Con đường biến MMA trở thành môn võ "2 trong 1" của Việt Nam
Là một trong những môn võ thuật sinh sau đẻ muộn, nhưng MMA (Võ tổng hợp) đang chứng kiến tốc độ phát triển thần kỳ. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, khi MMA có thể sẽ trở thành môn võ đầu tiên tại Việt Nam được quản lý theo mô hình 2 trong 1, cả trên khía cạnh thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp.
Cú hích từ quốc tế
Năm 2009, Việt Nam trở thành nước chủ nhà Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (Asian Indoor Games) lần thứ 3. Đây là giải đấu chứng kiến màn ra mắt của hai môn võ hoàn toàn lạ lẫm với công chúng Việt Nam: Muay và Vovinam. Sau 14 năm, cả hai môn võ này đều chứng kiến phong trào phát triển rộng khắp, với hàng chục ngàn võ sinh theo học trên cả nước.
Vovinam được giới thiệu đưa vào chương trình thi đấu Asian Indoor Games 2009 như môn Quốc võ của Việt Nam. Công tác tổ chức và kết quả giải đấu có thể gây ít nhiều tranh cãi, nhưng đó là dấu mốc mở đầu cho một bước nhảy vọt. Giờ đây, Vovinam không chỉ phát triển ở Việt Nam, mà còn phổ biến với bạn bè quốc tế, thậm chí xuất hiện trong 2 kỳ SEA Games gần nhất.
MMA Việt Nam có thể hưởng lợi từ “ông hàng xóm” Thái Lan.
Còn với Muay, Asian Indoor Games 2009 là cơ hội giúp những người làm chuyên môn nhìn ra tiềm năng của một môn võ mới. Những nét tương đồng giữa Muay và Võ cổ truyền Việt Nam giúp môn võ có nguồn gốc từ Thái Lan nhanh chóng được phổ biến rộng khắp. Nhà vô địch châu Á 2009 Nguyễn Trần Duy Nhất đến giờ cũng trở thành một tượng đài của Muay Việt Nam.
Hơn 1 thập niên trôi qua, Asian Indoor Games giờ đây đã mang một tên gọi mới: Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á (AIMAG). Tuy nhiên, sứ mệnh phổ cập những môn võ mới của giải đấu này vẫn còn giữ nguyên giá trị. Từ một môn võ chỉ tổ chức thi đấu chuyên nghiệp, MMA sẽ được đưa vào chương trình thi đấu AIMAG 2023, tổ chức vào cuối năm nay tại Thái Lan.
Những nhà điều hành thể thao Thái Lan không giấu tham vọng phát triển MMA theo hướng thành tích cao từ bàn đạp AIMAG. Trong điều kiện được công nhận như một môn thể thao, MMA hoàn toàn có thể được đưa vào chương trình thi đấu World Games tiếp theo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc MMA sẽ trở thành môn thể thao Olympic nhóm 2, qua đó không bị giới hạn trong SEA Games 33.
Trong quá trình "Olympic hóa" SEA Games tới, Thái Lan cam kết bãi bỏ những môn thể thao mang nặng tính địa phương nhằm tăng cơ hội tranh HCV cho nước chủ nhà. Nhưng ở chiều ngược lại, quốc gia tổ chức SEA Games 33 không ngần ngại tìm cách tăng HCV cho mình theo những môn Olympic mà họ có thế mạnh. Để làm điều đó, Thái Lan lên kế hoạch phát triển theo hai hướng.
Thứ nhất, SEA Games 33 là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á đầu tiên có những môn thể thao mùa đông trong chương trình thi đấu. Với việc kéo lùi SEA Games 33 về cuối năm 2025, Thái Lan sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức các môn trượt tuyết, trượt băng nghệ thuật. Thứ hai, họ mở rộng chương trình thi đấu ở các môn võ mình có thế mạnh như Muay và MMA.
Ở thời điểm hiện tại, Thái Lan là 1 trong 4 quốc gia hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á có giải MMA chuyên nghiệp. Lực lượng võ sĩ dồi dào từ các môn khác như Muay, Kickboxing giúp họ không mất quá nhiều thời gian để đào tạo võ sĩ MMA. Tuy nhiên, thuận lợi Thái Lan sở hữu cũng là điểm mạnh của Việt Nam, khi chúng ta cũng có giải MMA vô địch quốc gia.
Tham vọng phát triển 2 trong 1
Một huấn luyện viên, kiêm trọng tài MMA Việt Nam chia sẻ: "Trào lưu tập luyện, thi đấu MMA tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ khoảng 10 năm trước. Hình ảnh về một thể thức thi đấu mới, cùng luật thi đấu không giới hạn trong một môn võ nào khiến những người tập luyện võ thuật như chúng tôi cảm thấy hứng thú, và bước đầu thử học theo từ những tài liệu nước ngoài".
Để hướng tới mô hình “2 trong 1”, MMA cần có hệ thống giải vô địch quốc gia.
Tuy nhiên, do một số sai sót trong công tác tổ chức sự kiện ở thời gian đầu, MMA từng có thời điểm bị cấm tại Việt Nam. Từ hình ảnh một môn thể thao bất hợp pháp, MMA chỉ có thể danh chính ngôn thuận bước ra ngoài ánh sáng vào thời điểm thành lập Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF), thành viên trực thuộc Liên đoàn Võ tổng hợp thế giới (IMMAF).
VMMAF không mất quá nhiều thời gian để tạo một món ăn tinh thần mới cho khán giả Việt Nam. Từ những sự kiện đơn lẻ, giải vô địch MMA Việt Nam (Lion Championship) đã dần được tổ chức định kỳ hàng tháng. Những người tổ chức Lion Championship thậm chí còn không giấu giếm ý định biến những sự kiện MMA Việt Nam diễn ra hàng tuần giống như UFC và ONE Championship.
Có thể nói, VMMAF đã không mất quá nhiều thời gian để gặt hái thành công trên phương diện tổ chức giải đấu thể thao chuyên nghiệp. Sự kiện của họ đã bán được vé và có nhà tài trợ đồng hành. Những điểm hạn chế trong công tác tổ chức luôn được VMMAF thẳng thắn nhìn nhận, tiếp thu, nhằm xây dựng hình ảnh giải đấu đẹp hơn trong mắt người hâm mộ.
Một phần lợi thế của VMMAF khi tổ chức Lion Championship là họ phát triển mảng thể thao chuyên nghiệp trong thời gian đầu tiên. Con đường sẽ khó khăn hơn với những nhà quản lý MMA Việt Nam trong thời gian tới, khi họ có thể tiếp tục tham gia sân chơi thể thao thành tích cao, hướng đến những giải đấu quốc tế trong tương lai như AIMAG, World Games và SEA Games.
Nếu VMMAF lấn sân sang chơi thể thao thành tích cao, MMA sẽ trở thành môn "2 trong 1" đầu tiên tại Việt Nam được quản lý bởi một Liên đoàn thể thao quốc gia. Hai khái niệm, hai hệ thống "võ thuật chuyên nghiệp" và "võ thuật nghiệp dư" sẽ cùng tích hợp trong MMA Việt Nam. Đó cũng là thời điểm MMA cho thấy tầm ảnh hưởng trên phương diện trong nước và quốc tế.
Điều kiện cần và đủ
Tại Việt Nam, những môn võ có thể phát triển theo cả 2 hướng thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp có thể kể đến như MMA, Boxing, Muay và Jujitsu. Môn Muay hiện tại chưa có liên đoàn thể thao cấp quốc gia để quản lý, xây dựng phương hướng hoạt động. Quyết định thành lập Liên đoàn Muay Việt Nam đã có từ 2 năm trước, nhưng Đại hội nhiệm kỳ 1 vẫn chưa thể tổ chức.
Trọng tài MMA Việt Nam hiện tại là những huấn luyện viên võ thuật ở địa phương hoặc Câu lạc bộ tư nhân.
Trên phương diện Boxing và Jujitsu, 2 môn võ này đã có liên đoàn quốc gia và làm tốt ở khía cạnh thể thao thành tích cao, nhưng các sự kiện chuyên nghiệp lại chưa hình thành màu sắc riêng. Trong bối cảnh đó, MMA có thể trở thành hình mẫu phát triển cho các môn võ khác. Họ đã có Liên đoàn thể thao quốc gia, và đạt thành công nhất định ở thể thao chuyên nghiệp.
Điều kiện cần và đủ để MMA Việt Nam phát triển mảng thể thao thành tích cao là một hệ thống làm việc vận hành ăn khớp nhau. Nếu những người làm MMA tại Việt Nam muốn có võ sĩ bước ra đấu trường quốc tế, họ phải chọn đại diện ưu tú nhất qua tuyển chọn, thi đấu. Nói cách khác, MMA Việt Nam cần có một hệ thống các giải vô địch quốc gia như các môn thể thao thành tích cao.
Trong thời điểm hiện tại, mỗi môn thể thao đỉnh cao của Việt Nam có 2-3 giải tổ chức hàng năm: Giải vô địch quốc gia, Giải vô địch các câu lạc bộ (Cúp Quốc gia) và Giải trẻ toàn quốc. Chỉ khi nào được liên tục tập luyện, so tài với những đối thủ đồng cân đồng lạng trong nước, võ sĩ Việt Nam mới sẵn sàng vươn ra quốc tế.
Bên cạnh một hệ thống giải vô địch quốc gia được tổ chức bài bản, MMA Việt Nam cần có lực lượng trọng tài lớn mạnh, đủ để làm nhiệm vụ tại nhiều giải đấu liên tục. Đó là điều kiện tiên quyết để MMA phát triển theo đúng hướng của một môn võ chân chính: Trung thực, khách quan, cao thượng và minh bạch.
"Là những người gắn bó với MMA Việt Nam từ những ngày đầu tiên, chúng tôi mong muốn mình có thể góp một phần công sức trong giai đoạn này. Chúng tôi mong những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài được tổ chức một cách thường xuyên hơn. Chỉ có cách đó mới nâng cao chất lượng huấn luyện viên và trọng tài, đồng thời tránh những sai lầm đáng tiếc", một huấn luyện viên chia sẻ.
Trọng tài MMA Việt Nam: Họ là ai, làm gì? Phần lớn các trọng tài MMA Việt Nam thời điểm hiện tại là các huấn luyện viên (HLV) võ thuật. Họ có thể là người đang làm thể thao thành tích cao tại địa phương, nhưng cũng có không ít HLV phòng tập tư nhân. Trung bình mỗi khóa đào tạo HLV, trọng tài MMA, họ phải chi khoảng 12-15 triệu đồng tiền vé máy bay, lưu trú tại nơi tổ chức lớp học, cũng như chi trả phí sinh hoạt cá nhân. "Mỗi chuyến đi học, tập huấn nghiệp vụ trọng tài, huấn luyện viên là mỗi lần chúng tôi phải gác lại công việc cá nhân. Có người phải hoãn các lớp học ở nhà, người phải xin phép cơ quan chủ quản để không phải dẫn đội đi đấu các giải trong nước. Lớp tập huấn cũng thường kéo dài 5-7 ngày, nên chi phí sinh hoạt theo đó tăng lên", một trọng tài chia sẻ. Lợi thế của các trọng tài MMA Việt Nam là họ xuất thân từ vận động viên, HLV võ thuật nên có kiến thức căn bản rất tốt về kỹ thuật đánh, những đòn đúng luật và sai luật. Chỉ có những HLV đạt chứng chỉ cấp 3, cấp cao nhất của huấn luyện MMA tại Việt Nam mới được tiếp tục học làm trọng tài. Điều đó cho thấy trở thành trọng tài MMA tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, trong tầm nhìn dài hạn, MMA Việt Nam cần có thêm một đội ngũ trọng tài độc lập. Họ là những người có kiến thức về MMA, nhưng làm những việc không liên quan đến võ thuật, không tham gia công tác huấn luyện. Trọng tài độc lập là những người được đảm bảo khách quan nhất, không có tranh cãi với phán quyết họ đưa ra ở những giải võ thuật quốc tế. |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin MMA) Sự kiện Lion Championship 6 diễn ra tại Hà Nội có màn so tài hấp dẫn giữa Quang Lộc và Kamil.