Đại bản doanh thể thao VN vào mùa SEA Games
Theo đồng hồ đếm ngược tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội tính đến ngày 8/11, chỉ còn 33 ngày nữa sẽ đến SEA Games 27. Dù sân chơi khu vực không còn là mục tiêu số 1 của thể thao Việt Nam nhưng trong những ngày này, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi rất lớn ở địa điểm vẫn được coi là đại bản doanh của đoàn Thể thao Việt Nam so với quãng thời gian chỉ vài tháng trước đây.
Hối hả và… căng thẳng
Trung tâm HLTTQG I (Từ Liêm, Hà Nội), hay vẫn được gọi một cách rất ngắn gọn và thân thuộc của nhiều thế hệ HLV, VĐV là “Nhổn” trong những ngày này giống như một đại công trường hơn là một nơi tập luyện và sinh hoạt của hàng chục ĐTQG của thể thao Việt Nam. Rất nhiều hạng mục công trình liên quan đến các nhà tập luyện đang được sửa chữa và nâng cấp, khiến “Nhổn” không còn giữ được sự tĩnh lặng như thời gian trước. Nhưng kể cả trong sự ngổn ngang của một công trình xây dựng dang dở, người ta vẫn có thể cảm nhận được sự hối hả và khẩn trương của một số các đội tuyển đang tập luyện nhằm chuẩn bị cho SEA Games 27.
Sáng sớm tinh mơ ở khu A đã rộn ràng tiếng nói chuyện của thầy trò đội tuyển điền kinh và đây chính là đội tuyển có thời gian tập luyện sớm nhất ở “Nhổn”. Bởi không như các môn thể thao khác, chất lượng tập luyện mỗi buổi tập của môn điền kinh bị tác động rất lớn bởi thời tiết. Vì thế để tránh nắng nóng, đội tuyển điền kinh thường kết thúc tập luyện vào lúc 9h sáng và đây là lúc các môn tập trong nhà như các môn võ, vật, cử tạ, bóng chuyền… mới bắt đầu. Không khí trong các buổi tập ở hầu hết các đội tuyển thậm chí diễn ra có phần hơi… nặng nề. Cả thầy lẫn trò đều nhắc nhở nhau từng chi tiết nhỏ nhất ở mỗi động tác. Ai cũng hiểu rằng, SEA Games đã cận kề và để xảy ra bất cứ sai số nào trong tập luyện cũng sẽ dẫn đến những hậu quả hết sức đáng tiếc.
Để khích lệ tinh thần tập luyện của các vận động viên thời điểm này, ngoài chuyện động viên, giáo dục tư tưởng và nhắc nhở thường xuyên, mỗi HLV lại có một “mẹo” khác nhau. Thế mới có chuyện, danh sách đoàn TTVN dự SEA Games 27 đã được công bố từ ngày 1/11, nhưng đến lúc này, không phải VĐV nào cũng biết chắc mình có nằm trong đội hình được đến Myanmar hay không. Phải chờ đến sát ngày lên đường khi HLV thông báo thì mới là chắc chắn. Việc giữ “bí mật” đến phút chót khiến tất cả đều phải nỗ lực tới cùng trong tập luyện.
Đô cử Thạch Kim Tuấn đang gấp rút chuẩn bị cho SEA Games 27
Cấm trại
Trên thực tế quyết định cấm trại sẽ được áp dụng kể từ ngày 11/11 tới. Tuy nhiên, khi thông tin này được phát ra, nó đã khiến cho bầu không khí trên “Nhổn” đúng chất “SEA Games” hơn và ai cũng có thể cảm nhận được. Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: “Việc cấm trại sẽ giúp các VĐV giảm thiểu được những rủi ro không đáng có. Chỉ còn 1 tháng là đến SEA Games, nếu không giữ gìn cẩn thận công sức tập luyện của các em sẽ ra sông ra biển”.
“Nhổn” cấm trại gần như đồng nghĩa với việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chỉ loại trừ những trường hợp thực sự cần thiết và được sự chấp thuận (thậm chí là phải chịu trách nhiệm) của HLV trưởng thì VĐV mới được ra ngoài. Còn lại, kể từ ngày 11/11 đến khi lên đường dự SEA Games sẽ không có ngoại lệ nào được “chiếu cố”. Tất cả phải vì thành tích tốt nhất ở đấu trường khu vực 2 năm mới có 1 lần này. Và mỗi khi vào mùa cấm trại, tổ bảo vệ cổng ra vào trên “Nhổn” thường phải làm việc hết năng suất và bỗng trở nên khó tính hơn nhiều so với ngày thường.
Không chỉ hạn chế đi lại với các VĐV, cánh cửa trung tâm cũng sẽ khép hơn với giới truyền thông. Nếu trước đây, ban lãnh đạo Trung tâm HLTTQG Hà Nội vẫn chấp thuận cho phép các phóng viên được vào tác nghiệp, phản ánh tình hình tập luyện vào ngày thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, thì kể từ ngày 11/11 quy định này sẽ không còn được áp dụng. Và điều này càng khiến cho “Nhổn” trở nên biệt lập với thế giới bên ngoài, dù trên thực tế nó chỉ cách đường quốc lộ 32 khoảng 200m.
Chú trọng bữa ăn
Hiện tại, các VĐV trong danh sách đi SEA Games sẽ được hưởng một chế độ ăn có phần đặc biệt hơn so với các VĐV khác cũng là tuyển thủ ở đội tuyển, hoặc đội tuyển trẻ quốc gia. Sự “đặc biệt” này là mức độ chênh lệch 100.000đ/người/ngày trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bởi theo quy định, các thành viên của đoàn TTVN sẽ hưởng chế độ dinh dưỡng 300.000đ/người/ngày trong khoảng thời gian 2 tháng trước SEA Games. Số còn lại được hưởng mức 200.000đ/người/ngày, hoặc thấp hơn đối với các đội tuyển trẻ.
Các bữa ăn trên “Nhổn” giờ đã được cải thiện rất nhiều với hình thức ăn buffet (món tự chọn), chứ không còn sắp theo mâm như trước. Các món ăn đã được thay đổi thường xuyên để tránh nhàm chán và không còn xuất hiện những món đặc biệt như ba ba, rắn hay đà điểu... HLV Nguyễn Văn Ngọc đội tuyển Cử tạ tỏ ra khá hài lòng khi nói về bữa ăn trên “Nhổn” trước thềm SEA Games: “Nhìn chung các món ăn đa dạng, phong phú và được điều chỉnh thường xuyên. Đây là nỗ lực rất lớn của Trung tâm trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho các VĐV ”.
Không phủ nhận các VĐV trên “Nhổn” giờ đây đã được ăn no hơn và ngon hơn. Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng khoa học vẫn là ước mơ của đông đảo các VĐV, HLV. Ai cũng biết, dinh dưỡng trong thể thao là vấn đề hết sức quan trọng và nó cần được điều chỉnh theo mỗi giai đoạn khác nhau trong quá trình tập luyện. “Với những môn thi đấu theo hạng cân thì giai đoạn này vấn đề dinh dưỡng hết sức quan trọng, bởi thực tế VĐV cần được ăn “chất” hơn là “lượng”. Vì ăn nhiều quá chỉ sợ… tăng cân”, một VĐV (không muốn nêu tên) đã chia sẻ.
Trung tâm HLTTQG I Hà Nội được biết đến như lò đào tạo nổi tiếng nhất của thể thao Việt Nam. Theo thống kê, vào đợt cao điểm ở 2 khu A, B của “Nhổn” có thời điểm lên tới trên 1.000 tuyển thủ thuộc các đội tuyển tập luyện và sinh hoạt tại đây. Trước thềm SEA Games 27, do phải cải tạo và xây mới một số nhà tập luyện nên chỉ còn khoảng 500 VĐV của 20 đội tuyển ăn, ở và tập luyện. Tuy nhiên, ở mỗi kỳ SEA Games từ trước tới nay, các VĐV tập luyện và ăn cơm “Nhổn” thường đóng góp trên 60% tổng số huy chương của đoàn TTVN và có lẽ SEA Games 27 dự kiến cũng không phải ngoại lệ. |