Đã thi chạy marathon thì đừng mơ ăn gian!
Năm 2013, khi Giải Marathon TP HCM tái xuất với trang bị công nghệ đo đếm thời gian tiên tiến như cách làm các giải quốc tế, thì cuộc chơi lớn của người đam mê chạy bộ tại Việt Nam chính thức bắt đầu.
Tham gia giải, các runner phải đóng lệ phí, ai lỡ chậm đăng ký phải lên các diễn đàn mạng, hỏi mua lại BIP (số áo tham dự) với giá "chợ đen" có khi lên đến vài triệu đồng. Ngoài việc in tên giải hay số báo danh cùng cự ly thi đấu, BIP còn được gắn chip điện tử để tiện việc ghi nhận thành tích qua hệ thống thu nhận tín hiệu dọc đường chạy và đích đến.
Cần giữ tinh thần thi đấu thể thao cao thượng, trong sạch ở mọi giải chạy
Tuy nhiên, một bộ phận người chạy vì thiếu thời gian luyện tập hoặc háo danh, thích sống ảo, muốn thành tích bằng mọi giá đã lợi dụng vấn đề này. Đơn cử như tại Giải Vô địch marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong 2021, một nữ VĐV đã gian lận ở cự ly 21 km dành cho lứa tuổi trên 45 bằng cách có mặt tại điểm xuất phát, chạy một quãng rồi đưa BIP cho một nam VĐV kẹp vào áo và chạy giúp.
Nữ VĐV này về nhất nhưng do cộng đồng Runbiz kịp thời phanh phui vụ việc nên ban tổ chức (BTC) giải quyết định tước huy chương, xóa thành tích và cấm thi đấu vĩnh viễn 2 VĐV này ở các giải tiếp theo.
Tưởng chừng sự cố trên là bài học cho những ai ưa chuộng hư danh thì lại xảy ra vụ việc tương tự tại Giải Marathon quốc tế TP HCM Techcombank. Một nữ VĐV được xác định về nhì ở cự ly 42,195 km dành cho lứa tuổi 30 - 39 với thành tích 3 giờ 56 phút 1 giây.
"Soi" kỹ, bản thành tích hào nhoáng này trùng hợp đến kỳ lạ với thành tích của một nam VĐV thi đấu cùng nội dung, cùng lứa tuổi. Tìm kiếm từ hàng ngàn tấm ảnh chụp đường đua, BTC không phát hiện được sự tồn tại của nữ VĐV có tên N.L.A, kể cả tại bục nhận giải nhì. Nhiều nghi vấn được đặt ra, đây là "chiêu trò" của các runner muốn thách thức các BTC, đồng thời thăm dò khả năng bị phát hiện khi gian lận thành tích.
Ông Nguyễn Trung Hinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết không khó để phát hiện gian lận. BIP điện tử xuất hiện đã giúp giảm thiểu số lượng trọng tài tại các giải, đồng thời ghi nhận thành tích chính xác đến từng phần ngàn giây.
Tuy nhiên, nếu quá ỷ lại vào BIP điện tử mà bỏ qua lực lượng trọng tài lại là chuyện khác. Các giải quốc tế luôn có đội ngũ trọng tài bấm giờ bằng tay để phòng trường hợp mất điện hay các sự cố gây ảnh hưởng đến hệ thống tính giờ điện tử. Việc bố trí trọng tài bấm giờ rải khắp lộ trình đua cũng rất cần thiết để ghi nhận việc VĐV qua từng chốt, việc xử lý kết quả cuối cùng sẽ không đến nỗi phức tạp khiến cộng đồng mạng nổi sóng như vừa qua.
(Tin thể thao) Sự việc 2 VĐV gian lận thành tích để giúp 1 người giành chức vô địch, mới bị phát hiện tại giải Tiền...
Nguồn: [Link nguồn]