Con đường của Li Na
Li Na kết thúc sự nghiệp lịch sử của mình nhưng là để mở rộng con đường thành công cho tennis châu Á.
Sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của Li Na chính thức kết thúc khi cô tuyên bố mình sẽ treo vợt trong cuộc họp báo vừa tổ chức ở Trung Quốc đầu tháng này. Nhưng có thể đoán được điều đó khi cô vắng mặt ở US Open sau khi đã thua từ vòng 1 ở Roland Garros và vòng ba Wimbledon.
Sự nghiệp huy hoàng của Li Na có thể được điểm qua với hai Grand Slam, cái đầu giành năm 2011 tại Roland Garros (khi 29 tuổi) và cái cuối cùng đoạt được tại Australian Open đầu năm nay.
Hai Grand Slam của Li Na chỉ bằng 1/12 của Margaret Court (người Australia), kém chẵn 20 cái so với Steffi Graf, hay nếu so với các tay vợt nữ đương thời thì cũng chẳng là gì so với 18 của Serena Williams và sáu cái của Sharapova trong đó có hai danh hiệu giành được khi chưa tròn hai mươi tuổi.
Nhưng mọi con số so sánh ở đây không thực sự có nhiều ý nghĩa, chúng không thể đưa Li Na trở lại là một tay vợt bình thường, hay ngôn ngữ xã hội là “dìm hàng”.
Li Na là tay vợt nữ thành công nhất trong lịch sử châu Á
Một sự nghiệp chỉ kéo dài 4 năm!
Vì Li Na là một người châu Á, châu lục không có truyền thống tennis, và cô sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, một quốc gia vĩ đại về dân số và trong các môn bóng chỉ thực sự thống trị thế giới ở môn bóng bàn nhờ người phương Tây không có nhiều hứng thú với nó.
Trong cuốn tự truyện “Cuộc đời của tôi”, Li Na nói rằng sự nghiệp chuyên nghiệp của cô chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2009, khi cô đã 27 tuổi.
Cách tính như thế có thể gây tranh cãi. Năm 17 tuổi, Li Na chơi trận đấu đầu tiên trong hệ thống của ITF. Hàng loạt các chiến thắng ở hệ thống này đã giúp cô đủ điều kiện để điền tên ở các giải WTA khi bước sang tuổi 18.
Năm 2004, Li Na giành danh hiệu WTA đầu tiên. Năm 2006, cô vào tới tứ kết Wimbledon. Và năm 2008, khi Olympic tổ chức ở Bắc Kinh, Li Na đã lọt vào tới bán kết và sau đó thua trong trận tranh HCĐ.
Đó là thành tích rất đáng kể với bất cứ ai bởi Olympic quy tụ các tay vợt hàng đầu và một tấm huy chương là vô cùng danh giá (hãy xem Federer khát khao một tấm HCV đơn nam, hay cách Del Potro ăn mừng tấm HCĐ năm 2012).
Nhưng Li Na không sai. Sự nghiệp chuyên nghiệp ấy chỉ chính thức bắt đầu khi cô không còn là một tay vợt quốc doanh. Năm 2009, Li Na tuyên bố giã từ đội tuyển tennis Trung Quốc, không còn nằm trong sự quản lý, tập luyện của Liên đoàn tennis Trung Quốc.
Phải từ đó, cô mới được đi theo con đường chuyên nghiệp thực thụ chứ không phải là chuyện cô không còn phải nộp tới 65% tiền thưởng cho Liên đoàn: Li Na được tự thuê HLV, được chọn điểm tập luyện, thay vì đi theo các chương trình hợp tác đối ngoại giữa các quốc gia hay theo những khoản đầu tư rót từ trên xuống có thể bị chấm mút. Tất cả đều giống như các tay vợt chuyên nghiệp phương Tây.
“Phản bội” thì đã sao?
Cuộc dứt áo đó cùng với những tuyên bố mang màu sắc chủ nghĩa cá nhân (điều khá xa lạ với một số dân tộc) khiến Li Na bị coi như một “kẻ vong ơn bội nghĩa”.
Tôi còn nhớ năm 2011 khi gặp David Yang, một cây bút tự do sống ở Bắc Kinh, thi thoảng viết bài cho Sports Illustrated, bàn về Li Na nhân cô vừa vô địch Roland Garros, anh bảo: sự đầu tư của chính phủ Trung Quốc cho tennis nữ là rất lớn, bởi họ có một thế hệ vàng với Li Na, Zheng jie.
Năm 15 tuổi, Li Na được lên tuyển. Một năm sau, cô được đài thọ sang Mỹ tập 10 tháng. Đó là một trong những sự đầu tư đáng kể từ Liên đoàn.
Thế nên cũng có thể nói, sự đầu tư của Liên đoàn đã giúp cô phát triển tài năng trong khi thế giới hầu như không bao giờ để ý tới Trung Quốc trong các cuộc tìm kiếm nhân tài (và tennis lại càng không).
Trong một cuộc thống kê về các dự toán chi phí để đầu tư cho quá trình đào tạo một tay vợt trẻ, Liên đoàn quần vợt Anh tính rằng cần 400 ngàn USD để đầu tư cho một tay vợt từ lúc 5 tuổi đến 18 tuổi, Liên đoàn Mỹ tính cần tối thiểu 35 ngàn USD để một tay vợt trẻ trang trải chi phí HLV, khách sạn, di chuyển…. trong một năm thi đấu các giải trẻ.
Với các nước châu Á, chi phí có thể lớn hơn bởi do không có sẵn những cơ sở vật chất hàng đầu và thiếu cả các HLV đẳng cấp. Hiểu thực tế ấy sẽ biết thêm giá trị những gì Li Na cần để đủ lông cánh và bay.
Và những vinh quang ban đầu của Li Na, như vào tới tứ kết Wimbledon 2006, bán kết Olympic là quả ngọt của một tay vợt quốc doanh.
Nhưng, việc quay lưng với Liên đoàn và thậm chí là cả với truyền thông thể thao của Trung Quốc cũng chẳng phải là một điều gì ghê gớm.
Tennis là như thế nếu biết rằng các Liên đoàn như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Tây Ban Nha coi việc đầu tư phát triển phong trào, đầu tư cho các gương mặt trẻ tiềm năng là trách nhiệm. Và họ nhìn những thành công của các tay vợt trong tương lai là sự đền đáp, hoặc nếu thất bại, cũng OK, họ lại đầu tư tiếp cho các tay vợt trẻ khác. Họ sẵn sàng nhận trách nhiệm trước thất bại, nhưng không đứng lên hàng đầu để điểm danh trước mỗi thành công.
Chẳng hạn, sự thành công của Sabine Lisicki, tay vợt nữ người Đức vẫn thường tập luyện ở trung tâm Olympic nằm ở ngoại ô Berlin giúp cho phong trào tennis ở Đức tiếp tục phát triển. USTA, Liên đoàn quần vợt Mỹ vẫn đang sẵn sàng đầu tư cho bất cứ tài năng trẻ nào mà không có những đòi hỏi chia tiền thưởng quá đáng vì có các ngôi sao Mỹ sẽ làm cho các giải tennis ở Mỹ kiếm được nhiều tài trợ và bán được nhiều vé hơn.
Thật ngạc nhiên nhưng là sự thật, tennis Croatia đang bỏ tiền ra săn các tài năng trẻ có nguồn gốc Croatia để đầu tư mà không kèm những ràng buộc nào về sau này, ngoại trừ việc họ yêu cầu phải mang quốc tịch của đất nước từng thuộc về Nam Tư (cũ). Điều đó có lợi cho màu cờ sắc áo, có lợi cho phong trào.
Thành công của Li Na mở ra tương lai cho quần vợt Trung Quốc
Grand thứ năm của thế giới sẽ diễn ra ở Trung Quốc?
Tennis quốc doanh giúp cho Li Na đủ sức vươn ra thế giới. Nhưng chỉ có tennis cá thể mới giúp cô vươn lên đỉnh cao thế giới.
Li Na rời Trung Quốc, chọn Đức làm nơi tập luyện thường xuyên với một ê kíp huấn luyện thể lực hàng đầu, và thuê HLV người Đan Mạch Michael Mortensen (và sau này thuê lại HLV từng dẫn dắt Henin, Carlos Rodriguez).
Kết quả là năm 2010, cô lần đầu giành giải Premier trong hệ thống WTA sau khi vô địch Sydney, và trở thành người Trung Quốc đầu tiên vào tới bán kết Grand Slam ngay tại Australian Open sau đó. Nên nhớ, Australian Open diễn ra vào đầu năm, lại là mùa Hè ở Nam bán cầu, là một trong hai Grand Slam đòi hỏi thể lực rất cao.
Grand Slam khắc nghiệt còn lại là Roland Garros thì Li Na đã vô địch một năm sau đó, 2011, đi vào lịch sử: trở thành người châu Á đầu tiên vô địch một trong bốn giải tennis lớn nhất thế giới.
Và như chứng tỏ cho sự tiến bộ kể từ sau khi ra ở riêng ấy, Li Na vô địch Australian Open đầu năm nay trong khi hàng loạt các tay vợt hàng đầu khác gục ngã.
Trong quãng thời gian này, Li Na vươn tới vị trí số 2 thế giới và hầu như chỉ đứng trong top 10 thế giới trong ba năm qua.
Thành công trên sân đấu cộng với ưu thế của một hình mẫu ở đất nước có hơn tỉ dân, Li Na trở thành cỗ máy kiếm tiền nhiều thứ hai trong thế giới tennis, vượt qua Serena để chỉ đứng sau Sharapova.
Nhưng thành công không chỉ cho riêng Li Na. Vinh quang của cô giúp tennis Trung Quốc phát triển.
Tất nhiên, ai cũng biết Thượng Hải từng tổ chức Master Cup trước khi thế giới ca tụng Li Na, nhưng nhờ thành công của cô, số lượng giải đấu tổ chức ở Trung Quốc của WTA tăng từ 2 lên tới 10, trong đó có một giải ở quê hương của Li Na, Vũ Hán.
Henin đã mở một học viện ở Trung Quốc. HLV Rodriquez cũng đi theo con đường đó. Và giờ đây, chính bản thân Li Na cũng sẽ mở những ngôi trường đào tạo tài năng tennis theo chuẩn mực của phương Tây cho trẻ em Trung Quốc.
Và Li Na đã treo vợt, nhưng quyền lực mềm từ cô có thể sẽ không dừng lại. Mà nếu một ngày nào đó, Grand Slam thứ năm ra đời, khi văn hoá thưởng thức tennis của người Trung Quốc được nâng cấp, hẳn nó sẽ được tổ chức ở đây.