Chuyện về những ngôi sao vụt sáng ở SEA Games 31
Nhiều VĐV dù không nhận được nhiều kỳ vọng nhưng lại bất ngờ tỏa sáng tại SEA Games 31.
Từ chỗ ít được truyền thông biết tới, Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Hương, Phạm Thanh Bảo, Lò Thị Hoàng hay Lương Đức Phước thực sự đã trở thành những ngôi sao tại SEA Games 31 nhờ sự nỗ lực và bền bỉ.
Lương Đức Phước giành HCV 1.500m nam là bất ngờ lớn nhất ở môn điền kinh SEA Games 31. Ảnh: Tạ Hải
Những ngôi sao trên cao vụt sáng
Phút 80 trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31, từ quả tạt bên cánh trái của Phan Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng bật cao hơn tất thảy đánh đầu đưa bóng vào góc chữ A khung thành U23 Thái Lan trong sự bất lực của thủ môn Kawin.
Bàn thắng này đã làm thay đổi cục diện trận đấu, giúp U23 Việt Nam bảo vệ thành công tấm HCV. Pha lập công của cầu thủ thuộc biên chế Viettel FC khiến anh lập tức trở thành người hùng trong mắt công chúng.
Nếu như cú đánh đầu của Mạnh Dũng làm sân Mỹ Đình nổ tung thì màn bứt tốc về đích trên đường chạy 1.500m của chân chạy mới toanh Lương Đức Phước khiến nhiều người thực sự ngỡ ngàng. Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nói vui: “Phước như từ dưới đất chui lên”.
Ở cự ly này, Trần Văn Đảng là niềm hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam. Chính anh đã đánh bại Đức Phước ở giải vô địch quốc gia 2020, 2021. Cả hai duy trì thế bám đuổi, nhưng Phước thể hiện tốt ở khoảng 100m cuối để giành HCV.
Giới chuyên môn đánh giá tấm HCV của Phước là một trong những bất ngờ lớn nhất SEA Games 31. Bản thân chân chạy Đồng Nai cũng không tin mình đã chiến thắng ngay ở lần đầu góp mặt tại sân chơi lớn nhất khu vực.
“Tôi không nghĩ mình sẽ vượt qua Trần Văn Đảng mà chỉ đặt mục tiêu về thứ 2 hoặc vượt qua thành tích của chính mình ở giải vô địch quốc gia trước đó”, Phước chia sẻ.
VĐV đua thuyền Nguyễn Thị Hương cũng lần đầu dự SEA Games nhưng còn gây ấn tượng mạnh với hơn với 5 tấm HCV cả cá nhân lẫn đồng đội.
Trong số 4 VĐV được Bộ VH-TT&DL đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, chỉ mình cô là “lính mới” đúng nghĩa. Từ chỗ không ai biết tên, nữ VĐV quê Vĩnh Phúc trở thành tâm điểm của giới chuyên môn lẫn truyền thông.
Càng đáng ngạc nhiên hơn khi cô gái vóc dáng nhỏ nhắn này chưa tham gia giải đấu quốc tế nào cấp độ đội tuyển.
Năm 2019, cô từng dự Giải trẻ Cúp Thế giới và Giải trẻ Đông Nam Á nhưng thành tích cao nhất chỉ là HCB. Vậy mà chỉ sau 3 năm, Hương đã khiến mọi đối thủ phải thán phục.
Không giống ba người đồng nghiệp, nữ VĐV ném lao Lò Thị Hoàng, người giành HCV và phá kỷ lục SEA Games đã có lần thứ 2 tranh tài tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Năm 2019, cô giành HCB, xếp sau VĐV Thái Lan và lần này dù được thi đấu trên sân nhà, cô vẫn bị đánh giá thấp hơn đối thủ. Ấy vậy mà, cô gái dân tộc Thái lại làm được điều không tưởng, giành HCV và phá luôn kỷ lục tồn tại suốt 15 năm.
“Trong lịch sử các kỳ SEA Games, Việt Nam chưa bao giờ có HCV ném lao nữ và điền kinh Việt Nam cũng bị đánh giá thấp ở những môn ném, đẩy do thể trạng. Chính bởi vậy, tấm HCV của Lò Thị Hoàng đặc biệt có ý nghĩa”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chia sẻ.
Tương tự Lò Thị Hoàng, kình ngư Phạm Thanh Bảo vừa có kỳ SEA Games thứ 2 trong sự nghiệp và anh đã gây ấn tượng bằng việc phá 2 kỷ lục (100m ếch, 200m ếch). Tuy có một chút tiếc tuối khi anh không thể hoàn tất cú đúp HCV (thua VĐV Singapore nội dung 200m ếch) nhưng đây vẫn là kỳ Đại hội đáng nhớ với Thanh Bảo.
Ở cả hai nội dung trên, Bảo được đánh giá không có nhiều tiềm năng. Tại SEA Games 30, Bảo cũng nhận 2 HCB. Và khi anh giành chiến thắng nội dung 100m ếch, người hâm mộ tại Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình được phen nháo nhác bởi quá ít người thuộc tên chàng trai quê Bến Tre.
Đằng sau hào quang là những giọt mồ hôi
Nguyễn Thị Hương chia sẻ niềm vui chiến thắng với bố mẹ. Ảnh: NVCC
Một điểm chung của 5 nhà vô địch SEA Games vừa nêu là họ đều phải trải qua ngàn ngày nỗ lực bền bỉ. Niềm tin vào chiến thắng cũng là điều họ luôn mang theo như một thứ hành trang không thể thiếu.
Lò Thị Hoàng kể, ngày thi đấu SEA Games 31, cô mặc quần dài (các VĐV điền kinh thường mặc quần ngắn, tạo cảm giác thoải mái) bởi không muốn mọi người nhìn thấy hai đầu gối cuốn băng kín.
“Chấn thương này tôi gặp phải từ năm 2021, nhiều lúc trái gió trở trời đau khủng khiếp. Ngoài ra, những chấn thương ở lưng, tay suốt 10 năm theo thể thao tôi gần như gặp thường xuyên nhưng đều phải nén đau để tập luyện”, nữ VĐV Sơn La bộc bạch.
Sau khi giành HCV, Hoàng chạy lên khán đài tìm bố mẹ rồi khóc nức nở trong vòng tay hai đấng sinh thành. Cô nói để xuống được tới Hà Nội cổ vũ con gái, bố mẹ cô cũng không dễ dàng gì.
Nhưng ít ra cô còn may mắn hơn kình ngư Phạm Thanh Bảo bởi bố mẹ anh nghèo tới mức không thể thu xếp tiền để ra cổ vũ con trai thi đấu.
“Ở nhà bố mẹ tôi đều đi làm mướn, hai năm rồi dịch bệnh việc ít nên thu nhập không có. Thấy nhiều bạn được gia đình động viên tôi cũng tủi thân nhưng điều này càng làm tôi quyết tâm giành HCV để đỡ đần bố mẹ. Toàn bộ tiền thưởng từ SEA Games tôi sẽ gửi bố mẹ trang trải cuộc sống”, kình ngư Bến Tre tiết lộ.
Cũng theo chàng trai sinh năm 2001, chính cái nghèo là động lực để anh phấn đấu từng ngày: “Muốn cuộc sống tốt lên thì chẳng có cách nào khác là phải thi đấu và giành chiến thắng. Tôi có niềm tin mình sẽ giành HCV và tôi đã thành công”.
Nếu nói về sự bền bỉ, nỗ lực, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Hương chắc chắn là tấm gương sáng. Dù sở hữu thể hình khá khiêm tốn nhưng nguồn nội lực của nữ VĐV này lại vô cùng mạnh mẽ.
Hương theo thể thao từ năm 14 tuổi với xuất phát điểm ở môn vật, nhưng chỉ được 1 năm thì Trung tâm Huấn luyện thể thao Vĩnh Phúc bỏ môn này và cô được thầy Lưu Văn Hoàn nhắm chuyển sang đua thuyền. 6 năm qua, cô luôn miệt mài để mong có ngày tỏa sáng ở đấu trường quốc tế.
“Suốt 6 năm, tôi gần như không để ý tới bất cứ thứ gì ngoài ăn - tập”, VĐV giành 5 HCV SEA Games chia sẻ.
Giống như Hoàng hay Bảo, ngoài khát khao chính phục bản thân, Hương cố gắng trong tập luyện, thi đấu còn để giúp đỡ gia đình: “Bố mẹ tôi ở quê chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống vất vả lắm. Sau khi nhận tiền thưởng SEA Games tôi sẽ tặng bố mẹ một khoản lớn nhằm cải tạo ngôi nhà và mua sắm thêm những vật dụng cần thiết”.
Nhâm Mạnh Dũng nổi lên từ Giải U17 Quốc gia 2017 với danh hiệu Vua phá lưới. Đáng tiếc sự nghiệp của anh chàng quê Thái Bình sau đó cứ bình bình ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển, một phần do anh bị kéo xuống đá trung vệ.
Mạnh Dũng từng bị nghi ngờ khả năng sau những giải đấu không tốt, bị đặt dấu hỏi về chuyên môn ngay tại SEA Games nhưng vẫn luôn khát khao cháy bỏng trong từng buổi tập, từng trận đấu. Thế nên, siêu phẩm vào lưới Thái Lan không phải từ trên trời rớt xuống.
Trong khi đó, Đức Phước cũng chỉ được coi là người làm nền cho Trần Văn Đảng sau 2 thất bại liên tiếp ở giải vô địch quốc gia nhưng anh không thối chí. Ngoài tập ở sân, Phước còn chủ động chọn những nơi có địa hình dốc để chạy hay thậm chí chạy trên cát nhằm rèn luyện cổ chân. Tập như vậy cực kỳ mệt nhưng hiệu cao và những giọt mồ của anh không đổ xuống vô nghĩa.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin SEA Games) Thành tích của Việt Nam giành được tại SEA Games 31 là quá tuyệt vời nhưng nhìn lại ASIAD, Olympic mọi thứ hoàn toàn khác.