Chuyện về võ sư hạ nốc ao nhà vô địch quốc gia khi chưa hết hiệp một
Nhanh như chớp, chân trái của tôi tung cú đá cực mạnh, thọc sâu vào hai chân trụ của Trần Cường. Lúc này, Trần Cường chúi người xuống và mặt dính ngay cú chỏ của tôi, rồi nằm đo ván. Trận đấu kết thúc chỉ mới hơn 2 phút của hiệp đầu”, võ sư Phi Hùng kể.
1. Võ sư Nguyễn Phi Hùng tên thật là Nguyễn Ninh (SN 1952) là con út trong một gia đình nghèo gồm 8 anh chị em ở xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Người cha đi tập kết khi ông vừa lọt lòng được vài tháng, một mình người mẹ gánh nặng nuôi các con. Lớn lên, người anh cả của ông là võ sư Nguyễn Hồng sau nhiều năm cất công đi khắp nơi tầm sư học võ đã trở về quê nhà và truyền dạy võ thuật cho ông. Và giống như người anh của mình trước đó, ông cũng được mẹ khuyên: “Con đừng đi học võ vì nó nguy hiểm lắm”. Dù vậy, ông cũng thuyết phục được mẹ để mình nối nghiệp theo anh.
Thời đó, một số võ sư ở miền Trung có quan niệm, học thầy nào thì chỉ học một thầy, nếu học thêm thầy khác thì người trò sẽ bị coi là phản sư. Tuy nhiên, võ sư Nguyễn Hồng cho rằng, cần phải để học trò học từ nhiều thầy. Như vậy, người học mới tiến bộ, mới phát huy được sở trường của mình.
Điều chứng minh là ngay từ nhỏ, ông Hồng đã đi khắp nơi để được học võ từ nhiều thầy khác nhau và đã có được những thành tích đáng nể. Quan niệm học võ phải mở của ông Hồng nhận được sự đồng tình của một số võ sư ở Quảng Ngãi thời bấy giờ. Và, để học trò tiến bộ, họ cùng nhau mời võ sư Minh Cảnh (ở Sài Gòn), vốn là nhà vô địch quyền thuật Đông Dương, được mệnh danh là võ vương, tức vua trong làng võ Sài Gòn ra để truyền dạy.
“Anh trai tôi rất cởi mở trong việc dạy và học võ. Anh ấy học từ nhiều thầy và tôi cũng học từ nhiều thầy khác nhau. Thời đó, anh ấy truyền dạy tất cả tuyệt chiêu võ thuật cho người ngoài dòng họ, không giữ làm của riêng. Cũng nhờ anh ấy mà tôi được học võ sư Minh Cảnh nên tiến bộ rất nhanh. Võ sư Minh Cảnh phát hiện và chỉ điểm nhiều đòn thế giúp tôi thượng đài tốt hơn. Khi dạy, võ sư ít dạy theo sách vở, mà thường chỉ dạy, chia sẻ kinh nghiệm thượng đài của chính mình cho học trò”, võ sư Phi Hùng cho biết.
Theo học đến năm 15 tuổi, ông Ninh được các thầy cho thượng đài lần đầu tiên tại rạp Kiến Thành ở Quảng Ngãi. Từ đó, ông liên tục giành được thắng lợi mỗi khi thi đấu với các võ sĩ ở miền Trung. Đến năm 1973, ông được các thầy cho vào Sài Gòn thi đấu, chính thức lấy tên là Nguyễn Phi Hùng.
Võ sư Phi Hùng xem lại những hình ảnh và bài báo viết về võ thuật trước năm 1975.
2. Tháng 3-1974, Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam tổ chức giải vô địch quốc gia tại sân Tinh Võ (Sài Gòn), với sự tham gia của 130 võ sĩ, trong đó có 103 nam và 27 nữ. Kết quả bốc thăm ngày 27-3, võ sĩ Phi Hùng đấu với võ sĩ Xuân Thịnh (võ đường Xuân Bình). Tuy nhiên, ngày 28-3, ban tổ chức thông báo rằng võ sĩ Phi Hùng đấu với võ sĩ Trần Cường (võ đường Trần Xil).
Thời điểm này, võ sĩ Trần Cường đang là đương kim vô địch quốc gia. Võ sĩ này nổi tiếng với cú đấm tay phải rất uy lực, được xem là mãnh hổ trên sàn đấu, hạ nốc ao đối thủ chỉ trong giây lát. Thế nên khi nghe cặp đấu không giống với kết quả bốc thăm, nhiều võ sư, võ sĩ cho rằng ban tổ chức cố tình làm vậy để tổ chức cá độ và tìm cách chèn ép các võ sĩ đến từ miền Trung.
Đêm 29-3, trận đấu diễn ra với sự chứng kiến của hơn 2.000 khán giả. Tuy nhiên, diễn biến trận đấu không giống như nhiều người mong đợi rằng võ sĩ Trần Cường sẽ “làm thịt con gà Quảng Ngãi”. Mà ngược lại, đương kim vô địch quốc gia bị tấn công tới tấp, phải chống đỡ rất vất vả. Dù vậy, kết thúc 3 hiệp đấu, trọng tài và giám sát trận đấu tuyên bố võ sĩ Trần Cường thắng điểm.
Khán giả có mặt ở sân Tinh Võ vô cùng phẫn nộ, các võ sư Minh Cảnh, Kid Dempsey… cũng ngay lập tức phản đối kết quả này. Riêng Phi Hùng im lặng và thách đấu Trần Cường lần hai. Trần Cường đồng ý và hai bên thống nhất thượng đài lần hai tại sân Tinh Võ vào ngày 26-8-1974.
Ngày 26-8-1974, tại sân Tinh Võ, khán giả được chứng kiến cuộc tái đấu của hai võ sĩ này. “Trần Cường bay song phi kèm theo cú đấm tay phải uy lực của mình về phía tôi. Đoán trước được miếng đánh của Trần Cường nên tôi đã né được đòn. Nhanh như chớp, chân trái của tôi tung cú đá cực mạnh, thọc sâu vào hai chân trụ của Trần Cường. Lúc này, Trần Cường chúi người xuống và mặt dính ngay cú chỏ của tôi, rồi nằm đo ván. Trận đấu kết thúc chỉ mới hơn 2 phút của hiệp đầu”, võ sư Phi Hùng kể.
Ngay sau trận đấu, khán giả hò reo, nhiều người phấn khích ùa lên đài tặng thưởng tiền cho Phi Hùng. Trận đấu ấy, ông nhận được gần 80.000 đồng tiền thưởng. Đó là số tiền được thưởng cao kỷ lục sau 20 năm Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam tổ chức thi đấu. Theo võ sư Phi Hùng, thời bấy giờ, số tiền trên ông mua vàng đổ đầy hai lon sữa bò, sau đó mang về chia cho anh em, đồng nghiệp.
Và, cũng như lần trước, những ngày sau đó, nhiều tờ báo ở Sài Gòn đã rầm rộ có những bài viết về trận đấu này. Chẳng hạn, tờ Độc Lập có bài: “Khán giả hò reo trút hầu bao ban thưởng, Hùng phục thù hạ Cường đo ván nội 210 sau hiệp đầu”, bài báo tường thuật rằng, vừa ráp trận, Trần Cường xông vào, Phi Hùng tung ngọn đòn cùi chỏ ác liệt trúng ngay mặt, Trần Cường té nằm dài đo ván ngay ở hiệp đầu; tờ Đông Phương có bài: “Võ sĩ Nguyễn Phi Hùng thắng đo ván lực sĩ quốc gia Trần Cường ở ngay hiệp đầu hưởng 80.000 đồng”, bài báo ngoài mô tả trận đấu, còn đưa ra câu hỏi rằng ban giám định trọng tài quyền thuật đã thức tỉnh chưa sau chiến thắng vẻ vang của Nguyễn Phi Hùng…
Trận so tài giữa võ sĩ Phi Hùng (bên trái) với võ sĩ Trần Cường năm 1974.
3. Năm 1977, ông Hùng đi học tại Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương 2 (nay là Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh). Năm 1981, ông ra trường và về công tác tại Ty Thể thao Nghĩa Bình (nay tách ra thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) làm huấn luyện viên môn quyền anh.
Một số võ sĩ quyền anh nổi tiếng ở Bình Định, Quảng Ngãi như: Tạ Quang, Hiếu Hiền, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quốc Cường, Ngô Sỹ... đều là học trò của ông. Những năm sau đó, ông còn làm huấn luyện viên quốc gia môn quyền anh và đã hai lần dẫn quân đi thi đấu Sea Games. Từ năm 2002, ông phụ trách rồi sau đó làm Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ngãi.
Võ sư Phi Hùng chia sẻ, võ thuật thường đòi hỏi sự biến hóa khôn lường. Khi dạy học trò, ông dạy bằng kỹ thuật và thể lực của chính mình để tránh việc thầy nặng lý thuyết, trò nặng sách vở. Điều quan trọng, võ thuật có nghĩa là võ đạo, tức là học võ để làm việc thiện và giúp đời.
“Tôi thường dạy học trò rằng, người học võ phải luôn tự kiềm chế mình, nhường nhịn để tránh dùng vũ lực, đó chính là sự rèn luyện võ đạo. Điều tôi tâm đắc là mình hết lòng với học trò và các em cũng hết lòng chung tay phát triển võ thuật; đồng thời còn làm việc thiện giúp người, giúp đời. Tôi thấy mình hạnh phúc khi có được tài sản lớn là các thế hệ học trò”, võ sư Phi Hùng tâm sự.
Hiện tại, Võ sư Phi Hùng là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và là Chủ tịch Liên đoàn võ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Ngôi nhà của ông nằm trên đường Hà Huy Tập (TP Quảng Ngãi) là địa chỉ quen thuộc của nhiều người muốn tìm tư liệu về võ thuật Việt Nam. Ở đó, ông lưu giữ nhiều hình ảnh về cuộc đời học võ, dạy võ của mình, cũng như của nhiều võ sư, võ sĩ khác.
Năm 1982, võ sư Phi Hùng nghỉ đấu đài. Dù vậy, năm 1991, ông “phá lệ” để được so găng với kiện tướng quyền anh Kolpakov (người Nga). Tuy nhiên, để có thể gặp và so găng với kiện tướng quyền anh này, ông đã liên tiếp đánh bại ba cao thủ ở vòng ngoài. “Khi thượng đài thi đấu với Kolpakov, ở hiệp đầu, tôi di chuyển liên tục để dò đòn và tìm kẽ hở của đối phương. Sang hiệp hai, khi cú đấm tay trái của Kolpakov vừa lao ra, tôi lắc nhẹ thân pháp né đòn. Lúc này, trọng lượng dồn về chân trước, tôi liền lấy lực tung cú đấm tay phải, khiến Kolpakov ngã khuỵu. Trận đấu kết thúc trong sự hò reo của khán giả”, võ sư Phi Hùng kể. |
Pierre Flores không về nhưng sư đệ của ông đã có mặt tại Việt Nam.