Chuyện vui buồn của bắn súng Việt Nam ở ASIAD 19
Thêm một lần nữa, bắn súng trở thành môn "cứu tinh" cho đoàn Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế. Nhưng bên cạnh tấm HCV bất ngờ của Phạm Quang Huy, đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng có những xạ thủ phải rời cuộc chơi trong nước mắt khi thi đấu dưới kỳ vọng.
Chuyện của nhà vô địch ASIAD
Ở tuổi 27, Phạm Quang Huy mới lần đầu có cơ hội tham dự một kỳ Á vận hội. Xạ thủ người Hải Phòng giành ngôi vị cao nhất khi anh đánh bại lần lượt các đối thủ Hàn Quốc, Uzbekistan, Ấn Độ và chủ nhà Trung Quốc. Nhưng ít ai biết, Quang Huy đã lên ngôi vô địch châu Á với thể thức anh chưa vô địch quốc gia 1 năm qua.
Tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Quang Huy là một trong những thành viên của đội Hải Phòng tham dự môn bắn súng. Xạ thủ sinh năm 1996 giành 1 HCB nội dung 10m súng ngắn hơi, nhưng ở nội dung hỗn hợp nam nữ. Với thể thức cá nhân nam, anh chỉ đứng hạng 7 chung cuộc và không được trao huy chương. Đến tháng 3/2023, tại giải vô địch súng hơi quốc gia tổ chức ngay trên "sân nhà" Hải Phòng, Quang Huy cũng không thể giành HCV. Anh khép lại nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nam với vị trí thứ nhì chung cuộc, xếp sau Nguyễn Đình Thành (Công an Nhân dân).
Quang Huy giành HCV ASIAD theo kịch bản không ai nghĩ tới.
Tại giải vô địch bắn súng các đội mạnh quốc gia tháng 8/2023, Quang Huy giành HCĐ. Ở sân chơi quốc tế, Quang Huy là thành viên đội tuyển bắn súng Việt Nam vô địch SEA Games 31 nội dung 10m súng ngắn hơi đồng đội nam. Nhưng ở thể thức thi đấu cá nhân, Quang Huy lại không thể vượt qua vòng loại.
Thành tích tốt nhất anh giành được ở các giải cấp độ thế giới trong 2 năm qua là vị trí thứ 28 vòng loại. Đâu là lý do khiến Quang Huy có thể giành HCV ASIAD ở nội dung anh chưa vô địch quốc gia 1 năm qua? Câu trả lời nằm ở điểm rơi phong độ vận động viên. Đây là điều kiện tiên quyết với thành tích của các xạ thủ trong một giải đấu. Quang Huy vốn thi đấu không thực sự tốt ở giải vô địch thế giới vừa qua, nhưng anh đã cải thiện phong độ khi đến Á vận hội lần này.
Tại ASIAD 19, Quang Huy giành 580 điểm tại lượt đấu vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Đây là con số rất cao với cá nhân Quang Huy, người vốn chỉ có điểm số dao động quanh mức 575 điểm tại các giải trong nước và quốc tế. Trong 60 phát bắn, xạ thủ Việt Nam không có lần bắn nào dưới 9 điểm. Phong độ tốt được Quang Huy tiếp tục thể hiện ở lượt đấu chung kết sau đó.
Sau 3 lượt bắn đầu tiên, Quang Huy lọt nhóm tranh huy chương với khoảng cách không quá lớn so với người đứng đầu. Xạ thủ người Hải Phòng mất thêm 2 lượt bắn nữa để vươn lên vị trí đầu tiên, và giữ vững ngôi đầu đến khi kết thúc. Trên thực tế, trong môn bắn súng, khoảng cách điểm số giữa nhà vô địch và những người phía sau luôn rất nhỏ. Quang Huy đã giành HCV ASIAD khi chỉ hơn người đứng sau đúng 1,1 điểm. Anh cũng chỉ nhỉnh hơn các xạ thủ không vượt qua vòng loại 3 điểm. Ranh giới giữa người thắng kẻ thua luôn rất nhỏ, và Quang Huy đã vượt qua điều đó.
Ai cũng là "vua vòng loại"
Chia sẻ về khối lượng tập luyện của vận động viên Việt Nam với bạn bè quốc tế, một kiện tướng từng tham dự Olympic nói: "Nếu xếp hạng trao huy chương Olympic theo số bài tập, Việt Nam chắc chắn vô địch thế giới. VĐV Việt Nam tập luyện chăm chỉ, chuyên cần hơn các nước khác, nhưng chúng ta thiếu những vị trí bổ trợ khác để cải thiện thành tích cho VĐV. Câu chuyện tương tự cũng được VĐV Wushu Dương Thúy Vi chia sẻ bên lề sau khi giành HCĐ ASIAD 19.
Cô gái vàng của thể thao Việt Nam nói nếu tính thành tích tập luyện vào thi đấu, ai cũng là "vua vòng loại". Bởi, trước ngày vào tranh tài chính thức, họ đã trải qua hàng trăm buổi tập, với thành tích hay dở thay đổi theo từng ngày. Giữa hàng chục vận động viên, ban huấn luyện một đội tuyển thể thao thường chọn ra những gương mặt đại diện có thành tích thi đấu ổn định nhất. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo cho việc VĐV có thể tái hiện thành tích trong thời gian tập luyện giống như lúc đấu thật. Đó là điều bắn súng Việt Nam đã chứng kiến tại ASIAD 19 với trường hợp của Trịnh Thu Vinh.
Tại ASIAD 19, vòng loại nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh nữ, Trịnh Thu Vinh có khởi đầu khá tốt. Tinh thần của xạ thủ trẻ đang lên cao thời gian gần đây, nhất là khi cô đã giành một suất tham dự Olympic Paris. Nhưng khác với những thể thức còn lại, vòng loại 25m súng ngắn bắn nhanh nữ lại diễn ra trong 2 ngày. Phong độ của Thu Vinh vì thế cũng thay đổi theo. Từ vị trí thứ 4 vòng loại trong ngày đầu tiên, Thu Vinh thi đấu dưới sức khi bước sang ngày tiếp theo.
Xạ thủ 23 tuổi kết thúc vòng đấu loại với vị trí thứ 27. Bản thân Thu Vinh dường như cũng không hiểu vì sao cô có thể bắn tệ như vậy. Kết thúc bài thi, cô bật khóc vì thất vọng với bản thân. Những giọt nước mắt của Thu Vinh cho thấy phần nào áp lực mỗi VĐV phải gánh trên vai khi bước ra đấu trường quốc tế. Ai cũng muốn vô địch, nhưng chỉ có 1 người cuối cùng được đứng lên bục cao nhất.
Mỗi tấm huy chương đều đáng quý, và những VĐV không giành huy chương, không có nghĩa họ là người thất bại. Chuyện của Quang Huy và Thu Vinh là những ví dụ tiêu biểu nhất trong bắn súng. Ở môn thể thao cần sự chính xác đến tuyệt đối này, phong độ và tâm lý sẽ quyết định cho thành tích của VĐV. Vì thế, mỗi xạ thủ cần có tâm trạng tốt nhất để cầm súng để nhả đạn trúng hồng tâm.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin ASIAD) Hai VĐV có khoảng cách tuổi đời lên tới gần 5 thập kỷ đều giành được HCV ASIAD.