Con nhà nông trên đấu trường quốc tế: “Cất cánh” từ... ruộng đồng
Trong thành công của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 28 và nhiều đấu trường khác, có sự đóng góp rất lớn của các vận động viên (VĐV) xuất thân từ những gia đình thuần nông.
Con gái mà mê võ
Có một câu hỏi mà giới truyền thông không thể không lưu tâm là tại sao tại các Đại hội thể thao từ SEA Games, ASIAD đến Olympic nhiều năm qua, phái nữ luôn là những người gặt hái nhiều huy chương hơn nam giới? Cách đây 15 năm, tại Olympic 2000, nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân là người mang về tấm Huy chương Thế vận hội đầu tiên cho TTVN.
Gần hơn, 3 HCV mà TTVN giành được tại ASIAD 2006 thuộc về đội tuyển cầu mây nữ (2 HCV) và nữ võ sĩ karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh. Tới ASIAD 2010, 2014, lần lượt nữ võ sĩ karatedo Lê Bích Phương và nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi là những người giành HCV duy nhất cho TTVN. Gần nhất, tại SEA Games 2015 vừa qua, trên đất Singapore, các “nữ tướng” đã giành 39 HCV trong tổng số 73 HCV của đoàn TTVN.
Đi tìm câu hỏi với nhà vô địch SEA Games môn taekwondo hạng 46kg nữ Trương Thị Kim Tuyền thì thì được chia sẻ: “Để có thể khoác áo đội tuyển như hiện nay, em đã phải nhờ các chị, các cậu, các chú trong gia đình nói giúp với ba mẹ. Hai lần em xin, lần đầu xin đi tập võ và lần sau là xin đi tập trung đội tuyển tỉnh Vĩnh Long, phải xa nhà thường xuyên từ khi 14 tuổi là hai lần ba mẹ phản đối gay gắt vì con gái ai lại đi tập võ…!”.
Nữ võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền thi đấu quả cảm để giành HCV SEA Games 2015. Ảnh: H.A
Cũng chính niềm đam mê thể thao đã giúp các nữ VĐV vượt qua những khoảnh khắc mềm lòng, nhớ nhà, tủi thân vì sớm phải sống tự lập, không được ba mẹ cưng chiều như bạn bè cùng lứa. “Ngay khi tập luyện thôi chứ đừng nói tới thi đấu, việc lằn da, chảy máu là bình thường anh ạ. Đó là chưa kể đến chấn thương phải nghỉ thi đấu cả tháng, rồi cả khi ốm đau nữa. Nhưng theo nghiệp võ rồi, khi gọi điện nói chuyện với gia đình, bọn em đều giấu đi vì sợ người nhà lo”, “độc cô cầu bại” kiếm chém nữ SEA Games Nguyễn Thị Lệ Dung bộc bạch.
Cơm áo không đùa với… VĐV
Trong câu chuyện kể trên, Trương Thị Kim Tuyền và Nguyễn Thị Lệ Dung đều là con gái nhà nông. Kim Tuyền quê ở Vĩnh Long, việc mưu sinh của gia đình trông cả vào vườn chôm chôm. Còn Lệ Dung nhà ở Sóc Sơn (Hà Nội) làm lúa. Tuyền và Dung là những trường hợp hiếm hoi là con nhà nông mà không mấy thạo việc đồng áng do từ nhỏ đã xa nhà đi luyện võ.
Trên đất Singapore những ngày tháng 6 nóng bỏng vừa qua, cô gái người miền núi dân tộc Sán Dìu năm nay mới 16 tuổi Trương Thị Phương trong lần đầu dự SEA Games đã giành được tấm HCV quý giá ở môn đua thuyền canoeing. Gia cảnh của Phương rất khó khăn và chuyện kiếm sống lâu nay chỉ biết trông vào 2 sào ruộng ở quê nhà Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Từ nhỏ, Phương cũng đã biết theo cha mẹ lên từng hái măng, kiếm củi: “Bây giờ chưa mang được tiền gì về cho bố mẹ, nhưng theo nghiệp thể thao ít nhất cũng đỡ được 1 miệng ăn, đỡ được chi phí gia đình, vậy là quá quý rồi”-Phương bày tỏ.
Cùng cảnh với Phương là câu chuyện về những tấm HCĐ thấm đẫm nước mắt. Các phóng viên từng có mặt tại Nhà thi đấu Singapore Expo ngày 8.6.2015 đều không thể quên khuôn mặt sưng tấy của Lê Thị Ngọc Anh sau khi thua đối thủ quá mạnh Chuthamat (Thái Lan) ở trận bán kết boxing hạng 45-48kg nữ.
Cảm giác nghẹn ngào xuất hiện khi vừa hài lòng với tấm HCĐ trong lần đầu dự SEA Games, cô gái 20 tuổi sinh ra ở Sóc Sơn trong một gia đình làm nông có 5 anh chị em này cũng không giấu nổi sự tiếc nuối: “Nếu thắng trận và vào được chung kết, tôi sẽ có thêm tiền để phụ giúp gia đình, đỡ đần em trai đang học đại học”.
Cũng chỉ giành được 2 HCĐ (đơn nam, đôi nam) môn bi sắt ở SEA Games 2015 nhưng những khoản tiền thưởng đối với chàng trung úy 28 tuổi người dân tộc Khmer Ngô Ron cũng vô cùng đáng quý: “Nhà tôi ở Sóc Trăng có 3 chị em, chị cả đã lấy chồng, em trai làm bánh cũng vất vả lắm. Ở nhà có ít ruộng, mẹ tôi vừa làm vừa đi làm thuê cũng không đủ ăn do phải lo cho cha bệnh tật liên miên và bà nội đã cao tuổi. Giành được huy chương, tôi cũng có thêm tiền thưởng để lo cho vợ con và quan trọng nhất là có được chút tiền đưa cha đi khám bệnh, rồi lo thuốc thang cho cha”- Ngô Ron trải lòng.
Ông Vũ Đức Thịnh - Trưởng bộ môn boxing Tổng cục TDTT: “Hầu hết các VĐV theo nghiệp boxing ở Việt Nam đều là con nhà nghèo, sinh ra ở nông thôn. Việc đi thi đấu giúp họ có thu nhập để giúp đỡ gia đình. Chính điều đó là nguyên nhân khiến nhiều cô gái sẵn sàng hy sinh vẻ nữ tính để bước lên võ đài thi đấu”. |