Con nhà nông trên đấu trường quốc tế: Vươn lên trong gian khó
Với bản chất con nhà nông cần cù, chịu khó, càng ở vào những hoàn cảnh khó khăn, các vận động viên (VĐV) Việt Nam càng nỗ lực mang vinh quang về cho Tổ quốc. Ở những thời điểm mà ranh giới giữa thành công-thất bại rất mong manh thì động lực từ sự cổ vũ, trông chờ nơi quê nhà đã tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt lên...
Lửa thử vàng
Ghi nhận của phóng viên NTNN, trong những ngày tranh tài tại SEA Games 2015, các VĐV Việt Nam đã làm được điều khó nhất đối với một con người: Chiến thắng hoàn cảnh, vượt lên chính mình để giành những tấm “vàng mười”.
Tại nhà thi đấu Singapore Expo, phóng viên NTNN chứng kiến cảnh bộ ba võ sĩ taekwondo Tuyết Vân – Xuân Linh – Lệ Kim ăn trưa vào lúc… 15 giờ 30. Câu chuyện bắt đầu từ buổi sáng 12.6, Vân-Linh-Kim bước vào thi đấu biểu diễn quyền với tư cách những nhà vô địch thế giới. Vậy mà khi kết thúc phần thi gần như hoàn hảo, đội nữ Việt Nam lại được chấm có… 7,83 điểm, trong khi số điểm của Thái Lan là 7,90 điểm.
Nguyễn Thị Thật trên bục nhận HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp. Ảnh: N.L.D
Với kết quả này, Vân – Linh – Kim chỉ có HCB vì trọng tài bị… hỏng máy tính điểm (?!). Đi qua nỗi buồn, cảm giác uất ức, mỏi mòn nhịn đói, 13 giờ 30 cùng ngày các cô gái Việt Nam kiên cường bước vào “thi lại” với Thái Lan. Và cuối cùng, họ đã nhận được tấm HCV xứng đáng với 8,13 điểm, xếp trên Thái Lan (8,03 điểm).
Đúng 1 ngày sau sự cố taekwondo, sáng 13.6, cua-rơ Nguyễn Thị Thật đã “thuyết phục” được các trọng tài để giành HCV quý giá cho xe đạp Việt Nam. Trong cú nước rút về đích trên chặng đua đường trường, Thật đã bị cua-rơ Jutatip (Thái Lan) lạng xe, chèn ép, nhưng cô vẫn nỗ lực để cán đích với thời gian 2 giờ 49 phút 42 giây, cùng bằng thông số của Jutatip. Ban đầu, tổ trọng tài đã công nhận VĐV Thái Lan về nhất. Nhưng sau khi xem lại băng hình, tấm HCV xứng đáng đã được trao cho Thật.
Tấm “vàng mười” của cô gái quê An Giang này càng sáng hơn với ý nghĩa như một món quà mà Thật muốn dành tặng cho em gái mình là cua-rơ Nguyễn Thị Thà đã bị tai nạn nghiêm trọng trên đường đua dốc Cun (tỉnh Hòa Bình) tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Lúc này, SEA Games 2015 đã khép lại được nửa tháng nhưng bà Đặng Thị Út - mẹ của Thật và Thà vẫn chưa nguôi xúc động khi nghĩ về “cái nghiệp” của hai cô con gái: “Nhà tôi có 3 con gái, Thật là con đầu (SN 1993), sau đến Thà (1995) và em út là Thiệt chuẩn bị vào lớp 6. Trước đây, gia đình tôi chỉ biết trông vào thửa ruộng.
Nghe tin chúng nó muốn đi tập xe đạp, tôi đã can bởi con gái có thì, nghiệp VĐV lại cực lắm! Nhưng hai chị em đều mê xe đạp quá nên cũng đành chiều con... Nghe tin Thật được HCV SEA Games, gia đình tôi mừng lắm! Chuyện kinh tế chỉ là một phần, quan trọng là thành công này sẽ giúp Thật có thêm niềm tin để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê, “gánh” luôn phần thực hiện những ước mơ còn dang dở của em Thà”.
Chiến đấu vì người thân
Với việc kiếm thủ 27 tuổi quê Hải Dương Trần Thị Len giành “cú đúp vàng” cá nhân và đồng đội kiếm 3 cạnh nữ, ít ai biết trước thềm SEA Games 2015 khoảng 1 tháng, chị bị viêm phổi, phải uống thuốc và tiêm liên tục nên rất mất sức.
“Nghĩ đến chồng và con phải chịu thiệt thòi nhiều quá khi người vợ, người mẹ như tôi cứ tập huấn, thi đấu xa nhà liên miên là tôi lại tự nhủ không thể thua được. Chiến thắng là món quà ý nghĩa nhất tôi dành tặng cho gia đình mình” - Len bày tỏ. Chính những nỗ lực vượt lên chính mình của những VĐV như Len đã giúp đấu kiếm Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi, đoạt 8 HCV.
Cũng được coi là một “nhân tố bí ẩn” như Trần Thị Len, VĐV điền kinh năm nay 22 tuổi Nguyễn Thị Huyền đã gây ấn tượng mạnh tại SEA Games 2015. Trên đường chạy sân vận động quốc gia Singapore, cô gái trưởng thành trong một gia đình làm nông ở Yên Minh (Ý Yên, Nam Định) tỏa sáng rực rỡ với cú “hat-trick vàng” và “hat-trick kỷ lục SEA Games” 400m rào, 400m, 4x400m tiếp sức nữ. Đặc biệt, thành tích 56 giây 15 của Huyền còn vượt chuẩn B Olympic (56 giây 20), đồng nghĩa với việc cô là VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên chính thức có vé dự Olympic 2016.
Dõi theo từng bước chạy của Huyền ở Singapore, có cảm giác như cô luôn nhập cuộc với hơn 100% sức lực. Bao nhiêu thiệt thòi dồn nén trong Huyền khi sớm mồ côi cha, mẹ đau ốm liên miên, chị gái bị bệnh về thần kinh… như có dịp “vỡ tung” trong những pha nước rút thần tốc...
Ông Trần Đức Phấn – Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2015 tâm sự: “Mỗi kỳ đại hội thể thao khu vực, các đoàn luôn phải đối mặt với những khó khăn từ cách sắp xếp lịch, bố trí các môn, nội dung thi đấu... của chủ nhà. Mừng là ở SEA Games 2015, mỗi VĐV Việt Nam đã nỗ lực vượt lên, biến những khó khăn ấy thành thuận lợi của mình”. |