Đằng sau nỗi lo ba HCV của Hoàng Quý Phước
Giành tổng cộng ba HCV trong ngày thi đầu tiên, giúp Đà Nẵng vượt mặt TP.HCM dẫn đầu toàn đoàn nhưng thành tích của Quý Phước gây lo lắng khi các thông số bơi của anh đều dưới mức chỉ tiêu đăng ký.
Cụ thể ở nội dung 200 m tự do, Quý Phước dù bảo vệ thành công ngôi vô địch nhưng thành tích 1’52”72 kém xa chỉ tiêu đăng ký 1’50”00. So với thành tích 1’46”00 Phước lập kỷ lục quốc gia (KLQG) tháng 7-2013 thì thành tích có sự thụt giảm rất đáng ngại.
Riêng ở cự ly 100 m ngửa sở trường, Hoàng Quý Phước tự tin đặt mục tiêu sẽ phá KLQG 55”86 của chính mình khi anh đăng ký thông số 55”80. Trong lúc mọi người khấp khởi chờ kỷ lục thì kết quả 57”68 làm nhiều người lo.
Cùng cự ly này, tay bơi Hải Phòng Nguyễn Ngọc Triển (thành tích 1’00”77 đoạt HCĐ năm 2013) thể hiện sự tiến bộ khi xuất sắc rút ngắn thành tích xuống còn 58”80 đoạt HCB.
Hoàng Quý Phước đoạt ba HCV nhưng thành tích dưới thông số đăng ký nhằm tích lũy cho Asiad sắp tới. Ảnh: Anh Phương
Chiếc HCV thứ ba trong ngày, Quý Phước cùng với các đồng đội Châu Bá Anh Tư, Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Văn Tý đoạt được ở cự ly 400 m tự do tiếp sức.
Cự ly 100 m ếch nam, Nguyễn Hữu Việt dù không còn ở đỉnh cao phong độ vẫn cố gắng đoạt chiếc HCV đầu tiên về cho Hải Phòng. Thành tích 1’04”08 của Hữu Việt kém xa KLQG 59”09 do chính anh lập năm 2009.
Nguyễn Thị Kim Tuyến (TP.HCM) tiếp tục khiến đường đua xanh nổi sóng khi xuất sắc đoạt 3 HCV trong ngày khai mạc. Kim Tuyến đoạt hai chức vô địch cá nhân 100 m ngửa (thành tích 1’05”34); 200 m bướm (thành tích 2’17”88). Sau đó cùng các đồng đội Tâm Nguyện, Phương Trâm, Thúy Nhi vượt qua Quảng Ninh, Đà Nẵng giành chức vô địch 800 m tự do tiếp sức nữ.
Trên bảng tổng sắp huy chương tạm thời, Đà Nẵng (3 HCV; 1 HCB; 1 HCĐ) vượt đoàn TP.HCM (3 HCV) và Hải Phòng (1 HCV; 1 HCB; 1 HCĐ) dẫn đầu bảngtổng sắp.