Đại hội TDTT toàn quốc: Chi hơn 2.000 tỉ đồng, được gì?
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014 (bế mạc vào tối 16-12 tại Nam Định) lên đến hơn 2.000 tỉ đồng nhưng chất lượng chưa tương xứng.
Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức 4 năm/lần với định hướng tạo sân chơi tranh tài đỉnh cao cho các VĐV trong nước, phát hiện tài năng để bồi dưỡng, rèn luyện. Với quy mô toàn quốc, đại hội huy động một cỗ máy khổng lồ về nhân sự và ngốn một khoản ngân sách không nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả và sự chuyên nghiệp lại không hề tương xứng với số tiền bỏ ra.
Quá tốn kém
Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức cách đây 29 năm tại Hà Nội. Đến năm 2002, Chính phủ đồng ý để ngành thể thao tổ chức đại hội với quy mô lớn và đều đặn theo chu kỳ 4 năm. Năm 2014 là lần thứ 7 đại hội được tổ chức và Nam Định là địa phương thứ 4 trong cả nước sau Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đăng cai ngày hội này. Quyền đăng cai đại hội lần thứ 8-2018 đã được giao cho An Giang.
Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng việc tổ chức đại hội TDTT là cần thiết nhưng cách thức tổ chức sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp với tình hình. “Bốn năm mới tổ chức một lần nên nếu biết cách phân bổ hợp lý nguồn lực, chọn lọc VĐV và các môn thi đấu, điểm thi đấu hợp lý hơn sẽ không gây lãng phí.
Ngoài ra, các địa phương cũng phải tính tới việc phát huy các công trình thể thao sau khi đăng cai đại hội” - ông Thắng nói. Yêu cầu của Chính phủ với đại hội là phải thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế tối đa xây dựng mới các công trình lấy tiền từ ngân sách công.
Ánh Viên giành 19 HCV, phá 15 kỷ lục quốc gia nhưng không có kỷ lục nào gây ấn tượng Ảnh: Ngọc Linh
Chủ nhà của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 là tỉnh Nam Định đã đầu tư khoảng gần 1.500 tỉ đồng phục vụ đại hội. Tuy nhiên, khoản tiền từ ngân sách này cũng chưa đủ đáp ứng và các địa phương lân cận là Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng... trợ giúp đăng cai một số môn cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ.
Tổng số tiền đầu tư cho đại hội mới tính sơ bộ đã lên đến hơn 2.000 tỉ đồng, chưa kể kinh phí tổ chức đại hội các địa phương toàn quốc cả năm trước đại hội và chi phí các đoàn bỏ ra cho quá trình tập luyện, thi đấu.
“Bệnh thành tích” trầm trọng
Về mục tiêu và cả hình thức, Đại hội TDTT toàn quốc giống như một cuộc tổng rà soát lực lượng của thể thao Việt Nam để chuẩn bị nguồn lực cho các đấu trường SEA Games, Asian Games và xa hơn là Olympic. Thế nhưng, các nhà chuyên môn nhìn nhận đại hội đang bị biến thành nơi ganh đua thiếu lành mạnh, chạy theo thành tích.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, cho biết: “Sự cố VĐV đánh trọng tài rồi HLV và trọng tài đánh nhau ở môn vật cho thấy nhiều địa phương sẵn sàng dùng tiền để thuê VĐV theo thời vụ và mua thành tích. Không phải VĐV của họ nên họ cũng không quan tâm đến chuyện giáo dục tư cách đạo đức”. Việc nhiều đoàn VĐV thẳng thắn phê phán trọng tài không đủ trình độ chuyên môn, thiếu công tâm làm nhiệm vụ cho thấy đại hội ở tầm toàn quốc nhưng con người lại rất dưới tầm.
Theo ông Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, mỗi kỳ đại hội, ngành và các bộ môn đều phát hiện được một lực lượng đáng kể VĐV trẻ tài năng. Tuy nhiên, trên thực tế, các kỷ lục quốc gia hầu hết đều thuộc về những ngôi sao với trình độ đã vượt tầm ngày hội thể thao toàn quốc. Như năm nay, Ánh Viên (bơi), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) hay Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) đương nhiên là không có đối thủ ở sân chơi này.