phía sau ánh hào quang, nơi có vô vàn những chuyện không tên. Nếu như Thái Lan có Madam Pang, thì Việt Nam cũng có một người như vậy.

Năm 2019, ông Phạm Thanh Hùng, cựu Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh làm Trưởng đoàn phụ trách Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30. Trong khi HLV Mai Đức Chung và các học trò làm tốt công việc trên sân cỏ, ông Hùng giúp họ được ăn no, ngủ ngon và chỉ cần quan tâm đến chuyện ra sân thi đấu. Việc đó nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải vậy.

Là một trong những đoàn thể thao đầu tiên của Việt Nam đến Philippines dự SEA Games 30, đội tuyển nữ từng trải qua những ngày đầu cười ra nước mắt. Cả đội đến nơi mới biết họ được ban tổ chức bố trí sân tập xa nơi ở tới 50km. Việc mất tới 2 giờ di chuyển trên xe, cộng thêm lịch tập oái oăm từ Ban tổ chức khiến đội tuyển vừa đến nơi thì cũng... hết giờ tập.

Bên cạnh đó, khách sạn lưu trú cũng không có đồ ăn như yêu cầu. Họ thậm chí không cho phép đoàn Việt Nam tự nấu nướng cải thiện. Trước tình hình này, ông Phạm Thanh Hùng đã đứng ra giải quyết vấn đề ăn uống cho các tuyển thủ. Trước trận chung kết quyết định gặp Thái Lan, cả đội phải đổi khách sạn để điều kiện ăn ở được đảm bảo ở mức tốt nhất.

Không có cán bộ thì sao?

Năm 2012, đội tuyển bơi Việt Nam thực hiện một cuộc cách mạng khi chi tiền tỷ cho các thành viên lên đường sang Mỹ tập huấn. Chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu như trong một buổi tập, HLV của 2 kình ngư Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên cãi vã với nhau, khiến cán bộ an ninh Trường Bolles (bang Florida, Mỹ) yêu cầu cả 2 rời khỏi khu vực hồ bơi.

Ông Phạm Thanh Hùng cùng huấn luyện viên Mai Đức Chung là cặp bài trùng giúp bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương vàng SEA Games 30.

Ông Phạm Thanh Hùng cùng huấn luyện viên Mai Đức Chung là cặp bài trùng giúp bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương vàng SEA Games 30.

Mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Tấn Quảng (HLV của Phước) và ông Đặng Anh Tuấn (HLV của Ánh Viên) khi đó lớn tới mức Tổng cục Thể dục thể thao phải cử Trưởng bộ môn bơi Đinh Việt Hùng đến Mỹ giải quyết mâu thuẫn. Phải đến khi ông Hùng có mặt, mọi chuyện mới được giải quyết ổn thỏa, khép lại những tranh cãi nảy lửa kéo dài nhiều tuần liền.

Người chịu thiệt lớn nhất trong chuyến đi tròn 10 năm trước là Hoàng Quý Phước. Vốn là một trong những vận động viên giàu tiềm năng nhất của thể thao Việt Nam, Phước mang tiếng “mắc bệnh ngôi sao” dù anh thực ra chỉ là nạn nhân trong cuộc tranh cãi của những ông thầy. Ở thời điểm đó, đích thân ông Đinh Việt Hùng đã đứng ra bảo vệ cho cậu bé 19 tuổi trước truyền thông.

Trong chuyến đi Mỹ đột xuất đó, ông Hùng cũng thu xếp mọi chuyện để Phước cùng HLV được về nước, sau đó tập huấn ở một nơi khác. Mọi chuyện sẽ ra sao nếu như ông Hùng không xuất hiện? Liệu 2 HLV Nguyễn Tấn Quảng và Đặng Anh Tuấn có cãi vã không nếu như còn “sếp” ở đó?

Câu chuyện “rắn mất đầu” khi một cán bộ, quan chức thể thao không xuất hiện cùng đoàn là điều từng xảy ra ở nhiều giải đấu. Một vận động viên từng kể về những ngày khó quên, khi anh được chọn để tham dự một giải võ thuật trẻ nơi đất khách quê người.

“Giải đấu đó diễn ra ở Thái Lan, chỉ có tôi và một vài bạn khác cùng tham dự”, võ sĩ này nói. “Ngay trong ngày đầu đến Thái Lan, tôi mới biết đồ ăn địa phương không thể hợp với mình. Mọi món ăn ở khách sạn nơi toàn đội lưu trú đều rất cay, hệ tiêu hóa của tôi không kịp làm quen nên cứ ăn là đi ngoài. Những đồng đội của tôi cũng vậy”.

Để bụng dạ ổn định cho những trận đấu sắp diễn ra, võ sĩ này cùng các bạn phải ăn theo một thực đơn rất thiếu khoa học: Cơm không chan cùng... nước ngọt có ga. “Chỉ có trẻ con mới thích ăn kiểu đó. Càng ăn chúng tôi càng cảm thấy buồn nôn, nhưng vẫn phải cố nuốt vào bụng bởi ăn như vậy mới ổn cái bụng, mà vẫn có thể tập luyện và thi đấu được”.

Mọi thứ đều có giới hạn của riêng mình. Cuối câu chuyện, vận động viên nói trên cho biết anh chỉ trụ lại được đến hết trận đấu cuối cùng. Đêm hôm đó, ngay khi về tới phòng nghỉ, anh chạy thẳng vào nhà vệ sinh, nôn ra tất cả những gì đã ăn. Chuyến đi bão táp ấy vẫn ám ảnh anh cho đến tận bây giờ.

Chỉ cần cử đúng

Tầm quan trọng của những cán bộ quản lý, quan chức thể thao trong mỗi chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài là điều không thể phủ nhận. Với tầm ảnh hưởng, hiểu biết và các mối quan hệ cá nhân, họ chính là người giúp cho mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, suôn sẻ. Khi ấy, huấn luyện viên và vận động viên chỉ cần nghĩ tới những công việc thuần chuyên môn.

Tiến Minh và Vũ Thị Trang vừa làm vận động viên, vừa làm huấn luyện viên ở Olympic Rio.

Tiến Minh và Vũ Thị Trang vừa làm vận động viên, vừa làm huấn luyện viên ở Olympic Rio.

Vậy đâu là lý do khiến những quan chức thể thao chịu tiếng xấu? Thứ nhất, họ thường không muốn chia sẻ quá nhiều vì ngại mang tiếng “tâng công”. Thứ hai, ngành thể thao từng gây tranh cãi khi cử cán bộ không có kiến thức chuyên môn đi cùng vận động viên ra nước ngoài. Một trong những câu chuyện hy hữu nhất diễn ra vào kỳ Olympic Rio năm 2016.

Ở Thế vận hội 6 năm trước, Việt Nam có 2 vận động viên cầu lông đến Brazil tranh tài: Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang. Cán bộ được phân công đi cùng họ là ông Nguyễn Trọng Hổ, người có chuyên môn làm HLV điền kinh. Thế là khi Tiến Minh thi đấu, Vũ Thị Trang trở thành huấn luyện viên bất đắc dĩ và ngược lại, trong bối cảnh toàn đoàn không có ai biết về cầu lông ngoài họ.

May là ở kỳ Olympic đó, câu chuyện Minh - Trang thay phiên nhau làm HLV khi người kia thi đấu vô tình khiến công chúng biết hóa ra họ đang yêu nhau. Cộng thêm tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh, chẳng mấy người còn nhắc lại câu chuyện dở khóc dở cười kia nữa.

Tranh cãi suất đi World Games ở môn bóng ném bãi biển

Tại World Games 2022, Việt Nam là đại diện duy nhất của châu Á đến tranh tài ở môn bóng ném bãi biển nữ. Tuy nhiên, trong danh sách các thành viên của đoàn đến Mỹ tham dự World Games lại không có tên HLV Nguyễn Thái Hòa. Tại đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam, ông Hòa là HLV chuyên trách chiến thuật phòng ngự của đội. Người phụ trách tấn công là HLV Huỳnh Minh Ngôn vẫn có tên trong danh sách đi Mỹ.

Suất đến Mỹ dự World Games của ông Hòa được nhường cho một cán bộ ngành thể thao với chức danh trưởng đoàn. Ông Đào Đức Kiên, Trưởng bộ môn bóng ném bãi biển (Tổng cục Thể dục thể thao) cũng dự World Games với tư cách cán bộ, chứ không phải Trưởng đoàn như các giải đấu trước đó. Danh sách thành viên đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam cũng không có bác sĩ nào đi cùng.

Trước tình hình đó, một thành viên của đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam là vận động viên Đỗ Thị Kim Yến đã viết đơn tự rút lui, không tham dự World Games cùng đội tuyển. Cô cho biết lý do đi đến quyết định này là bởi HLV Nguyễn Thái Hòa đã gắn bó với cô từ địa phương đến đội tuyển quốc gia, có nhiều đóng góp cho thành tích chung. Việc ông Hòa không dự World Games khiến cô mất ổn định tâm lý.

World Games là kỳ Đại hội thể thao tổ chức 4 năm 1 lần dành cho những môn thi đấu chưa có trong chương trình Thế vận hội. Ngoài bóng ném bãi biển, Việt Nam còn cử vận động viên đến tranh tài ở nhiều bộ môn như Billiards, Wushu, Muay...

Nguồn: [Link nguồn]

Bóng ném bãi biển nữ lục đục trước World Games

Chuẩn bị lên đường tham dự World Games 2022 tại Mỹ sau khi lên ngôi vô địch châu Á, đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Việt Nam bất ngờ đối mặt với nhiều rắc rối từ khâu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN